Lobby ở Việt Nam còn thua văn hóa phong bì
Cái khó trong tổ chức vận động hành lang (lobby) tại Việt Nam hiện nay là chưa được thừa nhận, thường bị bóp méo, trong khi đó tính minh bạch của hệ thống còn nhiều hạn chế.
Tại hội thảo "Làm ăn với Mỹ phải biết lobby" ở TPHCM sáng nay, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh ví von: "Nếu không biết làm công tác vận động hành lang đối với nhiều sự kiện kinh tế, không phải ta đã bỏ qua những con tép mà mất cả chục con tôm hùm".
Bà Ninh cho rằng, lobby là nghề xưa như trái đất ở nước ngoài nhưng còn mới lạ ở Việt Nam, mặc dù chính phủ gần đây đã có nhiều thành công khi vận động gia nhập WTO hoặc để có Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Mỹ. Thậm chí, lobby chỉ được hiểu gắn liền với "văn hóa phong bì", có nghĩa muốn có sự hậu thuẫn của quan chức chính phủ cần rải thảm phong bì.
Mỹ có 4 luật về vận động hành lang. EU ban hành 10 điểm quy định hoạt động lobby, trong khi Việt Nam đến nay chưa có điều luật nào liên quan". Còn Giám đốc Tư vấn chiến lược phát triển doanh nghiệp Công ty Le&Associates Trần Sĩ Chương kết luận: "Chính phủ cũng như doanh nghiệp phải có một kế hoạch lobby lâu dài và nhiều chiều. Chờ nước đến chân mới nhảy là tư duy tiểu nông, sai lầm, không phù hợp với thời hội nhập kinh tế.
(Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Diệp Thành Kiệt trăn trở) |
Luật sư tư vấn các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế của Mỹ William Carnahan khẳng định, trong quá trình tư vấn tìm kiếm lobby, doanh nghiệp tuyệt đối không nên tin vào những lời hứa sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề nào đó của khách hàng.
"Vận động hành lang là công việc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi biết mình biết ta và tuyệt đối không phong bì hay đóng góp quỹ cho hoạt động chính trị của một viên chức nào", luật sư William Carnahan rút kinh nghiệm lobby trên đất Mỹ - một nền kinh tế được điều hành và quyết định bởi phần lớn những cuộc vận động hành lang trên cơ sở các bên cùng có lợi.
Trong khi đó, ở Việt Nam, "lobby tử tế" như thế này - theo cách gọi của Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư DNL Consutants Lương Văn Lý, còn rất ít ỏi. Định nghĩa lobby là công việc làm thuận lợi mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp, tạo sự dễ đồng cảm giữa hai bên, vị cựu phó giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư TPHCM nói: "Muốn có những lobby tử tế thì hệ thống chính quyền cũng phải tử tế, minh bạch. Nếu không, lobby sẽ biến dạng và tất yếu bị biến dạng".
Theo ông, vận động hành lang ở Việt Nam là một công việc khó khăn vì sự chằng chịt lợi ích của nhiều bên liên quan. "Nếu bỏ quên một lợi ích liên quan thì lobby thất bại mà còn làm tốn kém nhiều chi phí", ông Lý khuyến cáo.
Những bất cập "từ trong trứng nước" của nghề lobby tại Việt Nam khiến bà Ninh cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần có những quy định pháp luật rõ ràng, cụ thể về hoạt động vận động hành lang. Bà nói: "Tình trạng phong bì là hạ sách và không nói lên trình độ phát triển của nền kinh tế".
Theo Phan Anh
VnExpress