Lừa đảo ngân hàng trên môi trường số giảm 70% nhờ sinh trắc học
(Dân trí) - Đại diện Bộ Công an cho biết sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo ngân hàng trên môi trường số đã giảm 70%.
Thông tin liên quan đến tỷ lệ lừa đảo qua ngân hàng trên môi trường số được Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát về quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an nêu tại Hội thảo "Hà Nội - thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" của báo Tiền Phong tổ chức ngày 2/10.
Vị này cho biết từ năm 2020, C06 đã triển khai cơ sở dữ liệu công dân và dữ liệu thẻ căn cước. "Chúng tôi đã triển khai cấp định danh được hơn 104 triệu dữ liệu toàn dân. C06 cũng đã tích cực triển khai xây dựng hệ thống dữ liệu căn cước công dân. Đến nay, đã cấp được trên 84 triệu căn cước cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Từ ngày 1/7, Luật Căn cước có hiệu lực, C06 đã mở rộng đối tượng cấp căn cước công dân cho công dân từ 0-6 tuổi, từ 6-14 tuổi", ông thông tin.
Về ứng dụng với Ngân hàng Nhà nước, từ nền tảng kho dữ liệu dân cư, kho dữ liệu căn cước, C06 sử dụng 3 dữ liệu sinh trắc học gồm mống mắt, vân tay, khuôn mặt. Việc này triển khai làm sạch dữ liệu công dân, ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp. "Có thể nói, sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo ngân hàng trên môi trường số đã giảm 70%", ông Hiển nói.
Cũng tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh lại quy định từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản phải xác thực sinh trắc học với ngân hàng mới được giao dịch. Khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền và giao dịch thanh toán qua phương tiện điện tử như chuyển tiền online khi đã hoàn tất việc đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản/người đại diện.
Tại hội thảo, thông tin về số liệu giao dịch, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết 7 tháng đầu năm, thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng (tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị).
Ngoài ra, giao dịch không dùng tiền mặt qua kênh Internet đạt 1,72 tỷ giao dịch với giá trị đạt 42,08 triệu tỷ đồng (tăng 49,83% về số lượng và 33,72% về giá trị); qua kênh điện thoại di động đạt 6,48 tỷ giao dịch với giá trị đạt 41,09 triệu tỷ đồng (tăng 59,09% về số lượng và 37,97% về giá trị), giao dịch qua QR Code đạt 151,7 triệu giao dịch với giá trị đạt 84,6 nghìn tỷ đồng (tăng 106,83% về số lượng và 105,51% về giá trị).
Ông Long cho biết sự phát triển bùng nổ của mã VietQR trở thành phương thức được người dân lựa chọn như một thói quen thanh toán tiêu dùng hàng ngày.
"Số lượng giao dịch VietQR năm 2023 tăng trưởng gấp 8 lần năm 2022, gấp hơn 1000 lần so với năm 2021. Năm 2023 có gần 62 triệu mã VietQR được sử dụng để nhận tiền, gấp hơn 10 lần so với số lượng mã VietQR được tạo năm 2022 (khoảng 5,9 triệu mã)", vị này nêu.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, các ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển mình, thay đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, gắn liền với sự kết nối và tích hợp nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu... nhằm phát triển hệ sinh thái số, hệ sinh thái ngân hàng mở.
Ông Dũng cho hay, "hệ sinh thái ngân hàng mở" là khái niệm tương đối mới. Ông dẫn lại lời một tiến sĩ nói về thành phố thông minh và quan điểm thành phố thông minh tại một hội thảo gần đây là phải đạt được "2S": sạch và số.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước lấy ví dụ về Hà Nội, thành phố phát triển và hiện đại theo đúng mục tiêu hướng tới mô hình thành phố thông minh, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.