Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam

(Dân trí) - Chất vấn Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng thất thoát tài sản Nhà nước khi thoái vốn, làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường, bị đồng hoá thành thương hiệu của nhà đầu tư ngoại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế, Sabeco là một điển hình.

Sáng nay (7/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Trước đó, chiều 6/11, phần chất vấn và trả lời chất vấn của người đứng đầu ngành công thương tập trung chủ yếu về gian lận thương mại, quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng...

Đặc biệt, Bộ trưởng Công Thương bị “truy” gay gắt về hai vụ việc điển hình là lô nhôm Trung quốc trị giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt chờ xuất Mỹ và xe Volkswagen cài đặt bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp trưng bày tại triển lãm ô tô. 

Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam - 1
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn các vấn đề "nóng" của ngành công thương vào sáng nay

Trong tổng số 77 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công Thương, có 33 đại biểu đã hoàn thành vào ngày hôm qua, 44 đại biểu còn lại sẽ tiếp tục hoạt động chất vấn. Đáng chú ý, một số vấn đề “nóng” đã được các đại biểu sớm nêu ra.

Mất thương hiệu Việt vì mua-bán, sáp nhập? 

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương): Mua bán và sáp nhập trong kinh tế thị trường (M&A) là tất yếu, tuy nhiên các thương hiệu trụ cột có khả năng dẫn dắt, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn có vốn Nhà nước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế, Sabeco là một điển hình. Nếu không có tầm nhìn chiến lược phù hợp thì sẽ tạo hệ quả khó lường cho nền kinh tế.

M&A hiện nay liệu có thất thoát tài sản vốn Nhà nước khi thoái vốn cổ phần làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường, bị đồng hoá thành thương hiệu của nhà đầu tư ngoại? Bộ trưởng có giải pháp gì để tham mưu cho Chính phủ có chính sách điều tiết làm lành mạnh hoạt động này nhằm phát huy được những trụ cột tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực? 

Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam - 2
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: “Làn sóng” M&A là một hiện tượng phổ biến trong kinh tế quốc tế hiện nay và cũng là một xu thế phát triển của các doanh nghiệp.

Trên bình diện quốc tế, chúng ta đã hội nhập, chúng ta cũng tham gia những luật chơi chung có khung khổ pháp luật và điều chỉnh chấp nhận cho phép hoạt động nên đây sẽ là một hiện tượng có tác dụng và hiệu quả tích cực cho chúng ta, kể cả chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sau khi được M&A hoặc hoặc là tái cơ cấu lại. 

Những câu chuyện để tài sản bị thất thoát thông qua thông qua quá trình cổ phần hoá do thực hiện không đúng quy định hoặc do việc chấp hành không nghiêm, thậm chí do những nguyên nhân không nắm vững cơ sở và quy định của luật pháp thì đây cũng là bài học kinh nghiệm rút ra để triển khai trong thời gian tới còn về câu chuyện cụ thể như đại biểu Quốc hội.

Nói về Sabeco hay những doanh nghiệp có thương hiệu lớn mà chúng ta cần phải giữ, chúng tôi cho rằng đây là đúng và cũng rất cần tính đến, không phải là chỗ tiếp tục duy trì những thương hiệu của Việt Nam bằng cách duy trì vai trò của Nhà nước trong những doanh nghiệp này, nhưng có lẽ chúng ta sẽ phải tính đến câu chuyện ưu tiên phát triển cho doanh nghiệp tư nhân như đã từng đề cập đến trong các nghị quyết Trung ương để coi như đây là một động lực cho phát triển của đất nước.

Quốc hội thông qua những chương trình cổ phần hoá và thoái vốn, nhất là các M&A, nhưng phải trên cơ sở của công khai, minh bạch và phù hợp với quy định của luật pháp. Đây cũng là định hướng lớn mà chúng tôi cho rằng các các cơ quan tham mưu của Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, trong đó Bộ Công thương.

Bán nhà máy nước sông Đuống

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM): Chúng ta biết nước là một trong những vấn đề an ninh, tôi cho rằng còn hơn cả lương thực. Có ý kiến phải xem lại việc thoái vốn tại các nhà máy nước. Vừa rồi bán 35% cổ phần Nhà máy nước Sông Đuống cho nhà đầu tư Thái Lan - đây là nhà máy nước sạch lớn nhất Việt Nam.

Xin Bộ trưởng cho biết thêm ý kiến về vấn đề này!

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương xin tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Khải Silk, Asanzo là điển hình gian lận thương mại

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình): Bộ trưởng Công Thương cần giải trình rõ hơn về vấn đề hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt và phòng vệ của Việt Nam.

Vấn đề quan trọng nhất Bộ trưởng chưa trả lời được đó là lỗ hổng rất lớn về pháp luật, “hàng rào” kỹ thuật chưa đủ mạnh để kiểm soát tình hình, thiếu minh bạch về quy định hàng Việt Nam đã đẩy người dân và doanh nghiệp vào thế rủi ro rất cao.

