Bê bối tham nhũng của tập đoàn Samsung:
Lời buộc tội làm Hàn Quốc choáng váng
Lần đương đầu với những cáo buộc tham nhũng này của Samsung trở nên nghiêm trọng khi nó được chính cựu giám đốc pháp lý tập đoàn đưa ra.
Các công tố viên đang tiến hành điều tra ba hành vi phạm tội chính: việc lập quỹ đen, hối lộ công tố viên và quan chức chính phủ và hành vi chủ ý của Lee Kun Hee, chủ tịch tập đoàn Samsung khi đưa con trai lên nắm quyền điều hành tập đoàn bất hợp pháp.
Ngoài ra cuộc thanh tra của các công tố viên lần này còn nhắm tới cả các công tố viên bị nghi ngờ nhận hối lộ.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn Samsung dính dáng đến bê bối hối lộ. Trước đây đã có một vài giám đốc điều hành bị cáo buộc đưa hối lộ và nâng đỡ cho con trai của ngài Lee , anh Jae Yong lên nắm quyền Samsung.
Tuy nhiên, gia đình ông Lee vẫn bình an vô sự. Điều này làm cho người ta nghi ngờ rằng tập đoàn Samsung đã xây dựng được một mạng lưới đưa hối lộ và có ảnh hưởng sâu rộng lên chính phủ, tòa án, giới truyền thông và trở thành một pháo đài bất khả xâm phạm. Đại diện tập đoàn Samsung đã chính thức phủ nhận điều này.
Lần này Samsung đã gặp bất lợi khi cựu giám đốc pháp lý của tập đoàn công bố rằng chính ông, đại diện cho ông Lee và Samsung, trước đây đã tham gia đưa hối lộ và làm giả chứng cứ tòa án. Ông này đã làm cho tập đoàn Samsung 7 năm, kết thúc làm việc tại đây năm 2004. Ông cũng cho biết ông không trốn tránh trách nhiệm cho những gì mình đã làm nhưng ông muốn góp phần làm thanh sạch tập đoàn vốn có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại Hàn Quốc này.
Lời buộc tội của ông Kim, cựu giám đốc pháp lý của Sam Sung, đã làm toàn Hàn Quốc choáng váng. Người dân nước này xưa nay vốn vô cùng tự hào về tên tuổi Samsung, tên tuổi đánh bại các đối thủ cạnh tranh Nhật Bản để trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chíp máy tính, điện thoại di dộng và màn hình phẳng.
Samsung phủ nhận hoàn toàn lời cáo buộc của ông và cho rằng ông đưa ra cáo buộc vì tư thù cá nhân, họ tuyên bố:”Chúng tôi sẽ hết sức hợp tác với cơ quan thanh tra. Tuy nhiên trong thời điểm giá dầu tăng cao, đồng won mất giá đầy khó khăn như hiện nay, chúng tôi lẽ ra đã có thể tập trung mọi nguồn lực vào việc tập trung vượt qua khó khăn để đảm bảo công việc kinh doanh.”
Trong những năm gần đây người Hàn Quốc bắt đầu lo ngại về tính minh bạch trong hoạt động của tập đoàn đứng đầu Hàn Quốc này. Trong các tài liệu trình cho công tố viên, ông Kim cho biết ông Lee và cộng sự của mình đã tiến hành các trao đổi bất hợp pháp để con trai ông Lee mua được cổ phần từ các cổ đông khác với giá cực thấp.
Phát biểu với báo giới Hàn Quốc, ông Kim cho biết vào năm 2003, khi công tố viên tiến hành thanh tra Samsung, đã có một số quan chức bị đưa ra làm con tốt thí dù họ không hề có tội. Hai trong số này đã bị buộc tội vào tháng 10 năm 2005.
Ông Kim cho biết ông đã bị cho ra rìa khi ông từ chối đưa hối lộ 3 tỷ won (3,3 triệu đô) cho thẩm phán tòa. Ông Kim khẳng định ông Lee và cộng sự đã lập rất nhiều quỹ đen, sử dụng tài khoản bất hợp pháp đứng tên do 1.000 giám đốc điều hành của Samsung đứng tên. Và ngay chính ông Kim cũng đứng tên 4 tài khoản với tổng số tiền là 5 tỷ won.
Tập đoàn Samsung thường xuyên hối lộ các chính trị gia, quan chức chính phủ, quan chức ngành thuế, công tố viên, thẩm phán, giới báo chí và các nhà nghiên cứu bằng tiền mặt hay các món quà đắt tiền. Tiền hối lộ thường được giấu trong các đĩa CD hay tạp chí, trong vali hay túi xách tùy số lượng.
Ngoài ra ông Kim còn cho biết ông là người trực tiếp đưa hối lộ cho các công tố viên cao cấp 3 lần mỗi năm, mỗi lần từ 5 đến 20 triệu won. Số tiền hối lộ cho các quan chức thuộc bộ Tài Chính hay cơ quan thuế quốc gia lớn hơn rất nhiều.
Ông Kim dẫn lời ngài Lee năm 2003, khi các quan chức từ chối không nhận tiền, lập tức khoản hối lộ sẽ được thay bằng rượu hay quà đắt tiền. Ông cũng cho biết, luật bất thành văn trong Samsung là tất cả các giám đốc điều hành đều phải biết cách ngầm vận động hành lang và đưa hối lộ.
Vào thứ 2 vừa rồi, 5/11, tập đoàn Samsung đã đưa ra bản thông báo 25 trang bác bỏ hoàn toàn cáo buộc của ông Kim, nhấn mạnh rằng ông Kim chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ xác thực nào.
Về phía ông Kim, cũng vào thứ 2, ông đã không giữ lời hứa về việc công bố một số tài liệu nội bộ của Samsung, trong đó có danh tính của các công tố viên đã nhận hối lộ, các giám đốc điều hành đứng tên quỹ đen. Ông cam kết sẽ công bố tài liệu đó vào một ngày gần đây.
Ngay sau đó, hai cơ quan giám sát kinh tế lớn nhất tại Hàn Quốc thay mặt cho ông Kim đã yêu cầu tiến hành thanh tra chính thức tập đoàn Samsung. Ông Kim được yêu cầu công bố tên của các công tố viên đã từng nhận hối lộ để họ thuận tiện hơn trong việc lập ra đoàn thanh tra. Ông Kim nhận được ủng hộ từ phía Hội Thiên Chúa Giáo Hàn Quốc. Tổ chức này hiện đang đóng vai trò phát ngôn viên cho ông này. Theo quan điểm của họ, đã đến lúc xem xét lại ảnh hưởng lũng đoạn của các chaebol - các tập đoàn kinh tế gia đình đặc trưng của HQ - hiểm họa lớn đối với nền kinh tế nước này.
Khi các công tố viên tiến hành thanh tra tập đoàn Samsung, họ đã tìm hiểu ra rằng các quan chức của tập đoàn này đã tiến hành nhiều vụ hối lộ tinh vi và trao đổi bất hợp pháp.
Văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết sẽ theo dõi thật sát sao diễn biến của vụ việc này. Trong lúc đó, hai cơ quan truyền thông lớn của Hàn Quốc là Hiệp hội báo chí Hàn Quốc và Liên Đoàn Truyền Thông cho hay các cơ quan truyền thông tại nước này đều như răm rắp trước Samsung.
Theo Ngọc Diệp
CafeF