1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Loạt "nữ tướng" quyền lực số 1 Việt Nam với khát vọng kinh tế bay lên

Mai Chi

(Dân trí) - Trước Thủ tướng, những nữ doanh nhân này đưa ra loạt kiến nghị rất đáng chú ý nhằm khắc phục các vấn đề cấp bách của nền kinh tế trong hiện tại và đặt kỳ vọng lớn vào tương lai.

Trong sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045" diễn ra ngày 6/3 vừa qua, ngoài những nội dung đáng chú ý được đưa ra kiến nghị, điều thu hút sự quan tâm lớn của công chúng còn là sự xuất hiện của những gương mặt nữ doanh nhân tên tuổi.

Cụ thể, tại sự kiện có sự tham dự của các bà: Thái Hương - nhà sáng lập TH True Milk; Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT HDBank; Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SeABank; Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cơ điện lạnh REE.

Các nữ doanh nhân này đều là những nhà sáng lập và có đóng góp không nhỏ trong lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Chính họ đã lèo léo, đưa doanh nghiệp của mình trở thành những cái tên lớn nhất nước, niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Điểm chung nữa là tất cả nữ doanh nhân này đều nằm trong top những nữ đại gia có giá trị tài sản lớn.

Bà Thái Hương

Loạt nữ tướng quyền lực số 1 Việt Nam với khát vọng kinh tế bay lên - 1

Bà Thái Hương mong muốn Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển (ảnh: VGP)

Tại sự kiện nói trên, bà Thái Hương cho rằng, Việt Nam đang phát triển. Năm 2045, Việt Nam sẽ là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ với sức khỏe, do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Theo bà Hương, một lợi thế của Việt Nam là an ninh chính trị tốt, con người cần cù, hiền hòa, với nhiều đặc sản, nhiều thảo dược ở các vùng…, là cơ hội để tạo ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Một hướng đi khác rất tiềm năng là du lịch chữa bệnh, kết hợp đông y và tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.

Bà cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Ngoài ra, nữ doanh nhân bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển.

Được mệnh danh là "người đàn bà sữa" của Việt Nam, bà Thái Hương trong nhiều năm được Forbes vinh danh là một trong những phụ nữ quyền lực nhất châu Á.

Vốn xuất thân là người làm tài chính, tuy nhiên bà đã đến với ngành sữa sau sự cố sữa nhiễm melamine năm 2008 của Trung Quốc khiến hàng triệu trẻ em có nguy cơ chảy máu thận, kéo theo cơn khủng hoảng của cả ngành sữa Việt Nam vào thời điểm đó. Sau đó, mặc dù các cơ quan chức năng công bố sữa trong nước không nhiễm melamine, nhưng với trực quan của một người mẹ có 3 con trai, bà Hương quyết định: "Phải làm sữa ngay".

Năm 2009, bà Hương bắt đầu nhập bò từ NewZealand về Việt Nam, đầu tư hàng trăm triệu USD để phát triển. Từ thành công của dự án sữa, bà tạo ra thương hiệu rau củ quả sạch, lập trường quốc tế. 

Cách đây ít ngày, cổ phiếu BAB của Ngân hàng Bắc Á (BacA Bank) - ngân hàng do bà sáng lập và hiện là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc - đã chính thức giao dịch trên HNX. BAB chào sàn với giá tham chiếu 16.000 đồng, biên độ dao động +/-30% và ngay trong phiên chào sàn đã tăng kịch trần lên 20.800 đồng. Đến nay, BAB đã có 4 phiên tăng trần liên liếp và mức giá đóng cửa phiên 8/3 là 27.500 đồng.

BacA Bank có tổng tài sản trên 117.000 tỷ đồng, vốn điều lệ trên 7.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo

Loạt nữ tướng quyền lực số 1 Việt Nam với khát vọng kinh tế bay lên - 2

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank phát biểu tại sự kiện ngày 6/3 (Ảnh: VGP).

"Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp" - nữ tỷ phú USD "số 1" của Việt Nam nêu nguyện vọng với Thủ tướng Chính phủ tại cuộc đối thoại.

Bà Thảo cho rằng, để hỗ trợ tăng trưởng, rất cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương khi đó chúng ta có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành…

Lãnh đạo Vietjet mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.

Cũng tại sự kiện này, những ý kiến của bà Thảo nhằm góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc trền sàn giao dịch TP HCM (HSX) đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trên cả nước.

Theo bà, với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường, thu nhập cao, sàn HSX phải sánh ngang với sàn Hồng Kông, London hay New York. Theo bà, với thực trạng như hiện nay, phương án giảm số lượng giao dịch do hệ thống không đáp ứng nổi hay chuyển các cổ phiếu sang niêm yết trên HNX đều không ổn.

Nữ tỷ phú cho biết đã liên lạc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, One Mount Group, Viettel để cùng bàn bạc giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải và nhận được câu trả lời: Chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng là có thể giải quyết vấn đề này.

Với Vietjet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử ngành hàng không vốn thuộc về phái mạnh khi là nữ doanh nhân duy nhất khởi nghiệp thành công và điều hành một hãng hàng không thương mại của riêng mình.

Ông John Leahy, Tổng giám đốc thương mại toàn cầu của Airbus, từng gọi bà Thảo là "người phụ nữ thú vị nhất trong đàm phán" bởi bà có sự kiên định bên trong vẻ ngoài dịu dàng mỗi khi đàm phán những giao dịch tỷ USD - điều mà thị trường hàng không toàn cầu không dễ gì chứng kiến.

Với giá trị tài sản ròng tại ngày 8/3 vào khoảng 2,8 tỷ USD (theo Forbes), bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện vẫn là người phụ nữ giàu nhất Việt Nam, là tỷ phú tự thân giàu có nhất Đông Nam Á và được xếp hạng trong top siêu giàu của thế giới.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh

Loạt nữ tướng quyền lực số 1 Việt Nam với khát vọng kinh tế bay lên - 3

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh cho rằng cần chú trọng vào điện gió ngoài khơi để đạt năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường (ảnh: VGP)

"Người Đức luôn có những cố gắng để những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp của mình làm tốt điều này. Chính vì vậy, những doanh nghiệp Việt cần tập trung vào yếu tốt phục vụ người tiêu dùng tốt bằng việc nâng chất lượng sản phẩm, nâng vị thế thương hiệu của mình. Điều này cần tập trung vào khối doanh nghiệp tư nhân - thành phần chính tạo ra các sản phẩm, dịch vụ của nền kinh tế" - bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch HĐQT REE Corp - nêu quan điểm trong cuộc đối thoại của giới doanh nhân với Thủ tướng.

Theo nữ doanh nhân, nguồn tài nguyên của chúng ta đang cạn kiệt dần, cụ thể là vấn đề năng lượng. Điện đang thiếu dần. Trong 3 năm vừa qua, chúng ta đã phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, về công nghệ viễn thông. Tuy nhiên cần nhìn lại việc xây dựng chiến lược phát triển. Than, dầu mỏ đang ngày một cạn dần. Do đó, cần chú trọng vào điện gió ngoài khơi để đạt năng suất cao và giảm ô nhiễm môi trường.

Bà Thanh cũng đề xuất Chính phủ cần phân bổ nguồn lực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nguồn lực để tập trung vào lĩnh vực này. Đồng thời, khi xây dựng các chỉ số kinh tế-xã hội từ nay đến năm 2045, cần xây dựng nhiều hơn các chỉ số có tính hạnh phúc chứ không chỉ là những chỉ số về con số kinh tế.

Bà Mai Thanh là con của một vị tướng trong quân đội và mang trong mình những tố chất của một nữ tướng trên thương trường. Bà tốt nghiệp kỹ sư ngành Điện lạnh tại Đại học Kỹ thuật Karl-Marx-Stadt (Đức).

Dưới sự dẫn dắt của bà Mai Thanh, REE được biết đến là công ty của nhiều cái đầu tiên: công ty Việt Nam đầu tiên cổ phần hóa, đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, đầu tiên phát hành trái phiếu chuyển đổi, đầu tiên áp dụng điều lệ mẫu mới do Bộ Tài chính chỉ định… Trong đó, đáng chú ý nhất là thành công trong việc cổ phần hóa của REE những năm đầu 1990.

Hiện tại trên thị trường, cổ phiếu REE là 1 trong top 30 cổ phiếu tiêu biểu nhất của sàn HSX (thuộc rổ VN30) và đang giao dịch với mức giá 56.000 đồng (giá đóng cửa phiên 8/3).

Bà Mai Thanh đang trực tiếp sở hữu gần 38 triệu cổ phiếu REE, chiếm tỉ lệ 12,2% vốn điều lệ công ty, chồng bà là ông Nguyễn Ngọc Hải sở hữu gần 17 triệu cổ phiếu REE, chiếm tỉ lệ 5,47%.

Bà Nguyễn Thị Nga

Loạt nữ tướng quyền lực số 1 Việt Nam với khát vọng kinh tế bay lên - 4

Bà Nguyễn Thị Nga đánh giá cộng đồng kinh tế tư nhân đang có một môi trường kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay (ảnh: VGP)

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Nga - một trong những đại gia bất động sản nổi tiếng - kinh tế Việt Nam có thể đặt tầm nhìn nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất khu vực.

"Sẽ có những doanh nghiệp của Việt Nam, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân, nằm trong danh sách những doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Và ngay bây giờ phải tạo dựng được một nền móng vững chắc, một dư địa phát triển rộng lớn cho những thế hệ sau này, để con, cháu chúng ta sẽ được sống trong một quốc gia phát triển với thu nhập cao, đúng với tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra" - bà Nga bày tỏ.

" Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn nói trên. Dưới góc độ kinh tế, trong vai trò của một doanh nghiệp tư nhân đa ngành lớn của Việt Nam với lịch sử hơn 30 năm phát triển, tôi thấy cộng đồng kinh tế tư nhân đang có một môi trường kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay", bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ tại cuộc đối thoại với Thủ tướng. Phần phát biểu của bà nhận được sự hưởng ứng lớn của các doanh nhân có mặt tại sự kiện.

Vị "nữ tướng" này được cho biết là đã đưa BRG từ một doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trở thành một tập đoàn đầu tư đa ngành từ ngân hàng, bất động sản, khách sạn, sân golf…

Trong khuôn khổ Hội nghị doanh nhân nữ 2020 vừa diễn ra tại Philippines, bà Nguyễn Thị Nga trở thành doanh nhân nữ đầu tiên của Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng danh giá này.

Truyền cảm hứng cho phái nữ, bà chia sẻ: "Hãy kiên trì theo đuổi đam mê và khát vọng của mình, không ngừng cống hiến cho sự tiến bộ của cộng đồng và sự phát triển của tổ quốc. Hãy chinh phục khát vọng bằng cả khối óc và trái tim - Tôi làm được và phụ nữ chúng ta làm được".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm