1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lo ngại của cơ trưởng chuyến bay “giải cứu” người Việt ở Guinea Xích đạo

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - “Chuyến bay tới Guinea Xích đạo “giải cứu” người Việt không giống thông thường, 129 người bị nhiễm Covid-19 nên lo nhất là sức khoẻ của hành khách trên suốt chuyến bay có những diễn biến xấu...”.

Phi công cơ trưởng Phạm Đình Hưng - người trực tiếp chỉ huy chuyến bay đi Guinea Xích đạo lên đường sáng nay (28/7) - đã chia sẻ như vậy.

Nói về việc lựa chọn phi công tham gia chuyến bay đặc biệt này, Cơ trưởng Phạm Đình Hưng cho hay, ngay khi có thông tin về chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo, Đoàn bay 919 đã thông báo đến anh em phi công.

Với các chuyến bay giải cứu thông thường thì lãnh đạo Đoàn bay cứ phân công ai là người đó đi. Tuy nhiên, chuyến bay này có rất nhiều khách dương tính với Covid-19, do đó, việc phân công phi công thực hiện chuyến bay sẽ trên tinh thần tự nguyện.

“Tôi cũng không mấy bất ngờ khi có rất nhiều người xung phong tham gia chuyến bay. Bản thân tôi thấy thực sự rất tự hào về điều này” - nam phi công nói và cho biết tổ lái có 5 thành viên, gồm 3 cơ trưởng và 2 lái phụ. Tổ lái sẽ phải phân công, chia thời gian bay vì hành trình bay tương đối dài và phải bay tối đa giờ bay được phép.

Lo ngại của cơ trưởng chuyến bay “giải cứu” người Việt ở Guinea Xích đạo - 1

Cơ trưởng Phạm Đình Hưng - người trực tiếp chỉ huy chuyến bay đi Guinea Xích đạo

Theo cơ trưởng Phạm Đình Hưng, đường bay từ Nội Bài đi Bata là đường bay mà hàng không Việt Nam chưa từng thực hiện. Tuy nhiên, các đường bay hiện nay đều mang tính quốc tế, với kinh nghiệm 18.000 giờ bay an toàn và đã từng bay nhiều chuyến bay chuyên cơ chở các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác ở nước ngoài, trong đó có rất nhiều điểm đến chưa khai thác, nên vị cơ trưởng này có thể tự tin với việc khai thác tới một sân bay hoàn toàn mới ở Guinea Xích đạo.

“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng không hề chủ quan. Các phòng ban chuyên môn về đường bay và tài liệu bay của hãng đã gửi thông tin về đường bay này cho chúng tôi từ 3 ngày trước chuyến bay. Chúng tôi có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ vùng trời, các sân bay dự bị trên đường cũng như sân bay đến và sân bay dự bị của sân bay đến” - nam phi công thông tin.

Chia sẻ về điều lo lắng nhất trước chuyến bay này, Cơ trưởng Phạm Đình Hưng cho biết: Chuyến bay đi Bata (Guinea Xích đạo) người Việt hồi hương không giống như những chuyến bay “giải cứu” thông thường bởi vì có tới 129 trên tổng số 219 hành khách được xác định dương tính với Covid-19.

“Điều chúng tôi lo lắng nhất chính là sức khoẻ của hành khách trên suốt chuyến bay, lo ngại có những diễn biến xấu có thể xảy ra với bệnh nhân khi đang trong hành trình. Để đảm bảo an toàn cho hành khách trong cả một hành trình dài trên 13 tiếng và đặc biệt là hạn chế sự lây nhiễm thực sự là 1 thách thức vô cùng lớn.” - vị phi công cơ trưởng bày tỏ.

Người chỉ huy chuyến bay cũng đề cập tới khả năng lây nhiễm virus corona đối với phi hành đoàn, cho dù phi hành đoàn đều được trang bị áo bảo hộ đặc chủng, máy bay được chia khoang, thiết lập “vùng sạch”, lắp máy lọc không khí, hạn chế tiếp xúc tối đa…

“Rõ ràng việc hơn 100 hành khách nhiễm Covid-19 cùng ở trên một môi trường khép kín trong khoảng thời gian dài đến mười mấy giờ đồng hồ, không ai dám khẳng định điều gì.

Trên chuyến bay đặc biệt này mọi tình huống đều có thể xảy ra, các phương án đã được tính toán trước, chuẩn bị rất kỹ càng. Về chuyên môn, chúng tôi cũng rất yên tâm vì đã có các bác sĩ, điều dưỡng viên đi cùng xử lý. Nhiệm vụ chính của chúng tôi chỉ là đưa máy bay về Việt Nam an toàn” - Cơ trưởng Phạm Đình Hưng nhấn mạnh.

Được biết, Cơ trưởng Phạm Đình Hưng từng tham gia bay giải cứu công dân Việt Nam ở vùng chiến sự Libya. Vị cơ trưởng này cho biết khi đó chỉ cần bay ra khỏi khu vực xung đột là có thể yên tâm. Còn với chuyến đi Guinea này, sau khi hoàn thành chuyến bay sẽ phải cách ly, xét nghiệm và chờ đợi ít nhất 15 ngày mới có thể thực sự yên tâm.