1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Loạn buôn ô tô online: Lướt web mua xe, ôm hận mất tiền oan

Nhan nhản các trang web rao bán ô tô được lập ra. Rất khó để khách hàng có thể phân biệt đâu là trang chính thức của các đại lý, các doanh nghiệp ô tô. Rủi ro đang rình rập khách mua xe.

Đua mở web bán xe

Khi lên mạng, tìm kiếm địa chỉ trang web của một đại lý bán ô tô nào đó sẽ thấy hàng chục kết quả gần giống nhau, khó có thể phân biệt đâu là trang chính thức do đại lý lập ra. Khách hàng cũng không hiểu vì sao một đại lý lại có nhiều trang web bán xe đến vậy.

Giám đốc một đại lý bán ô tô chính hãng tại Hà Nội cho biết, mỗi đại lý thường chỉ lập một trang web, còn các trang web khác là do nhân viên bán hàng tự mở ra để bán xe, dựa vào tên đại lý. Vì vậy, các trang web này được thiết kế và có tên gọi tương đối giống nhau, chỉ có tên miền là khác.


Loạn các trang web bán xe, người mua dễ bị lừa (ảnh minh họa)

Loạn các trang web bán xe, người mua dễ bị lừa (ảnh minh họa)

Cũng theo vị giám đốc này, số lượng trang web bán xe của các nhân viên giờ rất nhiều và khó kiểm soát. Các công ty ô tô cũng đã yêu cầu đại lý phân phối của mình phải kiểm soát chặt, nhưng không thể làm được. Có những nhân viên bán hàng là người của đại lý lập trang web; nhưng cũng có người không còn làm cho đại lý nữa, đã chuyển đi nơi khác, vẫn giữ trang web, khách gọi vào thì môi giới để được ăn chia,... Thậm chí, có cả người không phải là nhân viên bán xe của đại lý nào cũng lập trang web để bán hàng.

“Chúng tôi giờ chỉ quản lý được trang web do nhân viên bán hàng của mình lập ra thôi. Và cũng chỉ quản lý về việc niêm yết giá bán cùng các chương trình khuyến mại do đại lý thực hiện. Chẳng hạn, về giá chúng tôi yêu cầu nhân viên bán hàng phải cập nhật giá bán chính xác của đại lý hay các chương trình khuyến mãi,... Còn với những người không phải là nhân viên của mình, khó có thể quản lý được”, vị này cho hay.

Trên các trang web đó có thông tin giới thiệu các mẫu xe đang được chào bán, giá bán, một số chương trình khuyến mãi cùng số điện thoại của nhân viên bán hàng, có nơi để cả email cá nhân, tên công ty,...

Tuy nhiên, so sánh với trang web chính thức của đại lý sẽ thấy khác. Chẳng hạn, trên trang web chính thức của đại lý có nhiều thông tin về các chương trình bán hàng, dịch vụ,... nhưng thường thì các trang web của nhân viên không cập nhật đủ, chỉ đưa ưu đãi chung chung.

Giá bán niêm yết tại một số trang cũng khác nhau, đặc biệt là có những lời quảng cáo rất hấp dẫn như: giảm giá trăm triệu, khuyến mãi sốc, xả hàng cuối năm,... để câu khách.

Rủi ro rình rập

Một nhân viên bán ô tô cho biết, nhiều khách hàng thường lên mạng tìm hiểu thông tin về chiếc xe định mua, tham khảo giá bán,... Nếu ưng, họ sẽ gọi cho nhân viên theo số điện thoại có trên trang web để trao đổi, thỏa thuận giá cả. Khi đã thống nhất, nhân viên sẽ mời khách đến đại lý xem xe, làm thủ tục mua bán.


Khách hàng cần kiểm tra thực tế xe trước khi xuống tiền mua

Khách hàng cần kiểm tra thực tế xe trước khi xuống tiền mua

Vì vậy, trang web là kênh bán hàng quan trọng, giúp nhân viên dễ dàng kiếm khách hơn. Mỗi nhân viên thường có một trang riêng, thuê các công ty phần mềm lập ra. Website bán xe đều sử dụng những từ khóa thông dụng, khi tìm kiếm là hiện ra ngay và tất nhiên phải có những lời chào mới hấp dẫn, gây chú ý với khách hàng.

Với những nhân viên bán hàng nghiêm túc thì không có vấn đề gì, nhưng gặp nhân viên xấu dễ có rủi ro. Theo quy định, khi khách hàng đồng ý mua xe, nhân viên sẽ dẫn vào phòng tài chính nộp tiền đặt cọc, lấy biên nhận sau đó là làm hợp đồng, hẹn ngày lấy xe. Nhưng nếu nhân viên đó lại tự nhận tiền đặt cọc, tự viết giấy biên nhận thì dễ có vấn đề. Rủi ro lớn nhất, có thể nhân viên bán hàng nhận tiền đặt cọc rồi bỏ trốn.

Trên thực tế đã xảy ra chuyện nhân viên bán hàng tự ý nhận tiền đặt cọc của nhiều người và sau đó ôm số tiền lớn ra đi. Một số khách hàng cho biết, khi họ vào trang web, thấy tên đại lý , thấy số điện thoại, gọi nói chuyện rồi được mời tới đại lý, thấy nhân viên này đeo thẻ trước ngực, với chức danh trợ lý giám đốc, nên tin tưởng làm hợp đồng đặt trước một khoản tiền. Nhưng rồi đến ngày hẹn, chẳng thấy xe đâu, gọi thì mất tích. Hóa ra nhân viên này đã nhận tiền đặt cọc của hàng chục người, với số tiền hàng tỷ đồng rồi bỏ trốn.

Đáng ngại hơn, có người còn lợi dụng trang web kiểu này để bán xe mà thực sự không có xe bán.

Một khách hàng tại TP.HCM từng kể bị mất oan 20 triệu đặt cọc vì tìm vào trang web bán xe lừa. Trang web này có lời chào bán xe giá rẻ, thủ tục dễ dàng, có nhãn hiệu kinh doanh đã được bảo hộ. Khi khách tìm đến, không thấy chiếc xe nào, nhưng được nhân viên cho hay xe để tại cửa hàng ở địa điểm khác. Khi làm thủ tục, đặt cọc xong sẽ đưa đi xem, còn tại đây chỉ xem xe trên màn hình.

Số tiền đặt mua xe là ban đầu là 300USD, có biên nhận đàng hoàng. Sáng hôm sau, có người đến tận nhà đề nghị đóng thêm tiền cho đủ 20 triệu đồng, nhận tiền xong đưa hợp đồng mua xe ra yêu cầu khách hàng ký trước, hẹn 10 ngày sau sẽ giao xe.

Đúng hẹn khách đến nhận xe thì không thấy xe đâu, nhân viên bán hàng đề nghị nộp thêm 250 triệu đồng nữa mới cho giao xe. Khách hàng đề nghị phải cho xem xe, cầm giấy tờ rồi mới nộp tiền thì công ty không đồng ý. Cuối cùng, khách hàng không chấp nhận và đòi lại tiền đặt cọc nhưng không được. Đây không phải là khách hàng duy nhất bị lừa như vậy khi vào trang web này tìm mua xe.

Thị trường ô tô đang sôi động, nhu cầu về ô tô sắp vào giai đoạn tăng cao. Vì vậy, việc mở rộng kênh bán hàng là tất yếu. Điều quan trọng là khách hàng cẩn thận khi mua xe để tránh rủi ro.

Theo Trần Thủy
VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm