1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Lộ diện những khách hàng đầu tiên mua nợ xấu từ VAMC

(Dân trí) - Bên cạnh IFC của WorldBank thì TPG Growth LLC, một đơn vị thuộc công ty đầu tư tư nhân và Standard Chartered Plc cũng đã liên hệ với VAMC để thảo luận hợp tác. Tuy vậy, trong phương thức mua-bán nợ của VAMC vẫn còn rủi ro.

 
Vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu.
Vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra cho VAMC trong quá trình xử lý nợ xấu.

Những khách hàng đầu tiên

Hãng tin Mỹ Bloomberg vừa dẫn nguồn tin xác nhận từ Giám đốc quốc gia Công ty Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WorldBank) tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam cho biết, trong tuần này, IFC đã có phiên làm việc với Công ty quản lý Tài sản quốc gia (VAMC) bàn về vấn đề giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Trước đó, Tổng giám đốc VAMC, ông Nguyễn Hữu Thuỷ cho biết, “một số tổ chức quốc tế đã bày tỏ nguyên vọng cung cấp các khoản vay hoặc tài trợ cho VAMC” để VAMC hoạt động.

Bên cạnh IFC, ông Thuỷ cũng tiết lộ, TPG Growth LLC, một đơn vị thuộc công ty đầu tư tư nhân, và Standard Chartered Plc cũng đã liên hệ với VAMC để thảo luận hợp tác.

Như vậy, mối lo về "đầu ra" của VAMC mà giới quan sát lâu nay canh cánh phần nào đã được giải toả.

Kế hoạch của VAMC là sẽ mua lại tới 10.000 tỷ đồng tương đương với 474 triệu USD nợ xấu thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt cho khoảng 10 ngân hàng trong 2 tháng tới và sẽ bắt đầu quá trình này trong 2 tuần tới.

VAMC sẽ ưu tiên việc mua nợ xấu thế chấp bởi bất động sản và từ các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Nếu áp dụng tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của toàn ngành ngân hàng là 4,65% trong tháng 5/2013 thì 10.000 tỷ đồng này sẽ tương đương 6,7% tổng nợ xấu.

Nhu cầu vốn của VAMC chưa rõ ràng

Tuy nhiên, trong báo cáo phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), bà Ngô Bích Ngân lưu ý rằng, không phải khoản nợ xấu nào cũng đủ tiêu chuẩn để bán cho VAMC. Chẳng hạn, nợ xấu phải có thể chấp tối thiểu 65% bằng bất động sản (hay bất động sản đang xây dựng); hoặc dư nợ vay phải trả 3 tỷ đồng (đối với khách hàng là doanh nghiệp) và 1 tỷ đồng (đối với khách hàng cá nhân).

VAMC dự kiến xử lý 100.000 tỷ đồng nợ xấu trong vòng 5 năm tới, tương đương 70% giá trị nợ xấu theo báo cáo tính đến cuối tháng 5/2013. Tất nhiên, trong 5 năm tới, hệ thống ngân hàng sẽ còn xuất hiện những khoản nợ xấu mới.

Ông Fiachra Mac Cana – Giám đốc điều hành, Phụ trách nghiên cứu tại Chứng khoán TPHCM (HSC) lại cho rằng, khoảng 10.000 tỷ đồng mà Tổng giám đốc VAMC đưa ra khiêm tốn hơn so với những con số được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, đây là nhận định có tính khả thi đầu tiên sau khi VAMC được thành lập và do đó đây là thông tin đáng khích lệ. HSC cũng ước tính đến cuối năm, VAMC sẽ mua được 40.000 tỷ đồng nợ xấu.

Đánh giá về phương thức mua nợ của VAMC, ông Fiachra Mac Cana đánh giá, do VAMC không thực sự mua phần lớn nợ xấu (mặc dù công ty này sẽ làm như vậy nếu khoản nợ đáp ứng được một số tiêu chí nhất định) mà thay vào đó là hoán đổi nợ (thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) nên nhu cầu vốn của VAMC trong tương lai hiện vẫn chưa rõ ràng.

Vẫn còn nhiều vấn đề và rủi ro đạo đức

Theo ông Fiachra Mac Cana, vẫn chưa có nhiều thông tin về quá trình bán nợ cũng như cách thức diễn ra. Với nợ của các ngân hàng được mua theo giá trị sổ sách, thì quá trình bán nợ sẽ phải rất coi trọng việc xác định giá trị thị trường của khoản nợ. 

Có 4 vấn đề ở đây là quá trình định giá tài sản đảm bảo sẽ chỉ diễn ra khi tiến hành bán nợ. Hai là, với rất ít giao dịch trên thị trường BĐS cộng với việc hạn chế về thông tin của các giao dịch, thì sẽ thiếu thông tin cho quá trình định giá. Trong nhiều trường hợp các đơn vị định giá BĐS sẽ đưa ra kết quả định giá mang tính chủ quan. Và vấn đề cuối cùng là người mua nợ sẽ đặt giá mua thấp do có sự không chắc chắn về giá trị của khoản nợ. 

Hiện vẫn chưa rõ VAMC sẽ đạt ra mức giá bán tối thiểu cho mỗi lần bán nợ hay chỉ đơn giản chấp nhận mức giá chào mua tốt nhất cho khoản nợ xấu được chào bán. Tuy nhiên, theo ông Fiachra Mac Cana, để đặt ra giá bán tối thiểu thì VAMC phải ước tính được sơ bộ giá trị của tài sản đảm bảo và điều này sẽ gặp phải những khó khăn nêu trên (thiếu giao dịch trên thị trường để làm cơ sở định giá). 

Trái lại, nếu VAMC chỉ đơn giản chấp nhận mức giá chào mua cao nhất thì có khả năng nợ xấu sẽ phải bán với giá rất thấp, theo đó sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC trước đó. 

Trên thực tế, Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) của Bộ Tài chính và các AMC (công ty quản lý tài sản) của các ngân hàng đều đã phải xử lý những vấn đề này trong những năm qua nên có thể có một số kiến thức trong ngành về cách thức bán tài sản đảm bảo. 

Tuy nhiên, cả DATC và AMC của các ngân hàng không có quy mô lớn như VAMC. Đây cũng là vấn đề khó khăn và cần phải chờ thêm những thông tin chi tiết về cách thức VAMC sẽ xử lý vấn đề này. Dẫu sao, vấn đề này cũng chỉ nảy sinh sau khi VAMC mua xong nợ xấu từ các ngân hàng vì chỉ khi đó vấn đề quản lý/bán nợ mới phát sinh – ông Fiachra Mac Cana nhận định.

Theo ông, thị trường chắc chắn sẽ phản ứng tích cực khi khoản nợ xấu đầu tiên được VAMC mua vì đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy giải pháp giải quyết nợ xấu đã bắt đầu được thực thi trong thực tế. 

Vai trò ban đầu của VAMC sẽ là tập trung ổn định các ngân hàng yếu kém. Có một vấn đề đáng quan tâm được đặt ra ở đây là, đồng thời với việc mua nợ xấu liệu các TCTD này có được tái cấu trúc hay không, trong đó bao gồm cả thay đổi quản lý tại các TCTD này? Bằng không, có thể có rủi ro tiềm ẩn về đạo đức nghề nghiệp ở đây – Giám đốc điều hành phụ trách nghiên cứu tại HSC khuyến cáo.

Tính tới 11h ngày 8/8/2013, trên thị trường chứng khoán, sau thông tin mới nhất về VAMC, VN-Index đã tăng 0,27% lên 501,47 điểm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm