1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lương nhân viên xăng dầu thực sự bao nhiêu?

(Dân trí) - Nếu trước kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm ngoái xôn xao lương nhân viên công ty mẹ Petrolimex gần 21 triệu đồng/tháng thì theo BCTC, mức này chỉ là 4,3 triệu đồng. Năm 2012, doanh thu công ty mẹ tăng gấp 11 lần nên quỹ lương cũng tăng 5 lần.

Lương nhân viên xăng dầu thực sự bao nhiêu?
Lương nhân viên toàn tập đoàn thể hiện qua báo cáo tài chính chỉ tăng nhẹ, biến động mạnh chủ yếu tại công ty mẹ.

Theo số liệu công bố tại Báo cáo thường niên của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến ngày 31/12/2012, số lượng lao động của khối các công ty kinh doanh xăng dầu thuộc Petrolimex là 17.517 người. 

Thu nhập bình quân năm 2012 là trên 6,47 triệu đồng/người/tháng.

Mục tiêu trả lương cho người lao động được Petrolimex cho biết, “theo thị trường, lấy tiền lương làm động lực cơ bản khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đảm bảo mục tiêu lợi nhuận”.

Còn tại Báo cáo tài chính công ty mẹ, tổng số nhân viên tại ngày 31/12/2012 là 239 người giảm nhẹ so với số lượng tại ngày 31/12/2011 là 241 người.

Chi phí nhân viên tăng mạnh lên 61,63 tỷ đồng so với mức 12,35 tỷ đồng năm 2011.

Như vậy, nếu tính theo mức bình quân, lấy chi phí nhân viên chia trên cho số lao động thì mức thu nhập của nhân viên tại công ty mẹ Petrolimex trong năm 2011 chỉ là 4,27 triệu đồng/người/tháng. Đến năm 2012, con số này tăng lên tới gần 21,5 triệu đồng/người/tháng.

Quỹ lương nhân viên công ty mẹ năm 2012 tăng gấp 5 lần 2011

Về số liệu năm 2011 có chênh lệch so với thông tin báo chí dẫn báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản của Tổng Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 11 năm ngoái. Theo đó, kiểm toán cho biết, tiền lương bình quân ở công ty mẹ là 20,961 triệu đồng/người/tháng (với quỹ lương là 60,368 tỷ đồng, tăng 1,6% so với 2010).

Vấn đề “lỗ nặng, lương cao” ở Petrolimex sau đó cũng đã được các đại biểu đưa ra tại phiên chất vấn ngày 12/11/2012. Tại đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng không tiết lộ về lương bình quân công ty mẹ mà chỉ cho biết lương bình quân toàn tập đoàn khoảng trên 6 triệu. 

Ngoài ra, trong năm 2011, lương Chủ tịch là 58 triệu, của Ủy viên HĐQT là 42 triệu, Trưởng ban kiểm soát là 41 triệu và của Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc là 40 triệu/tháng.

Tổng Kiểm toán cho biết, so với năm 2010 thì mức nhận được của 2011 còn thấp hơn. (Năm 2011, Tập đoàn ghi nhận lỗ 1.423 tỷ đồng. Trong đó, khối kinh doanh xăng, dầu thì lỗ 2.358 tỷ.)  Năm 2010, do Petrolimex có lãi nên lương của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là 70,7 triệu/tháng, Ủy viên HĐQT,  Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng Ban kiểm soát, Uỷ viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc là như nhau, cũng là 54,9 triệu.

Dễ thấy biến động của lương nhân viên Petrolimex qua từng năm thông qua kết quả kinh doanh Tập đoàn có biến động rất mạnh. 

Năm 2012, doanh thu công ty mẹ Petrolimex tăng gấp 11 lần so 2011 (doanh thu bán xuất khẩu, tái xuất, chuyển khẩu tăng gấp 5; bán hàng nội bộ tập đoàn tăng gấp 11,5 lần). Theo đó, chi phí nhân công cũng tăng gấp 5 lần.

Cũng trong năm 2012, BCTC ghi nhận, quỹ khen thưởng phúc lợi tăng đột biến, từ mức âm 223,6 triệu đồng năm 2011 đã lên tới 1,1 tỷ đồng năm 2012.
 
Tuy nhiên, toàn tập đoàn, lương bình quân 2011 và 2012 theo kết quả công bố không chênh lệch đáng kể. Thu nhập toàn tập đoàn năm 2012 chỉ nhỉnh hơn chút ít (8%).

Về thù lao cho lãnh đạo của Petrolimex trong 2012, Hội đồng quản trị gồm7 thành viên nhận tiền lương và thù lao là 1,29 tỷ đồng. Trong đó, thù lao của thành viên HĐQT không chuyên trách là 102 triệu đồng và của thành viên HĐQT chuyên trách là 1,188 tỷ đồng.

Tiền lương và thù lao của Ban kiểm soát (7 thành viên) năm 2012 trên 2,487 tỷ đồng, toàn bộ phân bổ cho 7 thành viên thuộc Ban kiểm soát chuyên trách.

Tiền lương và thù lao của Ban quản lý điều hành là 3,265 tỷ đồng (gồm Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc và kế toán trưởng).

Bích Diệp