Loạt thiết bị âm thầm gây tốn điện trong gia đình

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Cây nước nóng lạnh, điều hòa, bình tắm, các thiết bị điện cũ... là tác nhân chính gây tăng tiêu thụ điện của nhiều gia đình trong mùa hè.

Điều hòa chiếm 28% - 68% lượng điện năng tiêu thụ của gia đình người Việt. Không chỉ vậy, cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C, điện năng tiêu thụ của điều hòa tăng 2-3%. Chính vì thế, dù cùng thời gian sử dụng khoảng 8-10 tiếng/ngày nhưng lượng điện mà điều hòa sử dụng trong thời tiết từ 35-40 độ C sẽ tốn hơn hẳn so với nền nhiệt 30-35 độ C. Không chỉ do thời tiết, thói quen hạ nhiệt độ điều hòa quá thấp (dưới 25 độ C trong thời tiết 37-40 độ C) cũng chính là nguyên nhân gây tốn điện.

Để tiết kiệm tiền điện, người sử dụng cũng phải điều chỉnh thói quen sử dụng cho hợp lý, bởi không riêng điều hòa, trong gia đình cũng có rất nhiều các thiết bị điện âm thầm ngốn điện do thói quen sử dụng chưa đúng.

Cây nước nóng lạnh

Cây nước nóng lạnh có 2 vòi nước điều chỉnh nhiệt độ rất tiện dụng nên được sử dụng phổ biến tại các gia đình, cơ quan. Tuy nhiên, do hầu hết cây nước nóng lạnh đều có chức năng tự động đun sôi/làm lạnh nước trở lại khi nhiệt độ ngoài mức cài đặt nên đây là thiết bị tiêu thụ khá nhiều điện.

Mức điện năng tiêu thụ trung bình của cây nước nóng lạnh rơi vào khoảng 500W (650W cho làm nóng, 100W cho làm lạnh), tính ra mỗi ngày tốn khoảng 2,8 kWh, khoảng 84 kWh/tháng . Mức điện này còn thay đổi tùy công nghệ sử dụng, trong đó cây nước nóng lạnh công nghệ block lạnh sẽ tiết kiệm điện hơn loại dùng chip điện tử.

Việc cắm cây nước nóng lạnh liên tục là không cần thiết vì hầu hết thời gian các thành viên trong gia đình đi học, đi làm hoặc ngủ thì sẽ không sử dụng tới. Chính vì thế, người dùng nên rút điện cây nước nóng lạnh trong các khoảng thời gian này để tiết kiệm điện.

Loạt thiết bị âm thầm gây tốn điện trong gia đình - 1

Bình thủy điện

Đây cũng là thiết bị sử dụng phổ biến tại nhiều gia đình Việt vì có thói quen uống trà nên trên bàn lúc nào cũng có một bình thủy điện cắm sẵn. Bình có dung tích khoảng 4-6 lít, có công suất tiêu thụ điện khoảng 600W - 1200W, có chế độ đun sôi lại mỗi 6 tiếng hoặc theo cài đặt riêng của nhà sản xuất.

Nếu cắm bình thủy điện liên tục thì trong một tháng, thiết bị này sẽ tiêu tốn khoảng 35-100 kWh. Do đó, để tiết kiệm điện, người sử dụng nên ngắt điện khi đi ngủ vào ban đêm, hoặc thời gian đi làm, đi học ban ngày không sử dụng tới.

Bình nóng lạnh

Hiện nay trên thị trường có 2 loại chính là bình tắm nóng lạnh trực tiếp và bình tắm nóng lạnh gián tiếp, trong đó loại gián tiếp (với bình chứa kèm theo) phổ biến hơn trong các gia đình. Cũng hoạt động trên nguyên lý tự động đun nóng nước trở lại khi nước lạnh nên nếu cắm thường xuyên, bình tắm nóng lạnh sẽ rất tốn điện.

Theo tính toán của EVN thì nếu cắm một tiếng bình nóng lạnh chỉ tốn 70-80 kWh/tháng, tuy nhiên nếu cắm liên tục 24/24 thì lượng điện tiêu thụ lên tới 320-340 kWh. Mặc dù mùa hè ít gia đình sử dụng, tuy nhiên đây là thiết bị sử dụng nhiều trong mùa đông và nhiều gia đình lại không có thói quen ngắt điện bình tắm nóng lạnh, vừa gây kém an toàn lại rất tốn kém điện.

Các thiết bị điện cũ, trục trặc

Một chiếc tủ lạnh mới, các chức năng còn tốt thì chỉ tiêu thụ từ 10-75 kWh/tháng tùy dung tích. Tuy nhiên với các tủ lạnh cũ bị trục trặc ở một số bộ phận khiến rò rỉ hơi lạnh, hoặc có vấn đề ở hệ thống máy nén,… tiền điện sẽ tiêu tốn hơn nhiều.

Không chỉ tủ lạnh, các thiết bị điện cũ với các trục trặc bên trong mà người sử dụng không biết tới đều tiêu tốn khá nhiều tiền điện hàng tháng. Chính vì thế người sử dụng nên thay thế bằng các thiết bị mới để đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng hơn, đồng thời tiết kiệm điện khi sử dụng.

Hầu hết các thiết bị gia dụng hiện nay đều có quy định về việc gắn nhãn năng lượng, do đó người sử dụng cũng nên ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có nhãn năng lượng 5 sao để tiết kiệm điện nhất khi sử dụng. Ngoài ra, cũng nên ưu tiên lựa chọn các thiết bị có inverter như điều hòa inverter, bếp từ inverter, tủ lạnh inverter… để đảm bảo tiết kiệm điện hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm