Lo sợ vì các khoản thuế và phí nội địa đang tăng mạnh
(Dân trí) - 5 tháng đầu năm, trong tổng thu ngân sách Nhà nước, số thu của các khoản thuế và phí nội địa đang tăng mạnh, trong khi đó thuế thu từ cân đối xuất nhập khẩu, dầu thô và của doanh nghiệp (DN) Nhà nước, DN FDI tăng chậm, thậm chí giảm đi bất chấp số DN thành lập mới tăng cao.
Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng qua ước đạt 416.700 tỷ đồng, tăng hơn 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, số thu nội địa trong 5 tháng qua chiếm hơn 80% số thu ngân sách, so với số thu nội địa cùng kỳ năm 2014, số thu nội địa đã tăng thêm 10%.
Thu nội địa tăng gần 50% sau 4 năm
Số thu nội địa thực tế 5 tháng năm 2017 đã tăng 47,6% so với cùng kỳ năm 2014, mức tăng rất mạnh so với 3 năm về trước. Một điểm đáng chú ý là thu dầu thô của 5 tháng qua đã giảm nhanh trông thấy so với cùng kỳ các năm trước. Nếu so với 5 tháng năm 2016, số thu dầu thô tăng 2.700 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ các năm 2015, 2014 thì mức này giảm mạnh hơn 9.600 tỷ đồng.
Mức tăng thu thuế hoạt động cân đối xuất nhập khẩu 5 tháng qua có dấu hiệu chững lại, sau 4 năm, mức tăng thu thực tế chỉ 9.800 tỷ đồng. Số thu của 5 tháng 2017 với cùng kỳ năm 2016, tăng cao nhất hơn 17.300 tỷ đồng, nhưng cũng không bằng mức tăng thu thuế nội địa cùng thời kỳ là hơn 50.700 tỷ đồng.
Trong cơ cấu thu thuế nội địa cho ngân sách Nhà nước 5 tháng qua, đáng chú ý là số thuế thu nhập cá nhân được tăng mạnh, thu thuế đất đai, thuế bảo vệ môi trường tăng rất mạnh.
Ngược lại, thuế đối với DN Nhà nước, thu thuế của khu vực DN FDI giảm hoặc, tăng khá chậm. Cụ thể, thuế sử dụng đất đai, chuyển đổi, thuế thuê đất 5 tháng qua đạt hơn 36.700 tỷ đồng, tăng 9.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tăng 17.500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Mức tăng tương ứng từ 30% và 90%.
Thuế thu nhập cá nhân đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng 5.800 so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 21%; tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2015 (tăng trên 41%). Thuế và phí bảo vệ môi trường tăng từ 4.900 tỷ đồng năm 2015 lên 12.700 tỷ đồng năm 2017, tăng gần gấp 3 lần sau 2 năm.
Chi phí cho doanh nghiệp, người dân đang tăng
Thuế và phí đối với DN nước ngoài dù vẫn chiếm phần lớn trong thu nội địa, song gia tăng không đáng kể. 5 tháng 2017 so với cùng kỳ năm trước, số thuế thu nhập DN, thuế gián thu, trực thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của DN FDI chỉ tăng 4.200 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2015, mức tăng là 10.500 tỷ đồng (tăng trưởng đạt 19%).
Đáng chú ý, mức đóng thuế của các DN Nhà nước trong 3 năm qua từ năm 2015 đến nay đã giảm đi trông thấy. Cụ thể, số thuế các ông lớn Nhà nước đóng cho ngân sách 5 tháng năm 2017 so với cùng kỳ năm 2015 đã giảm 12.300 tỷ đồng từ mức đóng góp hơn 81.500 tỷ, nay giảm còn hơn 69.000 tỷ đồng (giảm gần 10%). So với năm 2016, số thuế của khu vực này đóng góp cho ngân sách Nhà nước năm nay dù có tăng nhưng ở mức rất thấp chỉ đạt 3.400 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Thuế phí dành cho DN và người dân đang ở mức cao, điều này phản ánh tình hình thâm hụt ngân sách lớn, bội chi cao và việc giảm chi thường xuyên để giảm bội chi chưa được thực hiện tốt. Nếu tiếp tục tình trạng này, gánh nặng sẽ đè lên vai khu vực DN, khiến động lực và niềm tin kinh doanh của họ giảm sút.
"Chưa bao giờ DN Việt gặp nhiều phí và thuế thu nhiều như hiện nay, từ phí hạ tầng cảng biển, thuế thuê đất, phí môi trường xăng dầu, phí hạ tầng vận tải... Những chi phí này đang là gánh nặng, nỗi lo lớn của DN. Ngoài ra, còn có các loại chi phí không chính thức, chi phí dưới gầm bàn, các chính sách cấm, quản xuất hiện nhiều khiến DN phải đi vòng hoặc phải quan hệ thân hữu trong kinh doanh để tồn tại", TS Doanh nêu tại Hội thảo Đổi mới DN Nhà nước và Phát triển kinh tế tư nhân diễn ra ngày 30/5 tại Hà Nội.
Nguyễn Tuyền