Lòng, tai heo: Nhìn là khiếp!

Dùng nhựa thông làm sạch lông heo, đặt sản phẩm cạnh nhà vệ sinh, xả nước thải thẳng ra môi trường…, tất cả diễn ra trong quy trình khép kín.

Ngày 28 và 29-5, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an TPHCM phối hợp với cơ quan chức năng huyện Bình Chánh kiểm tra khu chế biến lòng, tai heo tại cơ sở Võ Hồng Trân, nằm trong khuôn viên Công ty TNHH Thương mại Chế biến thủy hải sản Hải Yến (E11/318 Quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh).

Lạnh người với công đoạn “làm sạch”

Bước vào khu vực kho lạnh đóng gói lòng, tai heo của cơ sở Võ Hồng Trân, nhiều người phải lấy tay bịt mũi vì mùi hôi thối xộc lên nồng nặc. Trong kho, khoản 20 nhân viên với găng tay cao su sơ sài đang khẩn trương đóng gói hàng trăm ký lòng heo ngâm trong những thùng nước đá đặt rải rác dưới nền nhà.
 
Lò đun nhựa thông để làm mềm lông heo

Lò đun nhựa thông để làm mềm lông heo

Riêng sản phẩm tai heo, sau khi được làm sạch lông, nhân viên đưa vào các thùng đá ngâm lạnh rồi vớt ra sọt nhựa để ráo nước. Sau đó, một bộ phận khác làm tiếp công đoạn đông lạnh.

Chỉ quan sát kho lạnh thì chưa có gì để nói nhưng càng đi sâu vào bên trong, chúng tôi càng lạnh người bởi công đoạn “làm sạch sản phẩm” của cơ sở này quá bẩn thỉu. Đầu và tai heo thu gom về được nhân viên đổ vào lò nhựa thông đang sôi sùng sục. Sau 3 phút, họ lấy vợt vớt ra rồi dùng quạt máy thổi khô để tách lông cho dễ dàng. Tiếp theo, sản phẩm được bỏ vào một bồn nhựa đựng đầy nước đá đặt cạnh nhà vệ sinh. Vài phút sau, chúng được đưa ra khỏi “căn phòng bí mật”. Bên ngoài, một số nhân viên chờ sẵn để làm tiếp công đoạn rửa, ngâm, cho vào túi ni lông rồi đưa vào kho lạnh.
 
Lò đun nhựa thông để làm mềm lông heo
Lò đun nhựa thông để làm mềm lông heo
Sau khi vớt ra từ lò nhựa thông, tai heo, da heo được vặt sạch lông và ngâm vào nước đá cạnh nhà vệ sinh.
Khâu cuối cùng, sản phẩm được đóng gói đưa vào kho lạnh để chuyển đi tiêu thụ

Tất cả các công đoạn chế biến từ “căn phòng bí mật” ra khu đốt lò hơi, khu rửa, ngâm tai, lòng heo đều có camera giám sát nghiêm ngặt. Chỉ những nhân viên thân cận mới được chủ cơ sở cho vào làm việc trong khu đun nhựa thông.

Tại khu vực đóng gói, sàn nhà trơn nhớt, đầy máu me. Bên trên nhân viên đóng gói, còn bên dưới nhiều người liên tục dùng chổi đẩy nước dơ vào cống để chảy thẳng ra phần đất xung quanh. Khi thấy chúng tôi chụp hình, chủ cơ sở ra lệnh cho khoảng 10 nhân viên giật máy để xóa ảnh.

Bán đi đâu...không ai biết!

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh, cơ sở Võ Hồng Trân thuê sân bãi, kho lạnh của Công ty Hải Yến hoạt động nhiều năm qua. Năm 2011, cơ sở này đã bị lực lượng chức năng huyện Bình Chánh xử phạt hành chính 3 lần vì kinh doanh không giấy phép, nhập hàng không khai báo, buộc tiêu hủy gần 6.000 ký lòng, tai heo không rõ nguồn gốc.

“Sở dĩ họ dùng nhựa thông làm sạch lông heo mà không bị phát hiện là do giấu rất kỹ, chế biến trong quy trình khép kín. Khi có lực lượng kiểm tra đến thì họ cho người cảnh giới, báo động. Theo giấy phép, sản phẩm sau khi chế biến, cấp đông được cơ sở Võ Hồng Trân vận chuyển ra Lào Cai, còn thực tế họ tiêu thụ ở đâu, bán cho ai thì chúng tôi không rõ” - ông Nguyên nói.

Theo tài liệu chúng tôi có được, cơ sở Võ Hồng Trân đăng ký hệ thống xử lý nước thải chung với Công ty Hải Yến. Sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy phép, cơ sở này tách ra làm riêng, xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. “Cơ sở này nhiều lần sai phạm, sản xuất không bảo đảm vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nhưng không bị đóng cửa là điều khó hiểu”- một người dân địa phương bức xúc.
 

Nhựa thông rất độc hại

Bộ Y tế đã cấm sử dụng nhựa thông vào khâu chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Theo các nhà nghiên cứu, nhựa thông chứa đến 70% chất colofan, nếu dùng để chế biến thực phẩm sẽ có nguy cơ gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo cho người sử dụng.

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm, gia súc đã sử dụng nhựa thông để làm sạch lông vì dễ thực hiện, lại nhanh, gọn. Tuy nhiên, khi bị phát hiện thì các cơ sở này chỉ bị xử phạt hành chính.

 
Theo Phạm Dũng
Người Lao Động