1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ảo mộng đằng sau khoản đầu tư 45 tỷ USD của Trung Quốc ở Philippines

(Dân trí) - Sự mất lòng tin đối với Trung Quốc diễn ra sâu sắc ở Philippines, đặc biệt là trong giới quân sự, nơi mà khoản đầu tư của Bắc Kinh thường tiềm ẩn những “sự nguy hiểm” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Ảo mộng đằng sau khoản đầu tư 45 tỷ USD của Trung Quốc ở Philippines - 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong một bữa ăn tối ở Manila năm 2018

Chỉ mất 5 phút đi tàu cao tốc từ Luzon để đến đảo Grande - một trong những khu nghỉ mát bãi biển cát trắng gần nhất với thủ đô Manila của Philippines. Nơi đây từng là một phần của căn cứ hải quân lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương, đã được trao trả cho Philippines vào những năm 1990 để hiện thực hóa thương mại và du lịch.

Năm ngoái, các nhà đầu tư ở địa phương đã đồng ý thỏa thuận với Sanya Group, một nhà phát triển khu nghỉ dưỡng của Trung Quốc - để biến hòn đảo rộng 44 ha thành một Maldives thứ hai. Thỏa thuận được chính thức hóa vào tháng Tư, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Bắc Kinh với số vốn cam kết đầu tư là 298 triệu USD. Nhưng chỉ vài tuần sau, tất cả sụp đổ.

Đề xuất của Sanya về việc xây dựng “80 căn nhà cực kỳ cao cấp nằm trên mặt nước” sẽ dẫn đến một đạo luật giới hạn việc sử dụng các vùng nước xung quanh quần đảo dành riêng cho người Philippines. Hơn nữa, thỏa thuận đã được kí kết mà không có sự chấp thuận của Cơ quan đô thị Vịnh Subic, nơi có thẩm quyền đối với hòn đảo. 

Đề xuất đầu tư của Tập đoàn Sanya không phải là dự án duy nhất bị hủy bỏ bởi sự phản đối của quân đội Philippines. Một “thành phố thông minh” trị giá 2 tỷ USD do Fong Zhi Enterprise có trụ sở tại Hạ Môn, (Trung Quốc) đề xuất trên đảo Fuga ở miền bắc Philippines - gần Đài Loan - hiện cũng đang phải đối mặt với những chỉ trích về các vấn đề an ninh tiềm ẩn.

Một thỏa thuận nữa của Trung Quốc để tiếp quản các nhà máy đóng tàu Hanjin bị phá sản ở Vịnh Subic cũng đã bị chặn một cách nhanh chóng vào đầu năm vì những mối lo ngại của Hải quân Philippines.

Số phận của các thỏa thuận cao cấp này đã vạch trần giới hạn của Tổng thống Rodrigo Duterte đối với Trung Quốc. Ba năm trước, Tổng thống Philippines tuyên bố “tách” khỏi Mỹ, để đổi lấy lời hứa đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tạo việc làm từ Bắc Kinh. “Tôi cần Trung Quốc hơn bất kỳ ai khác tại thời điểm này”, ông Duterte nói trong một bài phát biểu công khai năm ngoái. 

Nhưng nhiều người ở Philippines không đồng ý. Sự mất lòng tin đối với Trung Quốc diễn ra sâu sắc ở Philippines, đặc biệt là trong giới quân sự, nơi mà khoản đầu tư của Bắc Kinh thường tiềm ẩn “sự nguy hiểm” trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn đã phải đối mặt với những đánh giá nghiêm ngặt, phản ứng dữ dội và hủy bỏ công khai, và đặt ra thách thức cho Duterte khi ông đang cố gắng sử dụng tiền của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm.

“Nó có thể không ảnh hưởng đến những ngày còn lại của Duterte, nhưng nó có thể sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Philippines”, Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng ở Singapore cho biết.

Ảo mộng đằng sau khoản đầu tư 45 tỷ USD của Trung Quốc ở Philippines - 2
Người biểu tình Philippines phản đối Trung Quốc

Sự thay đổi quan điểm mạnh mẽ của Tổng thống Philippines Duterte đối với Mỹ, đồng minh và đối tác thương mại lớn duy nhất của Philippines, đã đến vào tháng 10 năm 2016. Tổng thống Philippines đã có chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh để tuyên bố chính sách mới của mình với các nhà đầu tư Trung Quốc và khi ông quay trở về với 24 tỷ USD cam kết đầu tư và hạn mức tín dụng từ Bắc Kinh.

Bốn chuyến thăm tiếp theo, bao gồm hai chuyến trong năm nay, vào tháng Tư và tháng Tám, đã đưa tổng số tiền cam kết đầu tư lên tới khoảng 45 tỷ USD, bao gồm các nhà máy thép, trung tâm công nghiệp, đường sắt, cầu và nhà máy điện. Những dự án đó, nếu được thực hiện, sẽ là một động cơ to lớn thúc đẩy nền kinh tế 330 tỷ USD của Philippines - và cả đối với ông Duterte, người có chính sách kinh tế nhấn mạnh “Xây dựng, xây dựng, hãy tiếp tục xây dựng”.

