1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lợi nhuận tăng gấp 25 lần khi hợp tác phát triển nông nghiệp với Bỉ

(Dân trí) - Nông nghiệp của tỉnh Đông Flanders (Bỉ) đã đạt được trình độ tương đương với Hà Lan và Isarael, đây cũng là những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của tỉnh Đông Flanders tại Việt Nam. Với công nghệ mới từ tỉnh Đông Flanders, lợi nhuận của người nông dân tại Lâm Đồng tăng gấp 25 lần, dự án trồng cà chua tăng 4 lần so với trước.

Đó là phát biểu của ông Geert Versnick, Phó Thống đốc phụ trách Kinh tế, Quan hệ quốc tế và Quy Hoạch đô thị tỉnh Đông Flanders (Bỉ) trong cuộc gặp gỡ báo chí sáng nay (6/3).

Lợi nhuận tăng gấp 25 lần khi hợp tác phát triển nông nghiệp với Bỉ - 1

Cũng trong cuộc gặp gỡ, Phó Thống đốc cho biết, lý do để tỉnh Đông Flanders muốn đầu tư mạnh vào nông nghiệp tại Việt Nam là do nước ta có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực này như: người nông dân Việt Nam rất có kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, Việt nam còn có những trung tâm nghiên cứu và nhiều nhà nghiên cứu có trình độ hàng đầu thế giới.

Sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Chính quyền tỉnh Đông Flanders với Việt Nam đã được 15 năm, bắt đầu từ năm 2003. Nhưng phải đến khi thực hiện phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức) một cách chi tiết, thì tỉnh Đông Flanders mới quyết định tập trung vào phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2011. Và cụ thể việc hợp tác, đầu tư sẽ tập trung vào nông nghiệp và nghề làm vườn

Cơ duyên trong quyết định lựa chọn Việt Nam để đầu tư, hợp tác, đã được tỉnh Đông Flanders lấy cảm hứng từ những câu chuyện thành công của Đại học Ghent với Việt Nam cách đây đúng 35 năm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Phó Thống đốc cho biết thêm.

Tuy nhiên, có nhiều thách thức ở hiện tại của nông nghiệp Việt Nam được ngài Phó Thống đốc đánh giá đó là: Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc áp dụng công nghệ vào sản xuất; các trang trại bị hạn chế về kĩ thuật và công nghệ; phát triển bền vững ít được chú ý.

Nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ, vượt qua nhiều khó khăn thách thức và được chuyển giao nhiều công nghệ của tỉnh Đông Flanders thì từ năm 2011 đến nay, nhiều thành quả mà tỉnh Lâm Đồng hiện đã có được là: bảo vệ mùa vụ bằng hóa học, sinh học; kiểm soát khí hậu và điều hòa sinh trưởng; phân bón và chất cải tiến; cái nôi của nghiên cứu sinh vật biến đổi gen (GMO);...

Với những công nghệ mới này thì lợi nhuận của người nông dân tại Lâm Đồng đã tăng gấp 25 lần và dự án trồng cà chua đã tăng 4 lần so với trước, ông Geert Versnick cho biết thêm.

Đặc biệt, mới đây, tháng 12/2016, tỉnh Đông Flanders đã ký một thỏa thuận với UBND thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực Nông nghiệp, làm vườn và chăn nuôi. Các dự án đầu tiên và nguồn kinh phí đã được phê duyệt. Theo đó, thỏa thuận sẽ hướng đến ngành trồng trọt trong đô thị là chính. Đây là 1 đổi mới, 1 sáng kiến rất mới hiện nay. Đặc biệt là trong bối cảnh các đô thị ở châu Âu cũng đang thiếu quỹ đất trầm trọng.

Ngài Phó Thống đốc Geert Versnick cũng không ngần ngại đưa ra mục tiêu của sự hợp tác này, chính là đem lại giá trị gia tăng cho cả 2 phía Việt Nam và tỉnh Đông Flanders. Và dần dần không chỉ nông nghiệp mà các ngành khác như xây dựng, logicstics, công nghệ thông tin truyền thông, kiến trúc,...đều được 2 bên triển khai hợp tác.

Để cụ thể hóa việc mở rộng hợp tác quan hệ, năm ngoái đã có 1 đoàn 50 doanh nghiệp tới Việt Nam. Đây là 1 phái đoàn đa ngành, trong đó có 12 doanh nghiệp nông nghiệp, 38 doanh nghiệp còn lại thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hiện tại cũng đang có 1 đoàn doanh nghiệp có mặt tại Việt Nam và nửa cuối năm nay sẽ có thêm 1 đoàn doanh nghiệp khác sang để mở rộng hợp tác. Thành phần của phải đoàn sẽ được quyết định sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bỉ sang Việt Nam vào tháng 4 tới.

Với lợi thế là từ năm 2007 là Văn phòng Kinh tế Flanders đã được thành lập trong khuôn viên của Lãnh đại sự quán Bỉ, ngài Phó Thống đốc thể hiện khát khao rõ ràng để phát triển sự hợp tác ở trên nhiều lĩnh vực và với nhiều địa phương của Việt Nam hơn nữa.

Thế Hưng