Lý do những tấm biển "Xin chào" mọc lên như nấm ở khu phố sầm uất Hàn Quốc
(Dân trí) - Rất có thể khi đi vào khu phố này, bạn sẽ được nhân viên bán hàng tiếp cận và nói "Xin chào".
Nếu trông giống khách du lịch khi đi dạo dọc các con phố ở Myeong-dong - thánh địa mua sắm đặc trưng của Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2019, rất có thể bạn sẽ được một nhân viên cửa hàng làm đẹp tiếp cận và nói "Ni hao" hoặc "Konnichiwa" ("Xin chào" bằng tiếng Trung và tiếng Nhật) để mời chào sản phẩm.
Thế nhưng gần đây, một vài lời chào bằng các ngôn ngữ khác đã được bổ sung vào thuật ngữ của họ, bao gồm "Xin chào", "Halo", "Sawatdee Khrap/Khun Kha", lần lượt dành cho khách du lịch Việt Nam, Indonesia và Thái Lan trong bối cảnh khách du lịch từ các nước Đông Nam Á đổ về Hàn Quốc ngày càng nhiều.
Theo Korea JoongAng Daily, năm 2021, lượng khách du lịch từ những quốc gia này lần đầu tiên vượt qua lượng khách từ các thị trường nước ngoài truyền thống của Hàn Quốc là Trung Quốc và Nhật Bản.
Kim Sun-ah (38 tuổi) - người làm việc tại một trong những cửa hàng mỹ phẩm ở Myeong-dong, cho biết: "Tiếng Anh là ngôn ngữ mà nhân viên bán hàng bắt buộc phải biết. Tiếng Trung hoặc tiếng Nhật cũng là yêu cầu của nhiều cửa hàng trước đại dịch. Giờ đây, các quản lý cửa hàng đang tìm kiếm những nhân viên có thể nói một trong các ngôn ngữ Đông Nam Á bên cạnh tiếng Anh".
Khách du lịch từ Trung Quốc và Nhật Bản từng rất đông trên đường phố của các khu du lịch ở trung tâm Seoul nhưng đã giảm trong đại dịch. Một thống kê cho thấy năm 2019, có 4,89 triệu du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc.
Con số này đã giảm 90,8% xuống còn 451.000 người vào năm 2020 và tiếp tục giảm 96,7% từ mức đó xuống còn 15.000 người vào năm 2021. Năm 2022, con số trên là 66.000 người.
Trong khi đó, lượng du khách từ 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia, đang tăng trở lại. Gần 2 triệu người từ các quốc gia này đã đến Hàn Quốc vào năm 2019, nhưng chỉ có 60.000 người vào năm 2021. Một năm sau, con số này tăng gấp 10 lần lên hơn 600.000 và chỉ riêng trong quý I năm nay đã có 278.000 người đến Hàn Quốc.
"Trước đây, du khách Trung Quốc là nhóm chủ đạo, nhưng chúng tôi đang thấy rất nhiều du khách Đông Nam Á đi theo nhóm gia đình hoặc với một vài người bạn", một nhân viên của Trung tâm Thông tin Du lịch Myeong-dong cho biết.
Điều này cũng dẫn tới việc các cơ sở kinh doanh thay đổi cách cung cấp sản phẩm, dịch vụ để phục vụ đối tượng du khách này. Ví dụ, nhiều nhà hàng và quán ăn đã thêm thực phẩm thuần chay vào thực đơn.
Trong số 666,2 triệu cư dân của các quốc gia Đông Nam Á, hơn 40% là người Hồi giáo vào năm 2021, theo Statista. Người Hồi giáo chiếm 87,2% công dân Indonesia và 61,3% công dân Malaysia.
Có thể nói, sự quay trở lại của du khách, đặc biệt là từ Đông Nam Á, đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Myeong-dong.
Khi du khách quay trở lại sau đại dịch, tỷ lệ trống của các cửa hàng quy mô nhỏ ở Myeong-dong đã được cải thiện đáng kể. Một du khách từng đến Hàn Quốc vài lần cho biết: "Nhìn thấy các cửa hàng nhộn nhịp và nghe lời chào bằng tiếng nước ngoài của họ khiến tôi nghĩ rằng Myeong-dong đã hồi sinh".
Các cửa hàng bách hóa cũng đạt mức doanh thu cao hơn. Doanh số tại chi nhánh Myeong-dong của Lotte Department Store đã tăng 780% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi nhánh chính của cửa hàng bách hóa Shinsegae ở phía tây nam Myeong-dong cũng chứng kiến doanh số từ khách hàng nước ngoài tăng 365,3%. Trong khi đó, cửa hàng bách hóa The Hyundai Seoul ở Yeouido, phía tây Seoul, ghi nhận doanh số tăng 872,6%.
Ngoài ra, khách du lịch Đông Nam Á đã ngang bằng với khách du lịch Trung Quốc về sức mua. Mặc dù họ đi du lịch theo nhóm nhỏ hơn so với người Trung Quốc nhưng vì tổng số lượng gia tăng rõ rệt nên được đánh giá là đủ để bù đắp cho sự sụt giảm số lượng du khách Trung Quốc.
Khách du lịch từ 6 quốc gia Đông Nam Á đã chi trung bình 3.978 USD/người trong thời gian lưu trú tại Hàn Quốc vào năm 2021, trong khi khách du lịch Trung Quốc chi 4.170 USD/người, theo báo cáo Khảo sát Du khách Quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố vào tháng 7 năm ngoái.
Năm 2019, trung bình du khách Đông Nam Á chi 1.071 USD/người, trong khi du khách Trung Quốc chi 1.632 USD/người.