Năm 2015, trước khi ông Duterte nhậm chức, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Philippines chỉ là 570.000 USD, theo ngân hàng trung ương Philippines. Nhưng vào năm ngoái, nó đã tăng lên gần 200 triệu USD. Tổng thương mại giữa hai nước trong cùng thời kỳ đã tăng từ 17,65 tỷ USD lên 30,83 tỷ USD vào năm 2018, khi Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu chuối lớn nhất của Philippines.

Tuy nhiên, có rất ít các dự án cơ sở hạ tầng đã thực sự đột phá. Cho đến nay, chỉ có 3 dự án - 2 cây cầu ở Manila do chính phủ Trung Quốc tài trợ và một sáng kiến ​​thủy lợi ở miền bắc Philippines - đã thực sự bắt đầu xây dựng. Một số dự án được cam kết trước đó đã không khả thi, và bị hủy bỏ, theo Cơ quan Kinh tế và Phát triển Quốc gia Philippines .

Các thỏa thuận kinh doanh được thỏa thuận tại Bắc Kinh đang bị mắc kẹt ở giai đoạn sơ khai, hoặc đơn giản là không bao giờ được thực hiện. Một dự án nhà máy thép trị giá 700 triệu USD giữa Baiyin International Investment và công ty khai thác toàn cầu Philippine Ferronickel Holdings, đã ký kết trong chuyến thăm năm 2016 của Duterte với Trung Quốc, sau đó đã bị hủy bỏ.

“Sự sụp đổ của giá cả hàng hóa khiến đối tác Trung Quốc ngần ngại trong việc tiến hành”, Chủ tịch Ferronickel nói với Nikkei.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. đã thể hiện sự thất vọng đối với các dự án bị đình trệ, “Chúng tôi đã ký những thỏa thuận này và cả thỏa thuận khác, nhưng hầu như đều không thành hiện thực”, Locsin nói trong một sự kiện của Hiệp hội châu Á.

Phe đối lập của ông Duterte cũng nhấn mạnh những lo ngại rằng việc vay mượn từ Trung Quốc có thể khiến các nước rơi vào “bẫy nợ”. Phó Tổng thống Leni Robredo đã cảnh báo chính quyền Philippines về sự phụ thuộc vào các khoản vay của Trung Quốc bằng việc trích dẫn một sự cố ở Sri Lanka, nơi chính phủ không thể trả những khoản vay cho Bắc Kinh và sau đó buộc phải cho một công ty Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược quan trọng của quốc gia này.

Có nguồn vốn đa dạng là một lợi thế cho Philippines, đặc biệt là khi Trung Quốc và Nhật Bản cạnh tranh ảnh hưởng khu vực thông qua việc tích cực tài trợ cơ sở hạ tầng. Năm 2017, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cung cấp gói viện trợ trị giá 1 nghìn tỷ yên (9,35 tỷ USD) cho Philippines, trải dài trong 5 năm.

Một số sự chậm trễ của các khoản đầu tư là do các vấn đề địa phương. Philippines thường phải vật lộn để hấp thụ những khoản đầu tư nước ngoài do các quy định rối rắm và quyền lợi phức tạp. Alvin Camba, tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins, người đã nghiên cứu các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp Đông Nam Á, nói rằng việc mua đất ở Philippines thường là một rào cản lớn, do các lãnh đạo cấp cao không chịu nhượng bộ.

Philippines cũng đã có những trải nghiệm tồi tệ với các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn trong quá khứ. Vào năm 2012, Bắc Kinh đã ngừng khoản cho vay 400 triệu USD cho một dự án đường sắt sau khi hai nước tham gia vào một cuộc chiến hải quân tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Một dự án mạng quốc gia trị giá 329 triệu USD với công ty công nghệ Trung Quốc ZTE đã bị đình chỉ do bị cáo buộc tham nhũng. Năm 2011, Ngân hàng Thế giới cũng đã cấm Tập đoàn Xây dựng Truyền thông Trung Quốc trong 5 năm vì các hành vi tham nhũng trong một dự án đường bộ của quốc gia này.

Không chỉ quân đội phản đối vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền kinh tế Philippines. Công chúng cũng không ủng hộ sự gần gũi của Manila với Bắc Kinh. Sau vụ đánh chìm Gem Ver hồi tháng 6, niềm tin của người Philippines ở Trung Quốc đã giảm xuống 24%, theo một nghiên cứu. Ngược lại, niềm tin đối với Mỹ ở mức 73%, trong khi niềm tin vào Nhật Bản và Úc lần lượt là 45% và 46%.

Ảo mộng đằng sau khoản đầu tư 45 tỷ USD của Trung Quốc ở Philippines - 3
Người biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila năm 2018

Bất chấp những sự phản đối này, chính phủ Duterte vẫn tiếp tục ủng hộ các dự án gây tranh cãi.

Thoát khỏi những lo ngại về tiềm năng gián điệp, China Telecom chuẩn bị thâm nhập thị trường Philippines trong một liên doanh với một công ty địa phương, Udenna. Mạng Telecom mới thậm chí sẽ được phép cài đặt thiết bị liên lạc trên các căn cứ quân sự, bất chấp sự phản đối của một số nhà lập pháp.

Vào tháng 8, Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tiến hành một sáng kiến ​​thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông trong bối cảnh nhạy cảm về chính trị. Manila nói rằng họ sẽ sở hữu 60% trong liên doanh và điều đó sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho đất nước này trong tương lai.

Thùy Dung

Theo Nikken Asian Review

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm