TP.HCM:

“Luật giang hồ” len lỏi vào giới làm ăn

(Dân trí) - Không đi đến được những thỏa thuận cuối cùng trong việc phân chia lợi nhuận hoặc bị đối tác “cù nhầy” không trả nợ. Nhiều chủ công ty, doanh nghiệp đã tìm đến các băng nhóm giang hồ để “hợp đồng” đòi nợ thuê nhằm vớt vát số tiền đã hùn hạp trước đó.

Một băng nhóm giang hồ vừa tham gia vụ đòi nợ thuê cho một doanh nhân giấu mặt bị bắt giữ
Một băng nhóm giang hồ vừa tham gia vụ đòi nợ thuê cho một "doanh nhân giấu mặt" bị bắt giữ

Nhờ “xã hội đen” đòi nợ

Một băng nhóm giang hồ từ phía Bắc đã “Nam tiến” để thực hiện một bản “hợp đồng” đòi nợ thuê sặc mùi “xã hội đen”. Dù vẫn chưa xác định được kẻ chủ mưu thuê băng nhóm này nhưng nguyên nhân cơ bản đã được cơ quan công an xác định xuất phát từ mâu thuẫn làm ăn.

Cụ thể; tháng 5/2011, bà L. (Giám đốc công ty cổ phần LP đóng tại quận Bình Thạnh) có liên doanh một công ty ở tỉnh Khánh Hòa xây dựng dự án bệnh viện Nhân An ở Đắk Lắk. Nhưng sau một thời gian, do thiếu vốn, Công ty này ủy quyền cho bà L. tìm đối tác để tiếp tục đầu tư vào công trình trên.

Bà L. đã hợp tác với Công ty B.M. (trụ sở Hà Nội) và được công ty này đồng ý hợp tác. Trong thời gian trên, Công ty B.M. nhiều lần chuyển tiền cho bà L. (nhưng bà L. khai báo không nhớ rõ số tiền này là bao nhiêu!). Đến tháng 10/2011, khi bà L. đang ở công ty thì có một đối tượng tự xưng là Hiệp đi cùng với 7 người khác đòi bà L. trả số tiền 1,4 tỉ đồng. Hiệp cho rằng đã bỏ ra 1,4 tỉ đồng đưa Công ty B.M hùn hạp với phía bà L. nhưng đến nay không muốn hợp tác nên rút vốn lại. Do không biết các đối tượng trên là ai nên bà L. không đồng ý và sau đó bỏ trốn, lánh mặt luôn.

Đến sáng 31/3/2013, khi ông Đ. (Chủ tịch HĐQT Công ty L.P) chở bà L. đến công viên 23/9 (quận 1) tập thể dục, rồi mượn xe đi mua đồ thì bị nhóm của Hiệp khống chế đưa về khách sạn Kim Xuân (quận Tân Bình) để đòi nợ. Nhóm giang hồ này buộc ông Đ. ghi giấy nhận nợ hơn 1,4 tỉ đồng và thông báo cho bà L. trong vòng 24 giờ nếu không mang tiền đến trả sẽ áp tải ông Đ. ra bắc “xử đẹp”. Qúa hoảng sợ, bà L. đã cầu cứu cơ quan công an. Ngay sau đó các trinh sát hình sự vào cuộc bắt giữ 5 đối tượng, giải cứu ông Đ. an toàn.

Một vụ làm ăn bất thành khác dẫn đến việc thuê các băng nhóm đòi nợ thuể cũng đã xảy ra tại TP.HCM.

Nhận một dự án tại Nha Trang, ông N.H.K - Giám đốc Công ty chuyên về thiết kế, xây dựng (trụ sở trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, TPHCM) đã mời một đối tác tên T. cũng hùn vốn thực hiện và được ông này đồng ý góp 500 triệu đồng nhưng để cho em ruột của mình là Nguyễn Quốc Tiến (ngụ phường 5, quận 8) đứng tên trên hợp đồng.

Do dự án triến khai chậm nên Tiến đòi rút vốn. Trước tình huống này ông K. đã viết giấy nhận nợ và hứa đến tháng 3/2011 sẽ trả. Quá hẹn vẫn chưa thấy ông K. trả tiền. Cho rằng ông K. đang “cù nhầy” nên Tiến đã tìm cách đòi lại số nợ trên theo kiểu “xã hội đen”. Tiến tìm gặp một băng nhóm giang hồ có gốc gác từ Hải phòng. Băng nhóm này đã khống chế ông K. đưa về giam giữ tại một quán cà phê rồi buộc vợ ông K. phải chuẩn bị tiền chuộc chồng. Chỉ khi công an vào cuộc, ông K. mới được giải cứu

 

Trước đó, nhiều vụ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” cũng đã xảy ra. Trong số đó phải kể đến vụ Lê Thị Thùy Trang (35 tuổi, nhân viên kinh doanh một công ty đóng trên địa bàn thành phố) thuê một băng giang hồ bắt anh Đặng Văn T. (đối tác làm ăn) đưa về một khách sạn ở quận 10. Tại đây bọn chúng đánh đập, uy hiếp, buộc anh T. gọi điện thoại cho gia đình mang 1,1 tỷ đồng đến trả nợ. Nhóm bắt cóc đang nhận tiền thì bị các trinh sát ập vào bắt giữ.

Đâu là nguyên nhân?

Một băng nhóm giang hồ vừa tham gia vụ đòi nợ thuê cho một doanh nhân giấu mặt bị bắt giữ
Để đòi lại tiền nhiều chủ nợ đã nghĩ đến việc "hợp đồng" các băng nhóm giang hồ đòi nợ thuê - Ảnh minh họa

Theo một cán bộ nhiều năm tham gia phá các vụ án kiểu “hợp đồng” đòi nợ thuê giữa chủ nợ và các băng nhóm, hầu hết phía chủ nợ đều khai nhận do người mượn tiền đến hạn thanh toán mà không chịu trả, sau khi áp dụng nhiều cách mà không đòi được tiền họ mới tìm đến các băng nhóm “xã hội đen”. Một số chủ nợ khác thì cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc họ phải dùng đến “luật rừng” là do phía nợ tiền quá “cù nhầy”. Nhiều người có đủ khả năng trả nợ nhưng vẫn không chịu trả nhằm mục đích sử dụng số tiền đó đầu tư vào những việc khác; khi bị đòi gắt thì chỉ trả một phần nhỏ.

Các chủ nợ dùng đến “xã hội đen” khi bị bắt đều cho rằng, họ biết làm như vậy là sai pháp luật nhưng nếu làm đúng, gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ giải quyết, khởi kiện thì ít nhất cũng phải mất vài tháng, nhiều khi vài năm mà chưa có kết quả cuối cùng. Thậm chí, lúc đi đòi nợ phía người cho vay không đòi được tiền mà khi nhắc đến đưa ra pháp luật họ còn được các con nợ thách thức “Đi mà kiện”!

Khi chọn “giải pháp” dùng đến giang hồ, phía chủ nợ phải chấp nhận mức ăn chia “cắt cổ” với nhóm đòi nợ thuê để vớt vát lại. Từ những “hợp đồng” đòi nợ thuê được công an triệt phá cho thấy, tình hình tội phạm chuyên thực hiện các vụ đòi nợ thuê tại TPHCM trong thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp. Nhiều băng nhóm bất chấp pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện mục đích.

Dưới góc nhìn của các luật sư về thực trạng này và theo đánh giá của những người hiểu biết pháp luật thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chủ nợ có hành động đi thuê giang hồ mà không tin vào khả năng đòi nợ của tòa án. Đơn cử, để khởi kiện một vụ án đòi nợ, theo quy định thì cơ quan tòa án phải thụ lý trong vòng 5 ngày từ khi nhận đơn. Khi giải quyết thì có thể kéo dài đến 1- 2 năm mà vẫn chưa có hồi kết. Nhiều trường hợp, khi đương sự khởi kiện ra tòa đòi nợ, đóng án phí đầy đủ nhưng vì các thủ tục phức tạp, rườm rà và quan trọng nhất là kết quả thu lại sau phiên tòa không như ý nên người khởi kiện đã rút đơn, không nhờ sự can thiệp của cơ quan xét xử.

Trung Kiên