1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vấn đề kinh tế trong tuần:

Lộ tỷ lệ ăn chia đường dây cờ bạc “nghìn tỷ”; huỷ hợp đồng AVG - MobiFone

(Dân trí) - Tuần này, đời sống kinh tế có nhiều thông tin “nóng” khiến độc giả đứng ngồi không yên như chi tiết về vụ phá đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng do cựu tướng Nguyễn Thanh Hoá “bảo kê”, hợp đồng gần 9.000 tỷ đồng mua 95% cổ phần AVG của MobiFone bị huỷ; việc đánh thuế 45% với tài sản “bất minh”; hồi ức về cố Thủ tướng Phan Văn Khải…

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải xử lý chuyện “phong bao”

Hồi tưởng lại những năm tháng làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải những năm đầu đổi mới, ông Trần Đức Nguyên, Trợ lý đặc biệt, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nhớ lại trong hãnh diện, tự hào và thực sự xúc động... Ông kể cả những câu chuyện nguyên Thủ tướng nghiêm khắc với chuyện “phong bì, phong bao”:

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Bản thân tôi có rất nhiều kỷ niệm với ông Khải, lúc đó tôi cùng với nguyên Thủ tướng hay hút thuốc lá, có người tặng ông Khải một cây thuốc lá thơm để hút sau đó ông Khải đã gửi tặng tôi.

Ông ấy nói: Cái này là của người ta tặng tôi, tôi thấy hai anh em mình đều hút thuốc nên tôi nhớ đến ông nên tôi tặng.

Đến khi về tôi mở cây thuốc lá ra thì phát hiện người tặng quà cho Thủ tướng gói rất kỹ bên trong có 2.000 USD. Vào năm đó số tiền đó lớn lắm. Tôi liền gửi lại ông Kiều Đình Thụ, khi ấy là thư ký riêng của ông Khải toàn bộ số thuốc lá nói trên cho ông Khải. Thủ tướng Khải đã cảnh báo đối tượng này một cách công khai.

Trước đó, một doanh nghiệp vào dịp Tết có gửi phong bì mừng năm mới đến Thủ tướng Khải, ông ấy đã yêu cầu phải xem xét rõ nhân vật này để nghiêm trị.

Ở thời kỳ ấy đã có chuyện chạy chức, chạy quyền rồi, nhưng với tôi, tôi tin thời anh Kiệt (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và anh Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), chuyện chạy chức với các anh là không có.

Đánh thuế 45% tài sản “bất minh”: Khoác áo “hợp pháp” cho tài sản tham nhũng?

Dư luận chưa hết bức xúc xung quanh việc biệt phủ xây dựng không phép của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỷnh Yên Bái, nhất là chứng minh nguồn gốc tài sản. Việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức liệu có phải sẽ khoác cho tài sản tham nhũng một cái dấu “hợp pháp”?

TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có “tài sản khủng” thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể.

Có thể xuất phát từ quan điểm “phải có quy định nào đó để thu hồi được càng nhiều càng tốt” nên đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này.

Ông Vân cũng cho rằng, việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu.

Huỷ hợp đồng gần 9.000 tỷ đồng của MobiFone - AVG

Chiều 12/3, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) vừa đưa ra quyết định hủy thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị chuyển nhượng lên tới gần 9.000 tỷ đồng.

Hợp đồng MobiFone và AVG đã bị huỷ
Hợp đồng MobiFone và AVG đã bị huỷ

Theo đó, tại cuộc họp nội bộ này, MobiFone và AVG thống nhất hủy việc chuyển nhượng 344,66 triệu cổ phần, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo thỏa thuận. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này là 8.889,8 tỷ đồng.

Các cổ đông đã chuyển nhượng (phía AVG) sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền MobiFone đã thanh toán. Còn MobiFone cũng trả lại AVG số cổ phần và các tài sản đã nhận chuyển nhượng. Đồng thời, hai bên "sẽ cố gắng để cả hai không chịu thiệt hại từ việc này”.

Ngoài cam kết trả lại khoản tiền bán cổ phần, các cổ đông chuyển nhượng sẽ thanh toán chi phí liên quan mà MobiFone đã trả cho các đơn vị liên quan tới giao dịch. Các cổ đông chuyển nhượng cũng đồng ý thanh toán cho MobiFone khoản lãi cho số tiền MobiFone đã thanh toán cho cổ đông chuyển nhượng theo đúng hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tỷ lệ ăn chia đường dây đánh bạc do cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa “bảo kê”

Theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ, tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và hệ thống đại lý. Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng, chiếm 1,75%.

Tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản qua ngân hàng, bước đầu xác định khoảng 5.631,5 tỷ đồng.

Số tiền 9.583,2 tỷ đồng thu được qua các cổng thanh toán sẽ được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức (Dương, Nam, Trung, bao gồm cả chi phí vận hành và một phần nhỏ hạch toán vào các pháp nhân CNC, VTC online, Nam Việt) và trả thưởng cho con bạc.

Trong đó ước tính doanh nghiệp viễn thông hưởng lợi khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng lợi khoảng 258,4 tỷ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỷ đồng); nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng lợi khoảng 1.600 tỷ đồng; nhóm Phan Sào Nam và Hoàng Thành Trung hưởng khoảng 1.850 tỷ đồng; 2.645 tỷ đồng trả thưởng cho con bạc.

Loạt dự án thua lỗ của Vinachem: “È cổ” trả vài trăm tỷ tiền lãi vay đầu tư mỗi năm

Trong số 12 dự án có vốn đầu tư nghìn tỷ thua lỗ của ngành công thương thì Vinachem chiếm tới 4 dự án, bao gồm: Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP - Vinachem, DAP số 2 - Vinachem.

Số dự án của Vinachem chiếm tới 1/3 trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
Số dự án của Vinachem chiếm tới 1/3 trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

Đáng lưu ý, phần kế hoạch các chỉ tiêu chủ yếu trong 3 năm tới (2018-2020) cho thấy, hầu hết các dự án này đều phải lo gáng "gánh nặng" chi phí tài chính rất lớn, trong đó chủ yếu là cho khoản lãi vay đầu tư.

Cụ thể, tại dự án phân đạm và hóa chất Hà Bắc, nếu tính gộp cả 3 năm thì khoản tổng số lãi vay đầu tư phải trả là 2.302,3 tỷ đồng, bình quân mỗi năm phải trả 767,45 tỷ đồng.

Tại dự án Đạm Ninh Bình, theo kế hoạch tổng cả 3 năm sẽ phải trả 1.112 tỷ đồng, trong đó năm 2018 phải trả 491 tỷ đồng, năm 2019 là 368 tỷ đồng và năm 2019 là 253 tỷ đồng.

Còn tại DAP số 2 Lào Cai, khoản lãi vay đầu tư phải trả cho năm 2018 là 269 tỷ đồng, 275 tỷ đồng (năm 2019) và 272 tỷ đồng (năm 2020).

Riêng tại dự án DAP - Vinachem, Công ty sẽ chỉ phải trả 9 tỷ đồng lãi vay đầu tư cho năm 2018. Kể từ năm 2019 trở đi, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi "gánh nặng" về chi phí lãi vay đầu tư. Đây cũng là điểm sáng nhất trong số các dự án nghìn tỷ của Vinachem khi báo lãi trong năm 2017 và dự kiến tiếp tục lãi trong các năm tiếp theo.

Nhà máy thép liên doanh Trung Quốc thua lỗ nghìn tỷ: Kiểm điểm một loạt tập thể, cá nhân

Dự án nhà máy gang thép Lào Cai và dự án mỏ sắt Quý Xa do Công ty liên doanh do Công ty TNHH khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) làm chủ đầu tư.

VTM là Công ty liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel), Công ty TNHH cổ phần khoáng sản Lào Cai và Công ty TNHH Khống chế cổ phần gang thép Côn Minh - Trung Quốc (KISC).

Vnsteel đã đầu tư gần 6.000 tỷ đồng liên doanh với Trung Quốc để khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai, tuy nhiên sau nhiều năm, dự án gánh lỗ nghìn tỷ vì hoạt động kém hiệu quả. Dự án này là một trong 12 đại dự án ngàn tỷ thua lỗ nặng của ngành công thương.

Vnsteel đã thực hiện kiểm điểm bộ phận đại diện vốn Tổng công ty tại VTM, các ban của Tổng công ty có liên quan như Ban quản lý đầu tư, Ban tài chính kế toán, Ban Kỹ thuật.

Đồng thời kiểm điểm Ban Tổng giám đốc Tổng công ty và Hội đồng quản trị Tổng công ty. Trên cơ sở góp ý của đại diện Bộ Công thương tại cuộc họp kiểm điểm hội đồng quản trị Tổng công ty ngày 24/1/2018, Tổng công ty sẽ tiến hành kiểm điểm bổ sung các cá nhân có liên quan từ khi bắt đầu triển khai dự án đến nay.

Chổi chít Việt Nam rao bán gần 3 triệu đồng/chiếc trên Amazon

Mới đây, nhiều tài khoản bán hàng trên trang bán lẻ trực tuyến Amazon đã rao bán chổi chít Việt Nam với giá khá cao, từ 17 – 24 USD (khoảng 400.000 – 550.000 đồng) mỗi chiếc.

Những chiếc chổi chít bạc triệu gây sốt
Những chiếc chổi chít bạc triệu gây sốt

Thậm chí, trên trang Amazon của Nhật Bản, một chiếc chổi chít Việt Nam còn được rao bán với giá gần 3 triệu đồng/chiếc.

Theo so sánh của phóng viên Dân trí, tại thị trường trong nước, hiện một chiếc chổi chít có giá trung bình khoảng 20.000 – 30.000 đồng/chiếc, rẻ hơn khoảng hơn 100 lần so với giá được rao bán trên Amazon Nhật Bản.

Quảng cáo về sản phẩm, một số tài khoản trên Amazon giới thiệu đây là cây chổi chống tĩnh điện, rất hữu dụng trong việc quét các sợi lông, tóc.

Bên cạnh đó, chổi được làm từ đót tự nhiên với chiều dài hơn 100cm, chiều rộng hơn 30cm, có thể quét được tất cả các hạt bụi dù là nhỏ nhất ngay trong lần quét đầu tiên. Thêm nữa, người mua có thể thoải mái chọn màu sắc sản phẩm.

Bích Diệp (tổng hợp)

Lộ tỷ lệ ăn chia đường dây cờ bạc “nghìn tỷ”; huỷ hợp đồng AVG - MobiFone - 5