Cử nhân bỏ việc lương cao về quê nuôi lợn bằng thảo dược, kiếm tiền trăm triệu
(Dân trí) - Thay vì dùng cám tăng trọng, một nông dân ở Thạch Thất (Hà Nội) đã trộn cám gạo, cám ngô với các loại thảo dược như cây hoàn ngọc, kim ngân, bồ công anh… làm thức ăn nuôi lợn, nhờ đó đã mang về thu nhập lên tới hàng trăm triệu mỗi năm.
Trang trại của anh Phùng Ngọc Vĩnh (xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội) nằm biệt lập bên cạnh một con đê lớn, xung quanh là bạt ngàn những loại cây thảo dược được trồng đan xen. Trại rộng khoảng 5,3 ha, với 400 con lợn thịt và hơn 100 lợn giống. Trung bình mỗi tháng cơ sở anh Vĩnh xuất ra thị trường từ 6 – 7 tạ lợn, cho doanh thu khoảng 80 -100 triệu đồng.
Tốt nghiệp ĐH Hồng Bàng chuyên nghành tự động hóa, sau khi ra trường anh Phùng Ngọc Vĩnh (Thạch Thất, Hà Nội) được nhận vào làm quản lý cho một công ty có tiếng ở Sài Gòn. Có mức lương cao cùng cuộc sống ổn định thế nhưng sau nhiều năm lăn lộn, anh Vĩnh vẫn quyết định từ bỏ để về quê lập nghiệp. “Tôi vốn xuất thân từ con nhà nông nên lúc nào cũng đau đáu và mong muốn làm giàu từ chính mảnh đất của quê hương. Hơn nữa, có dịp đi nhiều, tiếp xúc nhiều tôi biết có khá nhiều người thành công nhờ chăn nuôi, trồng trọt”, anh Vĩnh nói.
Năm 2012, mô hình làm kinh tế theo hình thức trang trại đang nở rộ. Nhận thấy giống lợn hương có nguồn gốc từ Bát Xát (Lào Cai) có sức đề kháng tốt, thịt thơm ngon lại khá đậm đà khác biệt hẳn với các loại thịt nuôi theo hình thức công nghiệp trên thị trường, anh Vĩnh bàn với bố mẹ xin mượn đất đầu tư, mở trang trại nuôi lợn sạch. Anh Vĩnh cho biết, vì là hướng đi mới nên anh gặp rất nhiều khó khăn: “Những thông tin về loại lợn này rất ít, việc nuôi theo mô hình lớn thì gần như chưa có nơi nào làm thật sự hiệu quả…”. Khi ấy, anh Vĩnh phải đích thân lặn lội lên tận các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai… đến từng nhà dân hỏi bí quyết, cách chăm sóc cũng như đặc tính của loại lợn này. Ban đầu vốn ít, anh chỉ dám đầu tư nuôi thử nghiệm 15 con lợn hương, sau đó mới nhân rộng ra với số lượng lớn.
Theo anh Vĩnh điểm độc đáo trong mô hình chăn nuôi này chính là nguồn thức ăn sử dụng. Khác với các loại lợn nuôi theo hình thức công nghiệp, anh Vĩnh chỉ sử dụng thức ăn từ các phế phẩm nông nghiệp như cám ngô, gạo, cám mỳ, sau đó trộn với các loại thảo dược như kim ngân, hồng ngọc, bồ công anh… theo một tỷ lệ nhất định. Cách cho ăn này sẽ giúp mang lại chất lượng thịt tốt, thơm ngon và an toàn hơn. “Lá kim ngân có tác dụng như một chất kháng sinh tự nhiên, còn các loại thảo dược khác cũng giúp vật nuôi giải độc, tẩy giun sán, kích thích tiêu hóa và giúp lợn sinh trưởng tốt”, anh Vĩnh giải thích.
Ngoài ra, để chủ động phòng bệnh thông thường, hàng ngày anh cũng nghiền thêm tỏi, gừng… sau đó trộn vào thức ăn cho lợn. Tất cả quy trình, tỷ lệ cho ăn này đều được anh Vĩnh nghiên cứu và đưa ra một công thức nhất định.
