EVN: đầu tư 100 - lãi 1, lương vẫn 13,7 triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Kết quả kiểm toán EVN mà Kiểm toán Nhà nước vừa công bố cho thấy, mức lương trung bình của cán bộ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức “không đủ sống” mà Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh đưa ra trước đó.
Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ EVN trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng và thu nhập bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/người/tháng.
Nhận xét về mức thu nhập "ngất ngưởng" này, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Để đánh giá chính xác mức lương cao hay thấp cần nhìn vào hiệu quả thu được từ đầu tư của doanh nghiệp đó.
“Do đó, nếu EVN đạt được hiệu quả tốt trong đầu tư, sản xuất thì mức lương 13,7 triệu đồng/tháng không có gì đáng bàn. Nhưng nếu hiệu quả lợi nhuận của EVN không đạt yêu cầu thì đó là mức cao so với mặt bằng lương hiện nay”, ông Huân nói.
Tuy nhiên trên thực tế, EVN làm ăn thua lỗ, đầu tư quá nhiều nhưng hiệu quả quá thấp, lợi nhuận thu về chỉ bằng 1/100 so với đồng vốn bỏ ra. Theo kết quả kiểm toán, tính đến tháng 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về từ 50.000 tỷ đồng này chỉ đạt 540 tỷ đồng.
Trước đó, tại cuộc họp báo nói về giá thành sản xuất điện, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên EVN là 7,3 triệu đồng/tháng và ông than rằng, "là tổng giám đốc, tôi rất đau lòng khi lương của cán bộ tập đoàn chỉ có ngần đó".
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện thu nhập trung bình của lao động ngành dệt may, da giày chỉ đạt 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Mới đây, báo cáo tổng hợp về tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh của Bộ này cũng cho thấy, cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa theo nguyên tắc thị trường. Các tiêu chí quản lý tiền lương gắn với nộp ngân sách, lợi nhuận và năng suất lao động chưa phân biệt giữa doanh nghiệp có lợi thế và không có lợi thế. Vì thế đã dẫn đến thực trạng, những doanh nghiệp có lợi thế thường có xu hướng đẩy tiền lương gấp 2 - 3 lần bình quân chung, tạo chênh lệch ngày càng lớn.
P. Thanh – N.Linh