Lý giải pha đẩy lỗ "thần sầu" của công ty bầu Đức

Mai Chi

(Dân trí) - Sau khi giới đầu tư ngỡ ngàng nhận ra khoản lỗ hơn 5.000 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai đã bất ngờ được "đẩy" về quá khứ nhờ hồi tố, tập đoàn của bầu Đức cũng đã chính thức lên tiếng.

Cách đây ít tuần, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức khiến giới đầu tư ngỡ ngàng sau khi sử dụng "kỹ thuật" hồi tố, đẩy hơn 5.000 tỷ đồng thua lỗ - một con số khổng lồ, về quá khứ.

Lý giải pha đẩy lỗ thần sầu của công ty bầu Đức - 1

Lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2020 của Hoàng Anh Gia Lai là 5.085,8 tỷ đồng (ảnh: HAGL).

Cụ thể, nếu so sánh chỉ tiêu lỗ lũy kế/lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 và năm 2019 của HAGL sẽ thấy chênh lệch hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo hợp nhất kiểm toán năm 2019, công ty ghi nhận lãi lũy kế hơn 290 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2019. Đến báo cáo hợp nhất quý 4/2020, lỗ lũy kế thể hiện là 5.085,8 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2020.

Như vậy, năm 2020, HAGL nhẽ ra là đã lỗ gần 5.400 tỷ đồng nhưng trong báo cáo tài chính quý 4/2020 của HAGL lại cho thấy, doanh nghiệp lỗ sau thuế 2.175 tỷ đồng trong kỳ và lỗ hơn 1.200 tỷ đồng trong năm 2020.

Theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long trong quý 3/2020, HAGL đã hoán đổi khoản phải thu lấy cổ phần của Chăn nuôi Gia Lai, biến Chăn nuôi Gia Lai thành công ty con, tạo ra lợi thế thương mại tăng thêm gần 6.000 tỷ đồng. Đến quý 4/2020, tập đoàn HAGL quyết định dự phòng (làm sạch) cho khoản này và ghi hồi tố vào lỗ trên báo cáo tài chính năm 2019.

Cụ thể, nếu tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 của HAGL trước đây, khoản dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 91 tỷ đồng và 253 triệu đồng thì ở báo cáo tài chính quý 4/2020, sau khi được trình bày lại, con số này tăng lên 2.938 tỷ đồng (dài hạn) và 2.209 tỷ đồng (ngắn hạn).

Có vẻ như phía bầu Đức không muốn có thêm đồn đoán, suy luận về vấn đề này. Theo đó, mới đây, HAGL đã chính thức có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Vụ Giám sát Công ty đại chúng để giải trình thêm một số chi tiết về cơ sở trích lập từng khoản phải thu và lý do của việc chưa thực hiện trích lập khoản dự phòng phải thu này trong năm 2018-2019.

Phía HAGL cho biết, lý do của việc thực hiện trích lập dự phòng trên xuất phát từ tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn mang tính phụ thuộc và chịu sự tác động bởi các yếu tố thị trường. Trong các năm trước đây, Ban Tổng Giám đốc đánh giá khả năng thu hồi các khoản phải thu là khá cao.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn.

Vì vậy, Ban Tổng Giám đốc HAGL nhận thấy rằng các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất, nên đã đưa ra quyết định điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của Công ty năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp cho BCTC năm 2020 không tiếp tục bị ý kiến kiểm toán ngoại trừ.

Cụ thể, dựa trên ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng trong BCTC tổng hợp đã kiểm toán năm 2018 và 2019 lần lượt là 7.204 tỷ đồng 10.298 tỷ đồng. Phía HAGL trích lập như sau:

Lý giải pha đẩy lỗ thần sầu của công ty bầu Đức - 2

Dựa trên ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng trong BCTC hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 và 2019 lần lượt là 7.595 tỷ đồng và 10.505 tỷ đồng, Ban Tổng Giám đốc HAGL quyết định trích lập dự phòng như sau:

Lý giải pha đẩy lỗ thần sầu của công ty bầu Đức - 3

Cơ sở lập dự phòng của các khoản công nợ trên là:

Lý giải pha đẩy lỗ thần sầu của công ty bầu Đức - 4
Lý giải pha đẩy lỗ thần sầu của công ty bầu Đức - 5

Theo lãnh đạo HAGL, trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần dần.

Lãnh đạo tập đoàn này cho rằng, việc trích lập dự phòng này sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của BCTC và trên cơ sở đó phục vụ tốt hơn cho việc sử dụng thông tin của các cổ đông.