Asanzo, Khải Silk có đơn thuần là gian lận thương mại hay không? Kinh tế Việt Nam là kinh tế mở hay kinh tế "hở"? Doanh nghiệp Việt Nam “chết” ngay trên sân nhà là điều đang diễn ra, chúng ta sẽ có giải pháp gì để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hàng hoá của họ trong giai đoạn hiện nay? Đề nghị Bộ trưởng trả lời!

Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam - 3
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình)

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong một thời gian dài đã diễn ra bước đầu những hành vi có dấu hiệu gian lận thương mại và xuất xứ lừa dối người tiêu dùng, chúng ta đã từng chứng kiến vụ Khải Silk, Asanzo.

Đối với Luật Quản lý ngoại thương và Luật cạnh tranh, Bộ Công Thương đã ban hành Nghị định 31 hướng dẫn thực hiện Luật, hướng dẫn các cơ quan trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế quan.

Thủ tướng đã ký văn bản nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với tất cả các khâu xuất, nhập khẩu và đầu tư nước ngoài để chống gian lận thương mại.  Nghị định 43 quy định nội dung điều chỉnh chứng nhận nhãn mác và xuất xứ hàng hoá với sản phẩm lưu thông trong nước, giao trách nhiệm cho doanh nghiệp và đơn vị sản xuất tự kê khai nguồn gốc xuất xứ. 

Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng pháp quy về ghi chứng nhận xuất xứ với hàng hoá Việt Nam sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây là việc khó nên Bộ xin ý kiến các bộ ngành xây dựng một Thông tư mở.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Công thương lồng ghép triển khai nhiều chương trình, đề án khác để hỗ hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế. 

Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ cần phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành như tài chính, khoa học và công nghệ thông tin và truyền thông, ngân hàng.

"Truy" tiếp lô nhôm Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa): Đề cập tới lô nhôm giá 4,3 tỷ USD “đội lốt” hàng Việt, đại biểu cho rằng hai công ty tại Hongkong - Trung Quốc gửi lượng lớn nhôm vào kho ngoại quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó Công ty nhôm toàn cầu Việt Nam làm thủ tục chuyển quyền sở hữu là đúng pháp luật.

Vướng mắc hiện nay là không có quy định thời gian hàng hoá gửi tại kho ngoại quan, hàng nhập khẩu vào khu chế xuất không phải chịu thuế. Từ đó, hàng hoá nước ngoài được “tuồn” vào Việt Nam, sau một thời gian, bằng nhiều cách, một số doanh nghiệp sẽ mập mờ chuyển hoá thành hàng hoá Việt Nam.

Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính đề ra các giải pháp khắc phục, xử lý vấn đề doanh nghiệp gian lận xuất xứ và ngăn chặn có hiệu quả những vụ việc tương tự!

Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam - 4
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ việc kho nhôm ngoại quan tại Bà Rịa -Vũng Tàu, Bộ Công Thương đã nắm được sự việc này ngay từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017. Ngay ngay đầu năm 2017, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan Bộ Công an tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại thời điểm đó, chúng ta biết rằng dự án nhà máy sản xuất nhôm định hình, do hai người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc góp vốn đầu tư. Qua kiểm tra thấy rằng các hoạt động xuất khẩu nhôm này chưa có gì đột biến, bao gồm cả xuất khẩu sang các thị trường khác và thị trường Mỹ. 

Trên thực tế, 82% các sản phẩm xuất khẩu lúc đó của doanh nghiệp này xuất khẩu không phải xin cấp C/O chứng nhận xuất xứ. Hoa Kỳ lúc đó có đánh thuế đối với mặt hàng nhôm của Trung Quốc còn các thị trường khác không có thuế.

Như vậy, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ lúc đó có khối lượng rất thấp chỉ khoảng 10% tổng lượng xuất khẩu, giá trị xin cấp C/O cũng chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số 10%. Sau khi kiểm tra, Đoàn kiểm tra chưa phát hiện ra những sai phạm trong công tác cấp C/O cũng như thực tế nguồn gốc của các sản phẩm được xuất xứ Việt Nam.

Vì vậy, Bộ Công Thương cũng đã trao trao đổi với Bộ Tài chính và đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo, tăng cường giám sát các biến động bất thường liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp này cũng như lô nhôm. Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi cấp C/O phải kiểm soát thật nghiêm khắc chặt chẽ những tiêu chuẩn, tiêu chí chung chí trung trong cấp C/O xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ. 

Từ đó đến nay, hoạt động xuất khẩu từ các doanh nghiệp này đi các nước từ nguồn nhôm nhập khẩu Trung Quốc không đáng kể và hầu như không có xuất sang thị trường Hoa Kỳ và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Hoa Kỳ.

Với lo ngại tiêu thụ tại thị trường trong nước, Bộ trưởng cho biết, theo Luật Hải quan năm 2014, Kho ngoại quan là khu vực kho bãi lưu giữ hàng hoá đã làm thủ tục hải quan để xuất khẩu ra nước ngoài và hàng hoá đưa vào Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Vì vậy, cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện những biện pháp giám sát chặt chẽ, nghiêm túc với những hoạt động tại khu kho ngoại quan.

Nếu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm của doanh nghiệp này chắc chắn sẽ phải bị áp thuế tương tự như thuế nhập khẩu đối với các nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.

Vì sao nông sản ùn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc?

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An): Hiện nay, nhiều địa phương đã sản xuất chuyên canh nông sản năng suất cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn, nhưng chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như thanh long, vải…

Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới lặp đi lặp lại hết năm này đến năm khác, đặc biệt là vào những giai đoạn cao điểm, chính vụ thu hoạch. Bằng chứng là hồi tháng 10 vừa qua, hàng trăm container thanh long ùn ứ nhiều ngày tại cửa khẩu Lạng Sơn. 

Bộ trưởng có cam kết giải pháp hiệu quả triệt để nào trong thời gian tới để tìm thị trường xuất khẩu ổn định đăng ký xuất khẩu chính ngạch cho nông sản Việt Nam?  

Lo thất thoát tài sản Nhà nước, doanh nghiệp ngoại “thao túng” thị trường Việt Nam - 5
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An)

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thời gian qua rau quả trái cây là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh và trên thực tế đã phát triển mạnh tại thị trường Trung Quốc và một số thị trường quan trọng khác chứ không phải chỉ riêng Trung Quốc, kể cả Eu, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand và nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, ở đây chỉ có mấy vấn đề mà chúng tôi xin đề cập đến là rau quả trái cây phần lớn là xuất khẩu thô chưa qua chế biến nên còn vướng rất nhiều điều kiện để đảm bảo xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo sự ổn định thị trường. Việt Nam hợp tác với Trung Quốc từ rất lâu nhưng mới chỉ có 9 mặt hàng rau củ, trái cây được cấp phép xuất khẩu trực tiếp chính thức.

Việc tổ chức lại sản xuất cho rau quả, trái cây nói riêng và nông nghiệp nói chung rất quan trọng để đảm bảo năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Xuất khẩu rau quả, trái cây và nông sản, trong đó có thanh lọc thanh long chủ yếu đi vào đường chính ngạch trước kia và mới đây đã được Trung Quốc chính thức.

Tuy nhiên, nhiều hàng hoá được thông qua chủ yếu là đường biên giới cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn, vì vậy khi vào mùa vụ của các sản phẩm gây tình trạng ùn ứ, không sự phối hợp tại cửa khẩu thông quan của tỉnh Lạng Sơn với các địa phương tổ chức sản xuất mặt hàng chưa tốt. 

Điểm thông quan ở Tân Thanh và các cửa khẩu quốc tế có hạn chế về năng lực, chỉ khoảng 200 - 300 xe container/ngày, nhưng vào thời điểm cao của thời vụ có thể lên tới 500-600 xe/1 ngày, chính vì vậy đã gây ra tình trạng ách tắc, ùn ứ thông quan.

Mặc dù chúng ta đã có xuất khẩu chính ngạch nhưng khâu tổ chức sản xuất để thực hiện các hoạt động thâm nhập thị trường vẫn là thủ công và làm đơn giản mà tự chủ yếu là tự phát và thông qua các thương lái người Việt và Trung Quốc, những yêu cầu mới của phía Trung Quốc liên quan đến truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì thì lại không đảm bảo nên dẫn đến tình trạng thông quan tại cửa khẩu luôn bị vướng vào những chi tiết kỹ thuật kéo dài. 

Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Lạng Sơn để tổ chức điều phối, làm việc với bạn để nâng cao năng lực thông quan tại địa bàn nhưng cơ bản chúng tôi cho rằng các cơ quan các địa phương trong tổ chức sản xuất cần phải tiếp cận với thị trường theo đúng yêu cầu chung của họ, tập quán quốc tế. 

Các địa phương cần chủ động trong tổ chức sản xuất nguồn hàng của mình cũng như gắn với việc đảm bảo những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc cũng như đóng gói bao bì và cả những yêu cầu khác liên quan đến giao thương hàng hoá với thị trường Trung Quốc, để đảm bảo giải pháp phát triển.

Ngoài ra, một số dự án lớn về phát triển logictic tại vùng biên giới cũng như các hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho giao thương với Trung Quốc cũng đang được Bộ Công thương triển khai  chỉ đạo của Chính phủ.

*10h45, phiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với lĩnh vực công thương kết thúc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn này đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tham gia tranh luận, 10 đại biểu đã đặt câu hỏi nhưng không đủ thời gian để trả lời ở hội trường và 15 đại biểu có đăng ký nhưng chưa có đủ thời gian để chất vấn. Các đại biểu chất vấn sẽ tiếp tục gửi tới Bộ trưởng Công Thương sau phiên này.

Như Quỳnh - Phương Dung 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm