Lời hứa đầu tư 9 tỷ USD vào Philippines của Trung Quốc chỉ là viển vông?

(Dân trí) - Năm 2016, Bắc Kinh cam kết tài trợ một loạt các dự án chính cho chương trình xây dựng của Tổng thống Philippines. Nhưng 3 năm sau, nhiều dự án vẫn còn trên bản vẽ.

Lời hứa đầu tư 9 tỷ USD vào Philippines của Trung Quốc chỉ là viển vông? - 1
Một công nhân không ngại đi dọc theo các thanh cốt thép tại một công trường ở Manila. Ảnh: Getty Images / iStockphoto

Tuần trước, Trung Quốc và Philippines đã ký 6 thỏa thuận với trị giá lên tới 924 triệu USD. Nhưng đây vẫn chỉ là một con số nhỏ so với con số 9 tỷ USD mà Trung Quốc đã cam kết trong năm 2016.

Sự khác biệt này đã khiến các nhà phê bình đặt ra câu hỏi rằng Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte phải thể hiện điều mấu chốt gì trong chính sách đối ngoại của mình đối với Trung Quốc.

Các thỏa thuận mới nhất bao gồm các nghiên cứu khả thi cho hai công việc xây dựng gắn liền với Chương trình “Xây dựng và Xây dựng” của Duterte - một sáng kiến cơ sở hạ tầng mà ông hứa sẽ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc gia.

Theo thư ký phụ trách - Mark Villar, hai dự án - một cây cầu trị giá 27,1 tỷ peso (530 triệu USD) nối liền các đảo Panay và Guimaras ở miền trung Philippines, và một tuyến đường cao tốc 25,6 tỷ peso ở thành phố Davao của miền Nam Duterte - đang trong giai đoạn tiến tới của quy hoạch.

Các nghiên cứu đang được tài trợ bởi các khoản tài trợ và được thực hiện bởi Công ty tư vấn CCCC Highway – một công ty tư nhân thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hu Chunhua, người chứng kiến việc ký kết các thỏa thuận tại Manila hôm thứ Năm, sau đó đã gặp Tổng thống Philippines Duterte và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh quan tâm đến việc tích hợp Sáng kiến Vành đai và Con đường, chiến lược thương mại toàn cầu của Philippines, với những mục tiêu về xây dựng cơ sở hạ tầng của Philippines.

Ông Hu nói: “Chúng ta nên theo dõi nhanh sự hợp tác của cả hai bên trong các dự án quan trọng, và bằng cách này, chúng ta có thể thu hoạch được nhiều thành quả hợp tác đáng kể hơn”.

Nhưng những người không đồng tình với Tổng thống Duterte đã đặt ra những thắc mắc, về số tiền mà Bắc Kinh cung cấp trong các khoản vay và trợ cấp khác xa so với con số 9 tỷ USD mà Bắc Kinh đã hứa hẹn vào tháng 10/2016.

Hồi đó, khi Tổng thống Duterte vừa mới giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông đã gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cả hai bên đã ký 27 thỏa thuận. Điều đó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc “đấu thầu Duterte” nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Gần đây, nhà lãnh đạo Philippines đã ủng hộ một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung trên Biển Đông, đây là chủ đề của tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia.

Tòa án quốc tế đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với đường thủy là không có cơ sở, nhưng ông Duterte sau đó nói rằng ông sẽ bỏ qua phán quyết có lợi cho các dự án khai thác chung. Ông cũng đã từ chối bình luận trước những phản ứng dữ dội của công chúng.

Mặc dù ông Duterte đã định vị rằng chính sách kết thân với Trung Quốc của mình là một chiến thắng cho nền kinh tế nhưng dòng chảy thương mại tại Philippines vẫn đang bị giảm mạnh. Nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng lên 22 tỷ USD vào năm ngoái, nhưng xuất khẩu từ Philippines sang Trung Quốc giảm chỉ có giá trị 8,8 tỷ USD.

Trong số các dự án được tài trợ bằng tiền mặt của Trung Quốc, chỉ có công việc tưới tiêu từ sông Chico trị giá 62 triệu USD cho miền Bắc Philippines được tài trợ bằng một khoản vay mềm, và hai cây cầu ở Manila, được trả bằng tiền tài trợ, đã thực sự bắt đầu được xây dựng.

Ông Alvin Camba, một tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins cho hay, một số dự án có trong cam kết 9 tỷ USD của Bắc Kinh có thể đã bị trì hoãn do những yếu tố khó khăn trong thủ tục.

Ông Flores, Chủ tịch Câu lạc bộ kinh doanh Anvil, một hiệp hội gồm các doanh nhân trẻ gốc Trung Quốc cũng cho biết: “Hệ thống Philippine của chúng tôi yêu cầu các khoản vay và dự án phải minh bạch. Mọi thứ phải được xem xét và phân tích kỹ lưỡng, do đó những thứ này không được phê duyệt ngay lập tức”.

“Thứ hai, chính phủ trước đây rất tiêu cực đối với Trung Quốc, vì vậy không có cuộc đàm phán, không có cuộc thương lượng và không có nghiên cứu khả thi nào trước đây. Do đó, khi Tổng thống Duterte bước vào, mọi thứ phải bắt đầu lại từ đầu”, ông Flores nói.

Tổng giám đốc Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia, Ernest Pernia hôm thứ Năm cho biết Philippines và Trung Quốc đang thảo luận về các cách để tăng tốc độ thực hiện các dự án của họ.

Các tài liệu trước đó, được ký kết bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc để xây dựng một khu liên hợp thể thao rộng 6.450 m2 với sức chứa 1.000 người, cũng như một quảng trường công cộng rộng 7.148 m2 tại thành phố Marawi, nằm trong đống đổ nát sau khi những kẻ khủng bố Hồi giáo chiếm giữ vào năm ngoái.

Cơ quan hải quan Trung Quốc cũng đã xúc tiến kế hoạch với các ông chủ nông nghiệp Philippines về các yêu cầu cho việc xuất khẩu bơ tươi. Tháng 8 năm ngoái, ông Tập đã hứa sẽ mua thêm hàng từ Manila.

Ông Flores cũng nói thêm: “Chúng tôi đã trở thành một quốc gia bình thường, thân thiện với Trung Quốc, và Trung Quốc cũng mong muốn mối quan hệ giữa hai nước sẽ tiến triển tốt đẹp”.

“Trung Quốc muốn có một môi trường hòa bình và ổn định. Và bạn không thể thịnh vượng trừ khi hàng xóm của bạn hòa bình và thân thiện”, ông nói.

Thùy Dung

Theo SCMP