1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lương 5-7 triệu đồng/tháng thì tiết kiệm thế nào?

Huỳnh Anh
iMoney

(Dân trí) - Nếu biết cách chi tiêu hợp lý thì với mức lương 5-7 triệu đồng/đồng, người tiêu dùng vẫn có thể tiết kiệm được một khoản dự phòng và tạo cơ hội đầu tư cho tương lai.

5-7 triệu đồng/tháng là mức lương phổ biến của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường. Tuy không phải là mức thu nhập quá cao nhưng nếu biết cách chi tiêu hợp lý thì các bạn trẻ vẫn có thể dành ra những khoản tiết kiệm. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Thanh Minh, CEO Công ty quản lý tài chính cá nhân OneSecond, đối với dân văn phòng, tiết kiệm tiền lương không chỉ đơn giản là việc cắt giảm chi tiêu mà nó còn là sự kết hợp thông minh giữa lối sống tiết kiệm và những chiến lược tài chính linh hoạt.

Với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng, việc để ra một khoản tiền lớn có vẻ khó khăn. Tuy nhiên, việc tiết kiệm vẫn là điều quan trọng đối với người đi làm văn phòng vì thói quen tiết kiệm sẽ giúp bạn xây dựng một khoản dự phòng trong trường hợp khẩn cấp hoặc chi phí bất ngờ phát sinh.

Khoản dự phòng này thường bằng với 6-12 tháng chi tiêu thiết yếu cho các khoản như ăn uống, thuê nhà, chi phí sinh hoạt cơ bản...

Việc tiết kiệm còn giúp các bạn trẻ có thể tạo cơ hội đầu tư cho tương lai. Một phần nhỏ thu được từ việc tiết kiệm có thể được gửi tại ngân hàng hoặc đầu tư vào các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng chỉ quỹ, cổ phiếu, giúp gia tăng tài sản trong tương lai.

Ông Minh cho rằng tiết kiệm cũng giúp người tiêu dùng tạo thói quen quản lý tài chính tốt hơn. Từ đó, các bạn cũng tạo được cho mình thói quen luôn chi tiêu có mục đích và cân nhắc giữa các mục tiêu để xem nhu cầu nào sẽ cần thiết hơn trong hiện tại. Thói quen tiết kiệm cũng là một cơ hội để xây dựng nền tài chính vững chắc cho bản thân và gia đình.

Lương 5-7 triệu đồng/tháng thì tiết kiệm thế nào? - 1

Khoản tiền tiết kiệm có thể được gửi tại ngân hàng hoặc đầu tư vào các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn (Ảnh: AC).

Vì mỗi người có mức thu nhập khác nhau nên không có một mức tiết kiệm tiêu chuẩn nào cụ thể. Tuy nhiên, chuyên gia cũng gợi ý quy tắc tiết kiệm 70-20-10. Trong đó, 70% thu nhập cho chi tiêu thiết yếu; 20% thu nhập cho việc tiết kiệm, đầu tư và 10% thu nhập cho chi tiêu mong muốn như du lịch, xem phim, mua sắm cá nhân,...

"Như vậy, với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng, các bạn trẻ có thể tiết kiệm khoảng 1,4 triệu đồng/tháng. Sau này, nếu mức thu nhập tăng lên có thể điều chỉnh lại quy tắc chi tiêu", ông Minh nhấn mạnh. 

Chuyên gia cũng chỉ cho các bạn trẻ các mẹo tiết kiệm tiền lương hàng tháng như:

Luôn ghi chép các khoản chi tiêu hàng tháng

Thống kê các khoản chi tiêu mỗi tháng giúp bạn kiểm soát dòng tiền hiệu quả cũng như sử dụng thu nhập một cách thông minh. Khi đã xác định khoản thu nhập sẽ dùng vào đâu, người tiêu dùng cũng cần đánh giá mức cần thiết của từng khoản để có phương án giảm trừ hoặc giữ nguyên sao cho phù hợp.

Luôn tự động trích một khoản tiết kiệm ngay khi nhận lương

Nhiều bạn trẻ thường có xu hướng chi tiêu cá nhân trước, đến cuối tháng còn dư ra bao nhiêu mới mang đi tiết kiệm bấy nhiêu. Điều này sẽ khiến bạn dễ sa đà vào việc dùng lương của mình cho các chi tiêu theo sở thích cá nhân.

"Thực tế, nhiều người nói lương ba cọc ba đồng nên có dư đâu mà tiết kiệm. Tuy nhiên, họ vẫn chi tiêu rất nhiều cho việc ăn hàng, uống cà phê, mua sắm,... phục vụ nhu cầu không thiết yếu của cá nhân. Trong khi đó, để tiết kiệm hiệu quả thì việc cắt giảm các khoản này là bước đầu tiên phải làm", chuyên gia chia sẻ.

Vì vậy, để tránh tình trạng trên, ngay khi nhận được lương, chuyên gia cho rằng người tiêu dùng nên trích ngay một khoản tiết kiệm để riêng. Việc này vừa giúp bạn thoải mái trong chi tiêu hàng tháng vừa giúp duy trì thói quen tiết kiệm đều đặn và hiệu quả hơn.

Cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết

Bên cạnh đó các bạn trẻ cũng cần nhận biết rõ khoản chi tiêu nào là cần thiết và khoản nào không cần thiết. Điều này giúp xác định những khoản chi tiêu bạn có thể cắt giảm để tối ưu hóa số tiền sẵn có.

Bạn có thể tránh mua những đồ không cần thiết để tiết kiệm và để dành tiền cho những mục tiêu quan trọng hơn. Việc đặt ra câu hỏi "Có cần thiết không?" trước khi mua sẽ giúp bạn nhận biết được sự khác biệt giữa nhu cầu thực sự và ham muốn tạm thời.

Chuyên gia cho rằng việc từ chối mua sắm không chỉ là việc cắt giảm chi tiêu mà còn là một bước đi thông minh để bạn thực sự làm chủ dòng tiền của mình. 

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...