Lượng thẻ ATM phát hành trong nước đã vượt quá dân số Việt Nam

(Dân trí) - Báo cáo tại Hội thảo “Tương lai thanh toán bằng thẻ và tiền điện tử” do Bộ Công Thương của Banking Việt Nam, tính đến cuối 2015, lượng thẻ phát hành trên toàn quốc là 99,5 triệu thẻ, tăng hơn 3 lần so với năm 2010.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Theo Banking Việt Nam, tương ứng với số lượng thẻ trên, Việt Nam cũng có gần 17 nghìn máy ATM và 230 nghìn thiết bị chấp nhận thẻ… Trong đó, 67 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 34 tổ chức ứng dụng dịch vụ thanh toán qua mobile. Năm 2015 số lượng thanh toán thẻ qua Internet đạt tới 2,2 triệu khách hàng.

Doanh số sử dụng và doanh số thanh toán cũng tăng liên tiếp trong những năm qua. Năm 2011, doanh số sử dụng là hơn 724 nghìn tỷ đồng và doanh số thanh toán hơn 895 nghìn tỷ đồng doanh số thanh toán. Đến năm 2015, các con số này lần lượt tăng lên thành hơn 1,6 triệu tỷ đồng và gần 1,7 triệu tỷ đồng. Các sản phẩm thẻ tín dụng càng ngày càng được đa dạng hoá. Hầu hết các thương hiệu quốc tế như American Express, Visa, MasterCard, JCB, Diners, Club, Discover, UnionPay đều đã có mặt tại Việt Nam.

Theo TS Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển thương mại (Bộ Công Thương), thị trường thanh toán thẻ và tiềm lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh nhưng vẫn còn những hạn chế bất cập.

Cụ thể, việc thanh toán phát hành thẻ tín dụng mới chỉ chủ yếu thiên về số lượng chứ chưa thiên về chất lượng; tỷ lệ thẻ nội địa sụt giảm mặc dù vẫn cao (chiếm 91%) trong cơ cấu các loại thẻ; thanh toán thẻ vẫn qua rút tiền ATM (chiếm tới 85%), chỉ có 15% là phát sinh qua thanh toán; tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ rơi vào 60-70%…

Viện nghiên cứu thương mại Bộ Công thương cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt Nam vẫn còn nặng nề, đặc biệt là khu vực nông thôn. Hệ thống máy ATM tuy phát triển nhanh, nhưng phân bố lại chưa đều. Số lượng máy tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, trong khi nông thôn miền núi còn hạn chế.

Bên cạnh đó, trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ…

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tuy đã có khá nhiều nhưng còn thiếu các chính sách mang tính đột phá để tạo một lực bẩy cho công cụ thanh toán thẻ và thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ hơn.

Phương Dung