Lương thực "đội giá" vì bão lũ
(Dân trí) - Với mức tăng 5,5% trong 11 tháng, dư địa để hoàn thành kế hoạch cả năm dưới 6,8% là rất lớn. Tuy nhiên, do tình hình thiên tai, chỉ số giá ở nhóm hàng lương thực đã tăng rất mạnh.
Tổng cục Thống kế sáng nay (24/11) chính thức công bố số liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cả nước. Theo đó, trong tháng 11, CPI đã tăng 0,34% so với tháng 10 và tăng 5,78% so với cùng kỳ tháng 11/2012. Còn nếu so với thời điểm tháng 12/2012, CPI tăng 5,5%.
Như vậy, mục tiêu CPI cả năm dưới 6,8% đã chắc chắn thực hiện được, do tháng 12, CPI sẽ không thể tăng quán 1,3% so với tháng 11.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Trong số 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI thì có tới 9 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, tuy nhiên mức tăng không lớn. Chủ yếu, chỉ số chung bị tác động bởi mức tăng ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ tính CPI). Nhóm này trong tháng đã tăng 0,62% về giá so với tháng 10, tăng 4,86% so cùng kỳ và 4,57% so với tháng 12/2012.
Tình trạng mưa bão triền miên và tình hình ngập lụt liên tục ở miền Trung đã gây thiệt hại nặng về mùa màng, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người dân trên cả nước, khiến chỉ số giá lương thực tăng rất mạnh, ở mức 1,29% so với tháng 10, trong khi thực phẩm tăng 0,56% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,17%.
Còn lại, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng khá mạnh với mức tăng 0,41%. Nhóm này bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng.
May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,35%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,24%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%. Do không còn các đợt điều chỉnh giá thuốc tại các địa phương như đợt trước, do vậy, thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng 0,07% trong đó dịch vụ y tế tăng 0,01%. So cùng kỳ thì chỉ số giá nhóm này đã tăng 19,04% và 23,52%.
Các nhóm hàng khác có chỉ số tăng nhẹ là giao dịch tăng 0,1%; văn hóa giả trí và du lịch tăng 0,1%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,18%.
Ngược lại, chỉ số giá ở nhóm giao thông giảm 0,34% trong tháng 11 so với tháng 10. Trong tháng tới và tháng 1, thời điểm liên tục diễn ra các dịp lễ lớn, nhất là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, dự kiến chỉ số giá giao thông sẽ tăng rất mạnh.
Bưu chính viễn thông ghi nhận giảm 0,02% mặc dù trong thời gian vừa qua, việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G đã dấy lên nhiều phản ứng của người tiêu dùng.
Dù vậy, nhìn chung so với cùng kỳ và với tháng trước thì lạm phát vẫn đang nằm trong mức thấp của bình quân năm.
Sau tháng 8, lạm phát đã chậm lại.
Nằm ngoài rổ tính giá, trong tháng này, cả chỉ số vàng lẫn chí số USD đều giảm so với tháng 10, lần lượt giảm 1,04% và 0,1%. So với tháng 12/2012, chỉ số giá vàng lao dốc khá nhanh, giảm 21,76%, trong khi giá USD chỉ tăng 1,04%.