Lỗ lớn, tập đoàn vẫn trả lương cao vì “ăn” vào vốn nhà nước

(Dân trí) - “Các tập đoàn đang trả lương “ăn” vào chi phí, tài sản nhà nước đầu tư chứ không trả lương từ lợi nhuận kinh doanh nên đơn vị làm ăn dù lỗ nhưng vẫn trả lương cao” - TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng viện Khoa học Lao động và xã hội trao đổi.

Câu chuyện EVN chi trả mức lương sung túc trong toàn hệ thống trong khi kết quả kinh doanh vẫn lỗ lớn vừa qua cũng như vấn đề lương thưởng đối lập với hiệu quả làm ăn của các tập đoàn, DNNN nói chung đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Tại sao có tình trạng “nghịch lý” như vậy, thưa ông?

Ở đây, có thể thấy rõ ràng đầu vào của các doanh nghiệp này cơ bản có nguồn từ nhà nước. Đây không phải vốn kinh doanh của anh mà là nhà nước giao cho để anh kinh doanh. Các doanh nghiệp này lại được hoạt động trong những lĩnh vực rất có ưu thế, lợi thế cạnh tranh khi sản xuất những sản phẩm có tính chất đặc biệt như khai thác tài nguyên (dầu khí, than…), kinh doanh độc quyền.

Vậy nhưng chúng ta lại chưa có cơ chế hữu hiệu kiểm soát tách bạch được rạch ròi giữa vốn chủ sở hữu và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dẫn tới tình trạng DN trả lương “ăn” vào chi phí, tài sản nhà nước đầu tư chứ không phải trả lương từ lợi nhuận kinh doanh nên DN đó làm ăn dù lỗ nhưng vẫn trả lương cao.
Lỗ lớn, tập đoàn vẫn trả lương cao vì “ăn” vào vốn nhà nước - 1
TS Nguyễn Hữu Dũng: "Tạp đoàn khi trình lương cao thì báo lãi, khi xin vốn nhà nước lại kêu lỗ".

Nói như ông, những bất cập, nghịch lý này có là do chính sách?

Có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng là có vấn đề về chính sách, cơ chế không kiểm soát được vấn đề lỗ - lãi và phân bổ đầu ra. Việc quản lý mới ở khâu đầu vào, cho tính lương theo hệ số, cơ chế đơn giá… Như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh có lỗ thì lương cũng đã chia từ đầu kia rồi. Nếu tính lương “ăn” theo giá trị gia tăng thì khi lỗ “chổng cẳng”, lấy đâu tiền chi lương.

Vậy nên mới có chuyện, doanh nghiệp tìm cách giải thích lỗ là do giá, do nhà nước không để cho giá chạy theo thị trường. Còn đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngoài ngành, nếu lỗ lại có thể giải thích đó là phần vốn của đơn vị, không phải nguồn từ ngân sách. Tất cả những lý lẽ đó không rõ ràng, ngụy biện.

Nhưng các DN bị công khai lương “khủng” trong khi kết quả kinh doanh lỗ lớn đều viện vào lý do, lương của đơn vị đã được Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính chấp thuận hay công nhận?

Bất cập chính là ở đó.

Những bất cập này làm nảy sinh cơ chế xin – cho. DN cứ lên xin và Bộ LĐ-TB&XH ký duyệt chi lương theo từng gói nên không tách bạch được các khoản lương?

Khó khăn chính là hiện nay chúng ta chưa tìm được cơ chế quản lý tách bạch, mới chỉ nhằm vào việc quản lý tiền lương nhưng vấn đề phải là quản lý đồng bộ hoạt động sản xuất kinh doanh mới giải quyết được bài toán tiền lương tổng thể cho DN.

Theo ông, đề án cải cách tiền lương lần này (cải cách tiền lương giai đạn 2013 – 2020 Bộ Nội vụ đang xây dựng) xác định cách thức tính lương cho khu vực nhạy cảm này như thế nào?

Cải cách tiền lương khối DNNN cần gắn liền với giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt giám sát kết quả đầu ra, hiệu quả sản xuất kinh doanh, bởi nếu theo cơ chế hiện nay, giám sát lương chỉ chiếm 8% doanh thu còn nhiều chục phần trăm kia không bao giờ quản được.

Đồng thời, “phải thực hiện nguyên tắc rất quan trọng là trả lương theo năng suất lao động và kết quả đầu ra của DN. Kết quả đầu ra không phải là doanh thu mà là giá trị gia tăng. Thêm nữa, phải giám sát được thu nhập bằng cách minh bạch trong hạch toán nếu không DN sẽ có 2 sổ, sẽ làm rất nhiều phương án, khi trình lương cao thì họ báo lãi, khi xin vốn nhà nước lại kêu lỗ, tức là thế nào cũng giải thích được.

Giám sát cách nào để tránh tình trạng như VNE vừa qua, mức lương chỉ được công bố khi có kết quả kiểm toán. Nếu không có chuyện lãnh đạo ngành than mức lương 7,3 triệu đồng anh em không sống nổi thì dư luận cũng khó biết, mọi chuyện sẽ “êm xuôi”?

Có nhiều giám sát nhưng quan trọng nhất là giám sát báo cáo tài chính. Đây là nghiệp vụ mà Bộ tài chính phải làm. Báo cáo tài chính phải trung thực và được kiểm định. Thứ 2 là hệ thống kiểm toán (kiểm toán nhà nước và kiểm toán độc lập).

Tiếp nữa, nhà nước có thể là điều tiết bằng thuế. Ví dụ, những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cần phải đánh thuế tài nguyên như khai thác than, dầu khí. Hay như điện, hạ tầng xây dựng nhà máy do nhà nước lo. Còn đơn vị kinh doanh khi bán điện thì phải theo mặt bằng, giá thị trường để tính sát lợi nhuận.

Điều tiết bằng công cụ thuế và tài chính sẽ ràng buộc rõ ràng, sản xuất kinh doanh hiệu quả thì mới được hưởng lương cao tương ứng. Cơ bản nhất là phải nắm được hoạt động sản xuất kinh doanh thì mới điều tiết, giảm sát được.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)