1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Hoạt động kinh doanh chính chững lại, Vinamilk tìm động lực mới ở đâu?

Việt Đức

(Dân trí) - Phát triển mảng kinh doanh mới, thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập ở thị trường nước ngoài được dự báo là động lực tăng trưởng mới của Vinamilk khi lợi nhuận từ thị trường trong nước đi xuống.

Thu về 2.000-3.000 tỷ đồng sau khi dự án bò thịt ổn định

Trong họp đại hội cổ đông của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico (mã chứng khoán: VLC) tổ chức trong tuần qua, Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên đã chia sẻ chi tiết về dự án chăn nuôi bò thịt, một trong những mảng kinh doanh mới được cổ đông quan tâm khi hoạt động kinh doanh chính của Vinamilk đang chững lại. 

Bà Mai Kiều Liên cho biết khi thành lập liên doanh chăn nuôi bò với đối tác Nhật Bản, công ty đã khảo sát, chuẩn bị kỹ, đặc biệt là tính đến đầu ra của sản phẩm. Công ty sẽ phân phối sản phẩm thịt chế biến vào các chuỗi khách sạn, chuỗi siêu thị và hợp tác với các hộ kinh doanh nhỏ tại kênh chợ truyền thống.

"Hiện nay, công ty đang bán bò thịt nội bộ trước để thử nghiệm. Do đó, doanh số chưa đáng kể, tuy nhiên công ty đã nhận được sự ghi nhận về chất lượng từ người tiêu dùng, quan trọng nhất là chất lượng và giá cả có thể thay thế các loại bò nhập, các loại bò khác trên thị trường", bà Liên chia sẻ tại phiên họp thường niên của Vilico ngày 8/6.

Hoạt động kinh doanh chính chững lại, Vinamilk tìm động lực mới ở đâu? - 1

Vilico trở thành công ty con của Vinamilk từ đầu năm 2020 (Biểu đồ: Việt Đức).

Tổng giám đốc Vinamilk đồng thời là Chủ tịch HĐQT Vilico chia sẻ lợi thế cạnh tranh chính của công ty so với đối thủ trên thị trường là nguồn con giống. Hiện nay phần lớn các doanh nghiệp khác đang nhập khẩu bò từ các nước và vỗ béo để chế biến, còn Vilico có tiềm lực về con giống nên có lợi thế hơn. Còn so với thịt bò của các hộ chăn nuôi tự phát, quy trình nuôi công nghiệp của công ty có chi phí thấp hơn, lợi nhuận cao hơn.

Chia sẻ chi tiết về các con số liên quan đến tiềm năng của mảng kinh doanh này, Phó tổng giám đốc Vilico Trần Chí Sơn cho biết dự án bò thịt năm nay dự kiến đạt doanh thu chỉ khoảng 100 tỷ đồng do công ty mới bắt đầu triển khai. Sau 2 năm nữa, khi dự án chăn nuôi tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hoạt động, doanh thu có thể lên tới 1.500 tỷ đồng và tăng lên 2.000-3.000 tỷ đồng trong thời gian 10 năm. Do các chi phí đầu vào, khấu hao cao, nên dự án thời gian đầu dự kiến sẽ lỗ, đến năm thứ 3 có thể bắt đầu lãi. 

Vilico trở thành công ty con của Vinamilk từ đầu năm 2020 sau khi doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam hoàn tất thương vụ mua lại GTNFoods. Thông qua thương vụ này, Vinamilk gián tiếp sở hữu quỹ chăn nuôi lớn của Vilico và thương hiệu Sữa Mộc Châu.

Sau khi sở hữu Vilico, Vinamilk quyết định bắt tay với tập đoàn Nhật Bản Sojitz để phát triển dự án chăn nuôi bò thịt, thị trường được lãnh đạo công ty có nhu cầu lớn nhưng phần lớn thịt bò có thương hiệu tại Việt Nam đang được nhập khẩu từ nước ngoài.

Không phải bò thịt, M&A mới là động lực mới của Vinamilk

Tuy nhiên, với chia sẻ từ chính người trong cuộc rằng doanh số dự kiến của mảng bò thịt sẽ đạt 2.000-3.000 tỷ đồng sau khi dự án hoạt động ổn định, có thể thấy con số này dù lớn với nhiều doanh nghiệp chăn nuôi nhưng so với quy mô doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng mỗi năm của Vinamilk hiện tại thì tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực mới chỉ ở mức khiêm tốn.

Hoạt động kinh doanh chính chững lại, Vinamilk tìm động lực mới ở đâu? - 2

(Biểu đồ: Việt Đức).

Hiện tại, bộ phận phân tích nghiên cứu của các công ty chứng khoán lớn như SSI, Bản Việt (VCSC), Rồng Việt (VDSC) cũng chưa đưa ra dự phóng cụ thể về mảng bò thịt của Vinamilk trong tương lai. 

VDSC cho rằng động lực của Vinamilk vẫn nằm ở hoạt động kinh doanh cốt lõi là sữa nhưng ở thị trường nước ngoài. Cụ thể, Vinamilk đang nhắm đến một công ty sữa ở Indonesia để mua lại. 

Kế hoạch nói trên nếu trở thành hiện thức có thể mang lại cơ hội tăng trưởng tiềm năng mạnh mẽ cho Vinamilk trong vài năm tới. Tại Indonesia, hiện có đến hơn 80% tổng sản phẩm sữa được tiêu thụ là nhập khẩu do các nhà sản xuất sữa trong nước không thể sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ sữa ở Indonesia dự kiến tăng trưởng khoảng 10%/năm.

"Nếu Vinamilk mua lại thành công một công ty sữa ở Indonesia và tái cơ cấu doanh nghiệp này, Vinamilk sẽ nắm bắt được xu hướng tăng  trưởng tiêu thụ sữa tại Indonesia, và thậm chí sẽ chiếm lĩnh thị trường do hiện tại không có công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sữa ở Indonesia", VDSC dự báo.