Lỗ “chất” trên 1.200 tỷ đồng: Bi kịch cuối năm của “Bông hồng vàng” Thuận Thảo

(Dân trí) - Dù đã nỗ lực giảm lỗ trong quý IV/2018, tuy nhiên, việc kinh doanh thua lỗ chồng thua lỗ, nợ vay “ngập đầu” đã khiến Thuận Thảo ghi nhận tới 1.242 tỷ đồng lỗ luỹ kế vào cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu âm 795 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu “âm” càng ngày càng nặng

Bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thuận Thảo vừa có công văn giải trình về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018.

Bà Thanh cho biết, trong quý IV/2018, với việc thắt chặt các mảng kinh doanh không hiệu quả nên Thuận Thảo đã giảm được 8,31% tổng chi phí kinh doanh (bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) xuống còn 44,86 tỷ đồng.

Tuy vậy, cũng bởi sự thắt chặt nói trên nên doanh thu hoạt động kinh doanh của công ty này lại bị giảm mạnh tới 35,49% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng. Thu không đủ bù chi dẫn tới lợi nhuận thuần của doanh nghiệp tiếp tục rơi vào tính trạng âm.

thuan thao.jpg

Doanh nghiệp của bà Võ Thị Thanh vẫn đang phải "vùng vẫy" trong những con số thua lỗ, nợ nần khổng lồ, dai dẳng

Thuận Thảo ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý IV/2018 gần 40,86 tỷ đồng. Dẫu vậy, công ty cũng đã giảm lỗ được 1,86 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Cộng thêm phần lãi khiêm tốn từ hoạt động khác, Thuận Thảo báo lỗ trước thuế cũng như lỗ sau thuế trong quý IV là 40,58 tỷ đồng, giảm lỗ 5,17 tỷ đồng tương ứng giảm lỗ 11,3% so cùng kỳ 2017.

Như vậy, tính đến ngày 31/12/2018, Thuận Thảo đã ghi nhận gần 1.241,7 tỷ đồng lỗ lũy kế. Qua đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này âm đến 794,8 tỷ đồng.

Trước tình trạng kinh doanh thua lỗ triền miên, bà Võ Thị Thanh cho biết, nguyên nhân do các tài sản của công ty đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi đó lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn vốn đầu tư nâng cấp, đầu tư bổ sung để phát huy hiệu quả kinh doanh.

Tổng tài sản của Thuận Thảo theo ghi nhận tại báo cáo tài chính chỉ còn hơn 747 tỷ đồng vào cuối năm 2018, trong đó, tài sản cố định đã chiếm gần 95%, tương ứng 707 tỷ đồng.

Việc tái cấu trúc không thực sự hiệu quả

Bà chủ Thuận Thảo cũng lý giải thêm rằng, việc đầu tư dự án Khu du lịch Sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Dự án khách sạn đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, lượng khách ngoài tỉnh hạn chế, các dự án đầu tư tại tỉnh Phú Yên chậm hoặc không triển khai nên việc khai thác không hiệu quả.

Đáng chú ý, bà Võ Thị Thanh – “bông hồng vàng” một thuở còn đưa ra nguyên nhân thua lỗ là do chưa khai thác hết lợi thế của Thuận Thảo về thương hiệu. Trong bối cảnh đó, ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh với lợi thế kinh doanh mới và hiện đại.

Tại thời điểm 31/12/2018, Thuận Thảo có 400 tỷ đồng cho vay và gần 54 tỷ đồng phải thu khác đối với CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn. Thế nhưng, tất cả số tiền kể trên đều phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi.

Bà Võ Thị Thanh cho biết, nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ từ những năm trước nhưng thu hồi không được nên đã ảnh hưởng đến nguồn vốn dẫn đến tình hình tài chính khó khăn. Công ty lại không còn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế dẫn đến phát sinh chi phí chậm nộp thuế, lãi vay... Theo đó, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước lên đến gần 126 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018.

Tại thời điểm kết thúc năm 2018, Thuận Thảo đang còn hơn 540 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và gần 106 tỷ đồng nợ vay dài hạn, giảm không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Chưa hết, doanh nghiệp này còn gần 717 tỷ đồng chi phí lãi vay ngân hàng phải trả.

Lãnh đạo công ty này thừa nhận, việc tái cấu trúc công ty chưa thật sự mang lại hiệu quả. Trong khi đó, Thuận Thảo vẫn chịu các khoản chi phí bất biến như chi phí tiền lương, chi phí khấu hao, chi phí quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là chi phí tài chính, chi phí chậm nộp thuế.

Để khắc phục những khó khăn về mặt tài chính, bà Võ Thị Thanh cho biết sẽ thực hiện thanh lý, chuyển nhượng tài sản để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân; đồng thời xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng theo đúng luật định.

Công ty sẽ tập trung thu hồi các công nợ để có vốn đầu tư. Ưu tiên thực hiện nghĩa vụ về thuế và các chính sách cho người lao động (lương, BHXH,…).

Ngoài ra, bà Thanh cho biết sẽ tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh – liên kết để huy động nguồn vốn. Cùng với đó, cố gắng kiện toàn hệ thống quy trình, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, tiết giảm chi phí.

Mai Chi

bannerchanbai-1547856639383.gif