Thêm vào đó, để lợn săn chắc, sinh trưởng tốt hơn, anh cũng thiết kế chuồng rộng rãi với khoảng không cho đàn lợn có thể vận động, tắm nắng. Nhờ mô hình chăn nuôi độc đáo này, anh Vĩnh tự tin cho biết, đàn lợn nhà mình chưa hề bị ốm đau hay mắc các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Tuy nhiên, khi đã thành công trong việc chăm sóc, chăn nuôi thì chủ trang trại này lại vấp phải bài toán khó khăn hơn rất nhiều, đó là tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh Vĩnh kể, so với lợn nuôi công nghiệp thì lợn nuôi theo mô hình này thường có giá thành cao hơn do thời gian nuôi lâu hơn, việc chăm sóc cũng kỳ công hơn. Thêm vào đó, vài năm trước, thương hiệu thịt lợn sạch hay lợn nuôi thảo dược chưa được nhiều người biết đến. Vì thế, gần như toàn bộ lứa lợn đầu tiên anh Vĩnh không bán được mà chỉ dùng để đi chào hàng.
“Tôi phải mổ lợn, sau đó cấp đông và lăn lộn đi chào hàng ở khắp các siêu thị, cửa hàng lớn nhỏ. Nhiều nơi cũng có phản hồi thịt tốt, thơm ngon nhưng họ lại chê mình chưa có thương hiệu, giá thành cao nên không đồng ý nhận”, anh Vĩnh nói
Chủ trang trại này nhớ lại, thời điểm đó, có ngày anh phải đi hàng chục siêu thị, chuỗi cửa hàng nhưng đều bị từ chối. Không nản lòng, anh hướng đến tiếp cận thị trường bán lẻ, đổ mối cho các lái buôn ở các chợ, khu dân cư. Với mỗi khách hàng anh đều cẩn thận xin lại số điện thoại sau đó hỏi xin đánh giá, phản hồi về chất lượng. Anh cũng mạnh dạn đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm lợn thảo dược của mình ở các hội chợ, triển lãm.
Người này giới thiệu người kia, số lượng đơn đặt hàng tăng lên đáng kể. Một số cửa hàng sạch trước kia từ chối nhận phân phối thì sau một thời gian lại chủ động về tận trang trại của anh để tìm hiểu quy trình và đồng ý hợp tác. Cứ như thế, từ vài chục lợn hương nuôi ban đầu đến nay quy mô trang trại của anh Vĩnh đã được mở rộng ra đáng kể với trên 500 lợn sạch. Hiện tại, giá thịt lợn sạch nuôi bằng thảo dược của anh Vĩnh có giá bán trên thị trường là 130.000 đồng/ kg lợn hơi, nếu bán lẻ vào khoảng 200 nghìn/1kg, đắt hơn lợn nuôi công nghiệp khoảng 2 lần.
Để đáp ứng nhu cầu, anh Vĩnh cũng xây dựng theo mô hình khép kín từ chăn nuôi cho đến lò mồ ngay tại chỗ. Khi đến tuổi xuất chuồng, lợn thành phẩm sẽ được gia đình anh đóng túi rồi vận chuyển theo đơn đặt hàng đến tay người tiêu dùng. “Gần đây, nhiều người biết đến lợn thảo dược nên các đơn hàng nhiều hơn trước. Có những thời điểm tôi phải từ chối bởi không đủ lợn để đáp ứng nhu cầu”, anh Vĩnh nói.
Sắp tới, anh Vĩnh dự tính sẽ mở rộng quy mô trang trại đồng thời xây dựng được thương hiệu lợn sạch cho chính mình. “Tôi cũng đang nghiên cứu lai tạo một số loại lợn mới để vừa giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mặt khác tôi cũng hy vọng có thể cung cấp ra thị trường sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe”, anh Vĩnh nói.
Hà Trang