Lý Quang Diệu và hành trình đưa làng chài thành Trung tâm tài chính thế giới

(Dân trí) - Từ làng chài nhỏ, “huyền thoại Châu Á” thế kỉ 20 và 21 - Lý Quang Diệu đã đưa Singapore đã trở thành trung tâm tài chính thứ 4 thế giới mà ít ai ngờ đến.

Vào năm 1965, nếu ai cho rằng Singapore có thể trở thành trung tâm tài chính thế giới thì hẳn người đó sẽ bị coi là điên rồ. Tuy nhiên, vào những năm thập kỷ 90, cả thế giới đã sững sờ trước sự thay đổi chóng mặt của Singapore. 

Lý Quang Diệu và hành trình đưa làng chài thành Trung tâm tài chính thế giới
Cố thủ tướng Singappore Lý Quang Diệu được mệnh danh là "người cha đẻ" của Singapore hiện đại.

Từ làng chài phải mua nước uống

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Những năm 1965 trở về trước, Singapore có nền kinh tế xã hội khó khăn và nghèo nàn do nằm dưới sự cai trị của Anh và phụ thuộc Malaysia. Với 2 triệu dân tồn tại trên 1 hòn đảo rộng chỉ 640 km2, không có thị trường nội địa, nước ngọt phải mua Singapore vẫn là vùng đất nghèo nàn, cằn cỗi.

Tuy nhiên, từ khi tách khỏi Malaysia và tuyên bố độc lập, đến những năm thuộc thập kỷ 90, đất nước này đã lột xác nhanh chóng nhờ vào tài năng kiến tạo của Lý Quang Diệu và cộng sự. Singapore của những năm 1990 là nước duy nhất nằm trong thế giới thứ 3 nhưng có mức thu nhập của các nước thế giới thứ nhất, các nước G7, thậm chí nhiều tiêu chí còn hơn thế.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Singapore năm 1959 khi Lý Quang Diệu nhậm chức chỉ có 400 USD, sau khi ông từ nhiệm năm 1990 là 12.000 USD/người/năm và năm 1999 là 22.000 người năm. Hiện nay, theo con số mới nhất, thu nhập bình quân/người của Singapore xếp trên Mỹ với 55.000 USD.

Singapore là đất nước an ninh, đất lành của hơn 3 triệu người dân. Chỉ một chính sách thôi, cũng cho thấy Singapore xây dựng xã hội sạch như thế nào. Vào năm 1992, Chính phủ Singapore ra lệnh cấm ăn kẹo cao su trên toàn quốc. Mới đầu, chính sách này được người phương Tây nhìn nhận khá phiến diện, cho là khôi hài. Tuy nhiên, với người dân Singapore, họ hoàn toàn hài lòng bởi sau đó, những nhà ga, tàu điện hay các nút bấm của thang máy công cộng đã không bị nhét kẹo cao su gây bẩn thỉu nữa.

Từ một luật sư, Lý Quang Diệu (1923  - 2015) đã trở thành nhà lập quốc vĩ đại của Singapore. Ông đã để lại cho đất nước, người dân quốc đảo này một di sản lớn lao: 1 đất nước xanh - sạch - đẹp, một xã hội hài hòa, công bằng, một môi trường sống, kinh doanh tốt nhất thế giới và một thế hệ tương lai hoàn tự lập.

Đến Trung tâm tài chính thế giới

Theo cuốn “From Third world to first –The Singapore Story: 1965 -2000” tạm dịch là: (Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất, lịch sử Singapore năm 1965 -2000) của mình, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã viết: “Hãy nhìn xem, thế giới tài chính bắt đầu ở Zurich (Thụy Sỹ). Các Ngân hàng Zurich mở cửa 9 giờ sáng, sau đó đến Frankfurt (Đức) rồi đến London (Anh). Buổi chiều, Zurich đóng cửa, kế đến là Frankfurt rồi là London. 

Trong lúc ấy, New York (Mỹ) mở cửa, London chuyển giao dịch tài chính cho New York. Buổi chiều, khi New York đóng cửa, giao dịch lại được chuyển sang San Francisco (Mỹ). Khi San Francisco đóng cửa, thế giới chìm trong màn đêm, không có gì xảy ra đến mãi 9h sáng hôm sau (giờ Thụy Sỹ), khi đó Ngân hàng Zurich mở cửa, bắt đầu chi kỳ tài chính tiếp theo. Nếu chúng tôi đặt Singapore vào giữa, trước lúc San Francisco đóng cửa thì Singapore sẽ nm quyền kiểm soát. Và khi Singapore đóng cửa, nó sẽ chuyển quyền giao dịch tài chính thế giới cho Zurich. Vậy là lần đầu tiên, kể từ khi hoạt động, chúng ta sẽ có một dịch vụ vòng quanh thế giới về tiền tệ, ngân hàng trong suốt 24 giờ một ngày”.

Tuy nhiên, giữa ý tưởng và thực tế, biến Singapore trở thành trung tâm tài chính là một thách thức bởi những năm độc lập, Singapore vẫn là thành phần của khu vực đồng Bảng của Anh, nên bị quyền kiểm soát hối đoái trong luân chuyển tiền tệ. Vì thế, việc đầu tiên Lý Quang Diệu làm là ra khỏi khu vực đồng Bảng Anh vào những năm đầu 1970.

Tiếp đó, Lý Quang Diệu trao mọi quyền giám sát tài chính cho cơ quan gọi là Ủy ban Tiền tệ và Cơ quan giám sát tiền tệ Singapore (MAS). Đây là tổ chức hoạt động chuyên nghiệp trong giám sát tài chính, làm việc dựa trên những điều luật, điều lệ khắt khe của mình.

Khi mọi thiết chế được xây dựng, Lý Quang Diệu cho lập ra thị trường ngoại hối ngoài châu Âu tại Singapore có tên là “Thị trường đồng đô la châu Á”. Hoạt động của thị trường này chủ yếu là nắm giữ các quỹ ngoại tệ của các ngân hàng nước ngoài rồi cho các ngân hàng trong khu vực vay và ngược lại.

Sau đó, “Thị trường đồng đô la châu Á” tiến tới mua bán ngoại hối, những phát sinh tài chính bằng ngoại tệ, cho vay, phát hành trái phiếu và quản lý vốn… Năm 1997, “Thị trường đồng đô la châu Á” đã có quy mô vượt 500 tỉ USD.

Từ những năm 1968 – 1985, bằng hàng loạt các chính sách thu hút các nhà đầu tư tài chính quốc tế như bãi bỏ thuế giao dịch đối với khách hàng cùng với chính sách sự kiểm soát và áp dụng rất chặt chẽ của luật lệ đối với các hoạt động tài chính, chứng khoán và lưu chuyển tiền tệ, Singapore đã trở thành miền đất hứa của các nhà tài chính quốc tế. Đến năm 1990, Singapore đã trở thành một trong 4 trung tâm tài chính thế giới với thị trường ngoại hối đứng thứ 4 thế giới chỉ sau London, New York và Tokyo.

Cùng với gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư tài chính thế giới, giới ngân hàng Singapore cũng được Lý Quang Diệu thổi luồng gió mới. Nhón “Big Four” của trong ngành Tài chính của Singapore tập chung chủ yếu là 4 ngân hàng lớn gồm: Ngân hàng Quốc gia DBS, Ngân hàng Oversea Chinese Banking Corporation, United Over Sean Bank và Overseas Union Bank. Các ngân hàng này đều không muốn hướng ra nước ngoài làm ăn, đa số những nhân sự cấp cao của họ đều là người Singapore. Để đảm bảo sức mạnh cho hệ thống ngân hàng Singapore, Lý Quang Diệu đã xóa bỏ chế độ bảo hộ các ngân hàng trong nước năm 1997.

Chính quyết tâm này, không lâu sau, rất nhiều nhân tài đã được chiêu mộ để điều hành hoạt động của các ngân hàng Singapore cùng với các chiến lược mở rộng vốn ra ngoài Singapore tại các thị trường châu Âu, Đông Á. Quyết định của Lý Quang Diệu đưa ra khi đó, dù đã rời cương vị thủ tướng, ở vai trò là Bộ trưởng cao cấp nhưng ông đã kịp nhìn ra và hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại đối với nền tài chính, ngân hàng của Singapore trước cơn khủng hoảng tài chính tồi tệ của Châu Á năm 1997.

Nguyễn Tuyền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”