1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lợi nhuận Vinamilk đã chạm đáy?

Việt Đức

(Dân trí) - Vinamilk vừa có quý báo lãi thấp nhất từ năm 2018 đến nay. Thừa nhận khó khăn, doanh nghiệp cho rằng chi phí giá một số nguyên liệu đầu vào quan trọng đã tạo đỉnh và biên lợi nhuận sẽ dần phục hồi.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán: VNM) công bố doanh thu thuần quý II đạt gần 15.000 tỷ đồng. Dù doanh số cải thiện so với quý trước nhưng Vinamilk vẫn tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp cho hay biến động trên đã nằm trong dự tính do giá trị tiêu thụ toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam đang giảm 2% sau 5 tháng đầu năm (số liệu theo AC Nielsen) dưới áp lực lạm phát và sự cạnh tranh tăng lên khi có thêm nhiều công ty mới gia nhập thị trường sữa.

Với thị trường nước ngoài chiếm khoảng hơn 15% tổng doanh thu, kết quả của Vinamilk tương đương cùng kỳ năm trước. Công ty cho biết hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn do sức mua tại các thị trường nước ngoài đi xuống do lạm phát và giá cước vận chuyển vẫn neo ở mức cao. Ngược lại, các chi nhánh của doanh nghiệp ở nước ngoài vẫn tăng trưởng, bù đắp doanh số do việc sở hữu cơ sở sản xuất tại chính thị trường đó giúp công ty hạn chế chịu tác động của chi phí vận chuyển.

Không những doanh thu sụt giảm, khó khăn lớn hơn với doanh nghiệp đứng đầu ngành sữa ở Việt Nam là biên lợi nhuận gộp tiếp tục ở mức thấp chưa đến 41%. Năm ngoái, Vinamilk luôn duy trì biên lãi gộp trên dưới 43%. 

Lợi nhuận Vinamilk đã chạm đáy? - 1

(Biểu đồ: Việt Đức).

Dù vậy, đại diện doanh nghiệp cho biết biên lợi nhuận gộp đang bắt đầu hồi phục khi đã nhích lên nhẹ so với quý trước. Trong các quý tiếp theo, công ty dự kiến tỷ suất lãi gộp sẽ tiếp tục được duy trì và cải thiện nhờ giá một số nguyên vật liệu đầu vào quan trọng đã cho thấy dấu hiệu tạo đỉnh.

Trong báo cáo phân tích do Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nghiên cứu về Vinamilk phát hành đầu tháng 6, chuyên gia của VCSC cho biết Vinamilk đã tăng giá bán trung bình khoảng 3% so với hồi đầu năm và có khả năng tăng lên 5% cho cả năm nay. Hiện tại, Vinamilk đã chốt giá sữa bột để sản xuất đến tháng 8. VCSC lưu ý dù giá nguyên liệu sản xuất sữa gần đây giảm nhưng vẫn cao hơn năm ngoái.

Không chỉ chịu thách thức vì chi phí nguyên liệu đầu vào cao, Vinamilk còn gặp khó do chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng, phải tăng khoản ngân sách cho hoạt động khuyến mãi và hỗ trợ bán hàng để tăng sức mua sau khi tăng giá bán. Tỷ lệ chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp trên doanh thu do đó tăng lên 24,7% từ mức 22,8% của cùng kỳ năm trước. 

Sau cùng, lợi nhuận ròng của Vinamilk chỉ đạt 2.102 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Con số trên đánh dấu việc đại gia ngành sữa tạo đáy lợi nhuận trong một quý từ năm 2018 đến nay.

Lợi nhuận Vinamilk đã chạm đáy? - 2

(Biểu đồ: Việt Đức).

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Vinamilk đạt 28.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.386 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh năm nay, doanh nghiệp mới hoàn thành 45% chỉ tiêu. 

VCSC dự báo triển vọng của doanh nghiệp đầu ngành sữa Việt năm nay sẽ bị ảnh hưởng do sức mua của người tiêu dùng giảm, cùng với đà tăng trưởng chững lại của mảng sữa đặc và sữa công thức. Chuyên gia của VCSC cũng cho biết tình hình cạnh tranh trên thị trường sữa ngày càng gay gắt hơn khi các công ty đối thủ như NutiFood và VitaDiary liên tục tung ra các sản phẩm mới trong mảng sữa công thức.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VNM đóng cửa phiên 1/8 ở mức 73.500 đồng/cổ phiếu. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VNM giảm giá hơn 10%, thấp hơn mức suy giảm chung gần 20% của VN-Index. Nhờ vậy, Vinamilk đã quay lại top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường.