Khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng của EVN là... chưa tính hết

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo chiều 19/11, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng của EVN sẽ được xử lý hạch toán theo hướng đưa vào giá điện trong các đợt điều chỉnh tăng giá điện mới.

Khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng là chưa tính hết

Chiều 19/11, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đây là lần đầu tiên việc công bố giá thành sản xuất kinh doanh của EVN được thực hiện theo tinh thần Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg, ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Khoản lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng của EVN là... chưa tính hết - 1
Chưa tiết lộ thời điểm tăng giá điện mới

Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đặng Huy Cường, năm 2010, tổng sản lượng điện thương phẩm toàn hệ thống thực hiện đạt gần 86 tỷ kWh; sản lượng điện sản xuất và mua ngoài hơn 95 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất lưới điện truyền tải và phân phối là 10,15%.

Tổng doanh thu bán điện năm 2010 là 90.934 tỷ đồng tương ứng giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đ/kWh điện thương phẩm.

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 101.096 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2010 là 1.180,0 đ/kWh điện thương phẩm.

Như vậy, năm 2010, sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ 10.162 tỷ đồng. Theo ông Đặng Huy Cường, khoản lỗ này chưa bao gồm tính đến lỗ/lãi tại các công ty cổ phần điện EVN góp vốn.

Chí phí còn "treo" lại chưa được tính hết vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN trong năm 2010 bao gồm khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 15.463 tỷ đồng và chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn còn lại là 356 tỷ đồng.

Lương bình quân của EVN chỉ 7,3 triệu đồng/tháng

Tại cuộc họp báo, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, hiện nay ngành điện đang phải bù lỗ 300 đồng cho mỗi kWh. Và khoản bù lỗ này không chỉ cho những người nghèo mà cho cả những người giàu và trung lưu.

“Nếu một gia đình dùng 1 triệu đồng tiền điện/tháng thì EVN phải bù 300 nghìn đồng/tháng, 2 triệu đồng thì bù lỗ 600 nghìn đồng. Đây là một nghịch lý của ngành điện”, ông Thanh nói.

Lãnh đạo EVN cũng khẳng định, vấn đề mất cân đối tài chính của ngành nếu không được xử lý sẽ khó khăn khi huy động nguồn vốn trong tương lai, hệ quả là các nhà đầu tư không mặn mà đầu tư, đặc biệt khu vực miền Nam, nếu không được đầu tư thì từ năm 2013 khu vực này sẽ thiếu điện nghiêm trọng.

Trả lời báo chí về việc xử lý khoản lỗ trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý hạch toán phần lỗ này. Theo đó, phần lỗ này sẽ được hạch toán vào giá điện trong các đợt điều chỉnh tăng giá điện mới. Tuy nhiên, thời điểm nào sẽ điều chỉnh giá điện mới thì lãnh đạo Bộ Công Thương chưa tiết lộ.

Về việc thoái vốn tại các lĩnh vực ngoài ngành, ông Phạm Lê Thanh cũng cho biết, Tập đoàn đã có chương trình thoái vốn toàn bộ phần kinh doanh ngoài ngành, như lĩnh vực viễn thông, Công ty EVN Telecom sẽ chuyển giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.

Đối với các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, hiện Tập đoàn đang xúc tiến thoái vốn, dự tính trong thời gian 1-2 năm tới sẽ rút vốn khỏi các lĩnh vực này.

Một thông tin cũng đáng chú ý đã được lãnh đạo EVN thông tin tại cuộc họp đó là lương bình quân của cán bộ của Tập đoàn năm 2009 là 7,3 triệu đồng/tháng. Năm 2010, lãnh đạo EVN không đưa ra con số cụ thể mà chỉ cho biết, lỗ bằng 95% lương. Với mức lương này, ông Thanh cho rằng nếu sống ở Hà Nội thì chắc chắn cán bộ, nhân viên ngành điện sẽ không đủ sống.

Trước thông tin cho rằng, dù kêu lỗ nhưng lương của lãnh đạo ở EVN vẫn rất cao, ông Phạm Lê Thanh thừa nhận là có phản ánh đó. Tuy nhiên, theo ông, cần xem xét cụ thể bởi đó có thể là lương, có thể là thu nhập. Còn lương để hạch toán vào giá thành điện thì chỉ 7,3 triệu đồng/tháng.

Lan Hương