Lợi nhuận ngân hàng: Có “phù phép”?
Lợi nhuận ngân hàng năm 2013 được nhìn nhận có sự phân hóa rõ, bên cạnh nhiều ngân hàng thua lỗ thì vẫn có đơn vị hoàn thành kế hoạch tích cực. Tuy nhiên, tình trạng nợ xấu chưa giảm khiến người ta không khỏi nghi ngại bức tranh lợi nhuận nhiều ngân hàng công bố.
Phân hóa cao, thấp
Kết thúc năm tài chính 2013, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV khiến nhiều người bất ngờ khi lợi nhuận năm 2013 tăng 23% so với cùng kỳ và đạt 5.311 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Một ngân hàng gốc nhà nước lớn khác là Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế năm 2013 là 7.725 tỷ đồng, vượt 3,37% so với kế hoạch.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Khác với các ngân hàng trên, báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy ngân hàng này đã thua lỗ 221 tỷ đồng trong quý 4 và lợi nhuận cả năm chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm trước và bằng 25% kế hoạch năm.
Trong quý 4/2013, Eximbank đã bị thua lỗ 229 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tín dụng của Eximbank cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.
Cùng chung thể trạng như Eximbank, kết quả kinh doanh quý 4 của ACB cũng bị thua lỗ 293 tỷ đồng. Chỉ tính riêng quý 4, ACB thua lỗ 108 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối và chứng khoán.
Tuy nhiên, nguồn gốc dẫn đến ACB thua lỗ lớn chủ yếu là hoạt động kinh doanh tín dụng suy giảm trầm trọng không bù nỗi chi phí. Năm 2013, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB chỉ đạt 4.386 tỷ đồng, trong khi đó chi phí chung lên đến 4.135 tỷ đồng; Ngân hàng Quốc tế (VIB) chỉ đạt 52 tỷ đồng lãi sau thuế - con số lợi nhuận khiêm tốn so với tổng tài sản.
Có thể thấy sự phân hóa rõ ràng trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng năm 2013. Một số ngân hàng cổ phần có nguồn gốc quốc doanh vẫn duy trì được lợi nhuận khá tốt và hoạt động kinh doanh tín dụng không bị ảnh hưởng lớn. Trong khi các ngân hàng cổ phần đang gặp không ít khó khăn từ hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó những ngân hàng này còn bị thua lỗ bởi các hoạt động kinh doanh vàng, ngoại hối.
Lở lửng “án” treo nợ xấu
Một đặc điểm chung trong báo cáo của các ngân hàng là khoản trích lập dự phòng nợ xấu thấp hơn so với năm trước hoặc tăng không đáng kể. Chẳng hạn, trích lập dự phòng nợ xấu của ACB năm 2013 chỉ có 478 tỷ đồng, thấp hơn 8,25% so với năm trước trong khi nợ xấu lại tăng 26%.
Việc khoản trích lập dự phòng nợ xấu ACB khá nhỏ khiến không ít người nghi ngờ liệu ngân hàng này đã trích đủ hay chưa. Bởi ai cũng biết hiện này ACB vẫn đang treo khoản 718 tỷ đồng liên quan đến “siêu lừa” Huyền Như chưa trích lập dự phòng, ngoài ra những khoản tín dụng hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến “bầu Kiên” không biết hiện nay ra sao.
Bên cạnh ACB là Sacombank (STB), năm 2013 nhà băng này cũng chỉ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chỉ có 434 tỷ đồng, giảm 67% so với năm trước, trong khi nợ xấu của STB chỉ giảm 17%. Tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của STB ở mức thấp khó tin là 1,47%. Chưa kể rất nhiều ngân hàng cũng có khoản trích lập dự phòng nợ xấu tăng không đáng kể.
Báo cáo gần đây của tổ chức quốc tế Moody’s ước tính con số nợ xấu của ngân hàng Việt Nam hiện nay khoảng 15%. Trong khi đó, NHNN lại cho rằng nợ xấu tính đầy đủ chỉ khoảng 9%.
Cả hai con số này cao hơn nhiều so với con số báo cáo của các tổ chức tín dụng chỉ 3,76%. Các tổ chức tín dụng báo cáo nợ xấu thấp cũng đồng nghĩa với việc họ tránh được việc phải trích lập dự phòng nợ xấu. Như vậy, trên sổ sách lợi nhuận vẫn được duy trì.
Việc hoãn thi hành Thông tư 02 cũng khiến nhiều ngân hàng “nhẹ gánh”. Trong đó, việc hoãn quy định khách hàng có nợ nhóm 5 (mất khả năng chi trả) tại một ngân hàng sẽ buộc phải chuyển tất cả nợ của khách hàng đó tại ngân hàng khác lên nhóm 5. Điều này được cho là sẽ giúp cho “cục máu đông” nợ xấu sẽ không bị phình to hơn.
Bên cạnh hoãn thời gian áp dụng Thông tư 02 đã cứu cho lợi nhuận ngân hàng thì VAMC cũng góp phần không nhỏ. Trong một cuộc họp báo mới đây, đại diện của VAMC cho hay tổ chức này đã mua lại khoảng 139.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng và đang xem xét để mua thêm. Như vậy, đồng nghĩa việc trích lập dự phòng cho cả trăm tỷ đồng nợ xấu cũng tạm thời bị trì hoãn.
Theo một chuyên gia tài chính, lợi nhuận nhiều ngân hàng hiện nay thực chất vẫn đang được phù phép. Giả sử nợ xấu ngân hàng đúng 9% như số liệu của NHNN thì tổng hợp xấu trong nền kinh tế khoảng 300.000 tỷ đồng và số tiền mà ngân hàng phải trích lập thêm và làm giảm lợi nhuận của ngân hàng so với hiện nay lên tới hàng chục tỷ đồng. Như vậy, “án” nợ xấu vẫn đang treo lơ lửng trên đầu các ngân hàng. |
Theo Trần Anh