Loạn thông tin áo ngực Trung Quốc
Sau Đà Nẵng, ngày 8/11, Hà Nội cũng vừa công bố kết quả kiểm tra áo ngực.
Theo chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, các mẫu áo ngực được kiểm chứng là các mẫu tạm thu giữ tại đợt kiểm tra các gian hàng tại chợ Đồng Xuân và phố Hàng Đào ngày 31/10, có nhãn hiệu Yalichun và Mengnaeroi.
Hàng loạt các thông tin khác nhau về sự nguy hại của các chất được tìm thấy trong áo ngực nhưng đến thời điểm này bộ Y tế vẫn chưa có động thái nào
Các mẫu này được viện Khoa học hình sự (bộ Công an) phân tích và cho kết luận, các hạt tròn màu trắng trong các túi dung dịch không màu, trong suốt trên 4 áo lót nữ mang nhãn hiệu và chữ Trung Quốc đều là nhựa PS (Polystyrene Composit). Dung dịch không màu, không mùi, trong suốt trong các túi polyme dẻo trong các mẫu phân tích là dầu khoáng (Mineral seal Oil), có tỷ trọng 0,84.
Kết quả này cũng trùng với kết quả xét nghiệm của viện Hóa học và trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng khu vực II ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin về mức độ độc hại của những chất có trong áo ngực này. Theo TS Vũ Đức Lợi, trưởng phòng Hóa phân tích (viện Hóa học) dầu khoáng là hỗn hợp của các hydro carbon. Đã có tài liệu cho biết dầu khoáng tạo một lớp mỏng không thấm nước, làm giảm khả năng đào thải chất độc. Khi vào cơ thể, nó đọng lại ở gan và lấy đi hầu hết các vitamin trong gan.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nó giảm chức năng phổi, gây một số dạng viêm phổi. Theo các tài liệu nước ngoài, dầu khoáng tạo một lớp màng mỏng không thấm ướt trên da, phần nào làm da mịn và đầy đặn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc da không thực hiện được chức năng thải độc qua lỗ chân lông hay đường mồ hôi và như vậy không tốt cho da. Trong mẫu dầu khoáng mà viện Hóa học phân tích, có thành phần polycyclic aromantic hydrocarbon (PAH). Không chỉ gây cảm giác ngứa, các tài liệu nước ngoài đã chứng minh PAH có khả năng gây ung thư cao, cũng như gây rối loạn nội tiết.
Theo ông Vương Trí Dũng, phó chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, từ kết quả phân tích của viện Khoa học hình sự và các biện pháp nghiệp của chi cục có thể kết luận: “Túi dung dịch, và hạt có trong áo ngực không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”. Dầu khoáng có loại tinh chế được phép sử dụng công nghệ sản xuất bao túi nilon, bao bì chứa thực phẩm, dầu massage không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Dầu khoáng trắng công nghiệp có nhiều loại, phân loại và dựa vào tỷ trọng từ 0,83 đến 0,877, thường dầu khoáng công nghiệp do các quá trình cất phân đoạn từ dầu mỏ còn nhiều tạp nhất là nhóm chất polycylic aromatic hydrocacbon (PAH). PAH gồm các chất có thể gây ung thư như: Anthracene, Benzopyrene, Chrysene… Vì vậy, dầu khoáng sử dụng trong y học và thực phẩm cần kiểm nghiệm chặt chẽ các thành phần này theo quy định quốc tế.
BS Vũ Văn Tiến, khoa Da liễu (bệnh viện 103) thì cho rằng, viện 103 đã từng nghiên cứu thử nghiệm về dầu khoáng trong điều trị bệnh vẩy nến. Dầu khoáng được dùng trong nhiều lĩnh vực nhưng vấn đề là tỷ lệ và chất lượng như thế nào mới là điều đáng bàn. Vì bất cứ một loại sản phẩm nào thì dùng quá tỷ lệ thì đều có thể gây bệnh và độc hại.
Hàng loạt các thông tin khác nhau về sự nguy hại của các chất được tìm thấy trong áo ngực nhưng đến thời điểm này bộ Y tế vẫn chưa có động thái nào. Trước đó, khi rộ lên thông tin áo ngực có chất độc bộ này có ý “đề nghị” bộ Công thương vào cuộc vì đây là hàng hóa không do bộ Y tế quản lý.
Theo L.Hà
Sài Gòn Tiếp thị