“Lộ” tình hình tài chính của Vincommerce trước sáp nhập: Diễn biến bất ngờ của cổ phiếu
(Dân trí) - Cổ phiếu MSN của Masan Group giảm sàn hôm qua và tiếp tục giảm giá mạnh sáng nay sau tin sáp nhập Vincommerce của Vingroup vào Masan Consumer. Trong khi đó, cổ phiếu MCH lại có hai phiên tăng mạnh trên thị trường UPCoM. Nhà đầu tư đồng thời cũng nhận tin bất ngờ về tình hình tài chính của Vincommerce.
Sự thận trọng tiếp tục gia tăng trong phiên sáng nay (4/12) khiến các chỉ số giằng co và thanh khoản thị trường thu hẹp.
Cụ thể, tạm kết phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 0,45 điểm tương ứng 0,05% lên 953,88 điểm; HNX-Index tăng 0,41 điểm tương ứng 0,41% lên 101,48 điểm và UPCoM-Index cũng tăng 0,22 điểm tương ứng 0,39% lên 55,75 điểm.
Thanh khoản đạt 97,07 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng dòng tiền chảy vào sàn này đạt 2.028,72 tỷ đồng. Trên HNX, con số này là 12,36 triệu cổ phiếu tương ứng 104,24 tỷ đồng và trên UPCoM lần lượt là 5,12 triệu cổ phiếu tương ứng 88,87 tỷ đồng.
Toàn thị trường vẫn còn tới 1.015 mã cổ phiếu không có giao dịch xảy ra. Trong khi đó, số lượng mã tăng giảm không có sự chênh lệch đáng kể: Phía giảm có 243 mã, 19 mã giảm sàn và phía tăng có 250 mã, 31 mã tăng trần.
Phiên này, MSN tiếp tục diễn biến tiêu cực, mất thêm 2.800 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 4,36% còn 61.400 đồng. Khối lượng giao dịch đạt hơn 2,9 triệu đơn vị khớp lệnh, tổng giá trị giao dịch xấp xỉ 180 tỷ đồng. Ngược lại, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng nhẹ 200 đồng tương ứng 0,17% lên 115.200 đồng/cổ phiếu.
Hôm qua, MSN cũng đã giảm sàn sau thông tin Ban lãnh đạo tập đoàn Vingroup quyết định sáp nhập công ty VinCommerce (bao gồm chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Vinmart/Vinmart+ và công ty con là VinEco) với Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH) thuộc Masan Group.
Với tỉ lệ sở hữu ở công ty mới thấp hơn, Vingroup chuyển giao toàn bộ hệ thống điều hành cho tập đoàn Masan quản lý.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, trước sáp nhập, VinCommerce có vốn điều lệ 6.436 tỷ đồng, trong đó 63,4% thuộc sở hữu của tập đoàn Vingroup. CTCP Hàng tiêu dùng Masan có vốn điều lệ trước sáp nhập là 7.229,25 tỷ đồng.
Một thông tin khá bất ngờ xuất hiện trên thị trường hôm nay đó là tình hình tài chính của Vincommerce khá tốt với lãi trước thuế và sau thuế trong năm 2018 lần lượt là 8.200 tỷ đồng và 7.600 tỷ đồng bất chấp mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup trong năm này bị lỗ hơn 5.000 tỷ đồng.
Với tình hình kinh doanh như trên, Vincommerce là một trong những doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt nam trong năm 2018 với số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp lên tới 363 tỷ đồng.
Trở lại với thị trường chứng khoán, chỉ riêng việc MSN giảm giá mạnh sáng nay đã lấy đi của VN-Index tới 0,95 điểm. Bên cạnh đó, thiệt hại do VHM gây ra là 0,88 điểm; do BVH gây ra là 0,24 điểm. Chưa kể, NVL, ROS, GAS cũng mất giá.
Tuy nhiên, nhờ sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu ngân hàng như VCB, CTG, VPB, HDB nên chỉ số chính của thị trường đã được nâng đỡ đáng kể, bù đắp được phần lớn thiệt hại mà các cổ phiếu lớn khác gây ra. Riêng VCB đóng góp tới 0,76 điểm; CTG đóng góp 0,38 điểm và VPB đóng góp 0,32 điểm.
Ngoài ra, trong sáng nay, cổ phiếu MCH của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan trên thị trường UPCoM tăng mạnh 1.800 đồng tương ứng 2,27% lên 81.100 đồng. Hôm qua, mã này cũng tăng 2.600 đồng tương ứng 3.49% lên 77.000 đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SHS, trong phiên giao dịch ngày 4/12, VN-Index có thể tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất quanh 950 điểm.
Nhà đầu tư trung và dài hạn được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ danh mục và giải ngân thêm nếu như thị trường có nhịp kiểm định lại ngưỡng 940 điểm (đáy tháng 6/2019). Trong khi đó, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế bán ra trong giai đoạn này và có thể mua vào nếu thị trường có nhịp kiểm định lại ngưỡng 940 điểm.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì cho rằng, xu hướng thị trường vẫn tiếp tục nghiêng về “phe gấu” (xu hướng giảm), đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. VN-Index gặp lực bán ở mức 960 điểm khiến thị trường chưa thể bứt phá khỏi mức kháng cự này trong ngắn hạn.
Mặt khác, chỉ số VN-Index đã giảm gần 8% kể từ giữa tháng 11 và nhóm phân tích kì vọng được thấy một lực cầu mạnh mẽ hơn ở vùng hỗ trợ kỹ thuật 940 – 950.
Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỉ trọng tiền mặt lớn vào thời điểm này và quan sát thêm một vài phiên tới với mục tiêu là tìm kiếm cơ hội giải ngân ở những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, lực mua hỗ trợ ổn định trong suốt giai đoạn vừa rồi của thị trường và không đi vào xu hướng giảm sâu so với thị trường chung - trong đó dành nhiều sự chú ý hơn đến nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang có định giá vẫn ở mức hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng.
Mai Chi