Lối thoát cho xe máy Việt là... châu Phi

Ngày 4/10, Hiệp hội ôtô, xe máy, xe đạp Việt Nam đã phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tổ chức cuộc tọa đàm "Xe máy Việt và vấn đề sở hữu trí tuệ".

Theo ông Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, trong 7 tháng đầu năm 2006, trong 52 doanh nghiệp (DN) sản xuất xe máy (gồm 7 DN có vốn đầu tư nước ngoài, có 45 DN quốc doanh và tư nhân), ngoại trừ các DN đầu tư nước ngoài như Công ty Honda Việt Nam tiêu thụ sản phẩm tăng 100% so với cùng kỳ, Hãng Yamaha bán tăng 150%... thì 45 DN "thuần Việt" chỉ sản xuất được 376.000 sản phẩm, sản lượng tiêu thụ giảm tới 20-30% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều DN chỉ hoạt động cầm chừng hoặc thường xuyên đóng cửa. Nguyên nhân chính do công nghệ sản xuất, lắp ráp lạc hậu (phần lớn là nhập công nghệ đã lỗi thời của Trung Quốc), các DN không chủ động tạo nên sản phẩm riêng biệt, mà thường sao chép kiểu dáng các hãng xe máy nước ngoài.

Ông Phạm Bích San cho rằng "nên ngừng ngay các ưu đãi dành cho các DN quốc doanh, cho phá sản khoảng 40 DN gần như không còn sức cạnh tranh để dồn lực nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư, thiết kế các xe máy thương hiệu Việt, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của... các nước châu Phi và một số vùng sâu, vùng xa, kém phát triển ở trong nước".

Gợi  ý của ông San xuất phát từ thực tế hiện nay là một số DN như Công ty T&T (Hà Nội) do bế tắc ở thị trường trong nước đã chuyển hướng xuất khẩu xe máy sang một số nước nghèo ở châu Phi (giá xe của các DN này thường dao động từ 4 - 12 triệu đồng/chiếc).

Theo Mạnh Quân
Báo Thanh niên