Kết quả kiểm toán EVN:

Lỗ to vì quản lý kém

Nhìn vào kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 tại tập đoàn Điện lực Việt Nam do Kiểm toán Nhà nước mới hoàn thành, có thể thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

Phát biểu trước Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, giá thành sản xuất, kinh doanh điện của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng cao, cộng thêm tình trạng thua lỗ kéo dài ở tập đoàn này nên thời gian tới, giá điện sẽ cần phải điều chỉnh tăng.

 

Tuy nhiên, nhìn vào kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 tại tập đoàn này do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới hoàn thành, có thể thấy một bức tranh hoàn toàn khác.

 

Hiệu quả đầu tư tài chính quá thấp

 

Theo kết quả kiểm toán, tính đến 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng (chưa bao gồm các khoản đầu tư cho vay lại hàng chục ngàn tỉ đồng khác), trong đó chủ yếu là đầu tư vào các công ty; số đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết chỉ trên 5.000 tỉ đồng chiếm trên 10% vốn đầu tư.

Chênh lệch về lương quá lớn
 

Tổng giám đốc EVN, ông Phạm Lê Thanh tại một cuộc họp báo về giá thành sản xuất điện cho biết, thu nhập bình quân lao động trong hệ thống EVN là 7,3 triệu đồng/tháng – là mức lương ông này thấy “đau lòng” vì khó sống ở đô thị. Kết quả kiểm toán cho thấy, lương ở một số bộ phận của EVN cao hơn nhiều mức bình quân này. Cụ thể, thu nhập bình quân ở công ty mẹ – EVN là 13,7 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng. Theo KTNN, việc phân phối tiền lương theo đơn giá cho các đơn vị thuộc công ty mẹ tập đoàn EVN như vậy là chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các đơn vị. Vì thu nhập bình quân ở cơ quan văn phòng công ty mẹ EVN đã cao gấp hơn hai lần thu nhập bình quân chung của cả công ty mẹ.

 

Tuy nhiên, lợi nhuận đầu tư của khoản tiền gần 50.000 tỉ đồng đó rất thấp. Số lợi nhuận thu được chỉ đạt trên 540 tỉ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ hơn 1%.

 

Lợi nhuận của EVN được chia từ sản xuất, kinh doanh điện là trên 360 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ trên 67,7% với tổng lợi nhuận được chia. Nhưng tỷ lệ trên vốn đầu tư rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,8% so với giá trị đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh điện.

Việc phê phán EVN trong khi đang thiếu vốn đầu tư cho sản xuất điện thì lại đem vốn đầu tư ngoài ngành càng có cơ sở nếu nhìn vào số liệu kiểm toán. Theo KTNN, lợi nhuận mà EVN được chia từ các khoản đầu tư bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính trong năm 2010 chỉ hơn 160 tỉ đồng, chiếm trên 30% so với tổng lợi nhuận được chia, đạt hơn 7,8% so với giá trị đầu tư vốn vào các lĩnh vực này (trên 2.100 tỉ đồng). Vốn EVN đầu tư ra ngoài dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn chủ sở hữu (3,27%) nhưng nó đã cho thấy sự phiêu lưu của lãnh đạo EVN trong bối cảnh các thị trường này có những khó khăn làm hiệu quả đầu tư đồng vốn xuống thấp.

 

Hay trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù rót tới 2.442 tỉ đồng vào công ty EVN Telecom nhưng kết quả kinh doanh của công ty này liên tục đi xuống từ năm 2008 – 2010 mà cao điểm là khoản thua lỗ trên 1.000 tỉ đồng năm 2010. Đây là một nguyên nhân buộc EVN phải thoái vốn, chuyển sở hữu cho tập đoàn Viettel vừa qua.

 

Qua cuộc kiểm toán này, người ta phát hiện một việc làm bất minh của lãnh đạo EVN khi điều chuyển một khoản chi phí trên 1.000 tỉ đồng cho một số tổng công ty điện trực thuộc EVN. Việc này được đánh giá thực chất là chuyển lỗ từ trách nhiệm của EVN Telecom cho các tổng công ty điện lực, trái với quy định về quản lý tài chính trong điều lệ tổ chức và hoạt động do chính EVN xây dựng từ năm 2007.

 

Thua lỗ, nợ nần chất chồng

 

Với một tập đoàn lớn như EVN, việc vay nợ lớn lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng có thể hiểu nhưng nhìn vào các chỉ tiêu vay, trả nợ cho thấy tình trạng mất cân bằng trong tài chính của tập đoàn này: tỷ lệ nợ phải trả cao hơn bốn lần nguồn vốn chủ sở hữu, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trông chờ bằng nguồn vốn vay và vốn chiếm dụng (hơn 70%).

 

Tình trạng kéo dài nợ, chiếm dụng vốn của EVN, như riêng tại tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn Than khoáng sản đã hơn 10.000 tỉ đồng tính đến 30.6.2011. Mà không chỉ ở EVN, ở một số công ty thành viên như công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng, công ty TNHH một thành viên nhiệt điện Uông Bí… tình trạng hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao, thường trên ba lần đã vượt quá mức giới hạn quy định trong nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính phủ là rất đáng báo động.

 

Ngoài ra, việc để tình trạng thua lỗ kéo dài, cho dù có những nguyên nhân khách quan nhưng với số lỗ luỹ kế đến hết năm 2011 lên tới trên 35.000 tỉ đồng như bộ Tài chính đã công bố trước Quốc hội càng đẩy tài chính của EVN vào khó khăn. Kết quả kiểm toán cũng đã cho thấy, với số lỗ lớn như năm 2010 trên 8.400 tỉ đồng đã khiến EVN không bảo toàn được vốn đầu tư của chủ sở hữu.

 

Có thể giảm lỗ, giảm sức ép tăng giá điện?

 

Tuy nhiên, theo cơ quan kiểm toán, mặc dù có số thua lỗ lớn như vậy nhưng vẫn có những cơ sở để làm giảm lỗ kinh doanh điện. Điều dễ thấy nhất là tỷ lệ tổn thất điện năng ở Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới (tỷ lệ tổn thất điện năm 2010 là 10,15%).

 

Cũng theo cơ quan kiểm toán, kết quả sản xuất, kinh doanh điện có thể tăng nếu các vật tư thu hồi trong quá trình sửa chữa lớn, thanh lý tài sản được phản ánh đúng để giảm chi phí sản xuất.

 

Như riêng năm 2010, các khoản vật tư thu hồi mà EVN theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán, chưa hạch toán là 80,2 tỉ đồng, doanh thu nhượng bán, thanh lý tài sản, vật tư điện trên 213 tỉ đồng, chi phí hơn 124 tỉ đồng và lợi nhuận gần 89 tỉ đồng…

 

KTNN cũng cho rằng, EVN có thể giảm lỗ một phần nếu doanh thu cho thuê cột điện được hạch toán vào kết quả kinh doanh điện: năm 2010, doanh thu cho thuê cột điện trên 580 tỉ đồng, chi phí hơn 317 tỉ đồng và lợi nhuận 265 tỉ đồng… Ngoài ra, EVN cũng có thể tăng kết quả sản xuất, kinh doanh điện nếu tiết giảm chi phí nhân công hợp lý.

 

Không chỉ có vậy, ở các công ty thành viên của EVN, cũng có những sai phạm nhất định làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Như tại công ty Điện lực Hải Phòng, đã xảy ra tình trạng huy động và sử dụng vốn sai mục đích hoạt động đầu tư trong các năm 2009 – 2010. Nhiều công trình và hạng mục đầu tư phát sinh nhiều so với kế hoạch dẫn đến việc không cân đối nguồn vốn 300 tỉ đồng, phải dùng đến vốn sản xuất kinh doanh và tiền điện phải nộp về EVN để bù đắp. Hay tại công ty cổ phần nhiệt điện Bà Rịa – Vũng Tàu, có khoản lợi nhuận chưa phân phối trên 210 tỉ đồng. Một số công ty cổ phần khác, cổ đông góp thiếu hàng trăm tỉ đồng… tất cả đều khiến cho tình hình tài chính EVN xấu đi.

 

KTNN đã yêu cầu EVN phải tăng nộp thuế số tiền trên 126,5 tỉ đồng về các khoản chưa kê khai, nộp đầy đủ vào ngân sách trong năm 2010 như: thuế thu nhập cá nhân (trên 3,7 tỉ đồng), thuế thu nhập doanh nghiệp gần 60 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài khoảng 34 tỉ đồng, thuế tài nguyên 25 tỉ đồng…

 

Theo Mạnh Quân

SGTT