Lợi ích từ mô hình thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng: Lợi ích cho tất cả

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tetra Pak - công ty về giải pháp chế biến, đóng gói thực phẩm từ Thụy Điển - và Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO) cùng Circular Action thực hiện thí điểm thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại TPHCM.

Thêm một nguồn sinh kế mới cho cả gia đình

Trong thời gian thí điểm từ tháng 8/2022 đến 3/2023, chương trình đặt mục tiêu thu gom và tái chế hoàn toàn 3.000 tấn vỏ hộp giấy thành những sản phẩm như bìa giấy nguyên liệu và mái lợp sinh thái. Trong đó, việc tham gia thu gom tại nguồn của những người nhặt ve chai vốn có thế mạnh dễ dàng thâm nhập sâu trong cộng đồng là nhóm được tập trung nhất. Không chỉ bán lại vỏ hộp giấy đã được thu gom cho nhà tái chế, người nhặt ve chai còn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình trên khối lượng.

"Lâu nay người dân vẫn có thói quen tích lũy vỏ chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, giấy bìa… để bán cho chúng tôi. Vỏ hộp giấy đựng sữa hay nước quả… bị bỏ đi khá nhiều vì trước kia, chưa có đơn vị nào thu mua loại phế liệu này. Do đó, chúng tôi thực sự rất vui khi chương trình thí điểm được triển khai, giúp chúng tôi có thêm cơ hội gia tăng thu nhập hàng tháng nhờ việc bán vỏ hộp giấy cho nhà tái chế," chị Nga, một trong những người thu mua ve chai trên địa bàn TPHCM, cho biết.

Lợi ích từ mô hình thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng: Lợi ích cho tất cả - 1

Việc thí điểm chương trình giúp người thu mua ve chai có thêm một nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống (Ảnh: Tetra Pak).

Kế hoạch nhỏ của cả gia đình

Tại nhiều gia đình, hoạt động thu gom vỏ hộp giấy để bán cho người mua ve chai theo chương trình thí điểm đã trở thành một kế hoạch nhỏ của cả gia đình.

"Trước kia tôi khá vất vả khi yêu cầu các con bẻ bốn góc và đập dẹp vỏ hộp để đưa đến điểm thu gom. Nhưng kể từ khi có chương trình thí điểm từ Tetra Pak, PRO và Circular Action, chúng tôi cũng có thể bán vỏ hộp giấy cho các cô, các chị thu mua phế liệu, các con tích cực hơn hẳn. Hàng tháng, gia đình tôi sẽ bán vỏ hộp giấy và tôi chia đôi số tiền đó cho hai con để các con bỏ lợn hoặc mua một món đồ tùy theo sở thích. Số tiền tuy không nhiều nhưng lại khiến hai đứa rất hào hứng và tự hào," chị Dương, 37 tuổi, trú tại quận Gò Vấp, cho biết.

Lợi ích từ mô hình thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng: Lợi ích cho tất cả - 2
Việc thí điểm thu mua vỏ hộp giấy trong cộng đồng đã biến hoạt động thu gom thành "kế hoạch nhỏ" của nhiều gia đình (Ảnh: Tetra Pak).

Hướng đi mới cho mô hình thu gom bao bì

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch PRO Việt Nam, kỳ vọng chương trình sẽ mở ra một hướng đi mới về thu gom và tái chế vỏ hộp giấy - loại bao bì vốn được đánh giá là còn nhiều thách thức trong thu gom - góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

"Chương trình thí điểm sẽ là cơ sở để tăng quy mô số lượng vỏ hộp giấy được thu gom để tái chế lên nhiều lần trong những năm tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ cân nhắc mở rộng việc thu gom để tái chế ra nhiều vật liệu bao bì khác theo mô hình này. Đây là một trong những dự án tiên phong, thể hiện cam kết mạnh mẽ của PRO Việt Nam trong việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - sẽ sớm có hiệu lực vào năm 2024", ông Phạm Phú Ngọc Trai chia sẻ thêm.

Ba đơn vị Lagom, Tiến Thành Paper và VECA thu mua vỏ hộp giấy từ những người thu gom phế liệu và bán cho Nhà máy giấy Đồng Tiến ở Bình Dương. Tại đây, vỏ hộp giấy sẽ được tái chế thành các sản phẩm hữu ích như giấy bao gói công nghiệp, tấm lợp, tấm phẳng sinh thái.

Lợi ích từ mô hình thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng: Lợi ích cho tất cả - 3
Vỏ hộp giấy sau khi thu gom có thể được tái chế thành nhiều sản phẩm hữu ích (Ảnh: Tetra Pak).

Là một trong ba đơn vị khởi xướng chương trình, Tetra Pak sử dụng nguyên liệu tái sinh và giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi giá trị của mình. Công ty hướng tới tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tái sinh cho sản phẩm hộp giấy của mình và đưa mức phát thải về bằng không trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh.