“Bông hồng vàng Thuận Thảo”: Chìm trong nợ, thua lỗ đến âm cả vốn chủ sở hữu!

(Dân trí) - Khoản lỗ lũy kế vượt 1.200 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của Thuận Thảo đến cuối quý III vừa qua bị âm tới 754,3 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn tăng mạnh lên gần 1.400 tỷ đồng và gấp hơn 100 lần tài sản ngắn hạn!

Việc vực dậy Thuận Thảo từ trong thua lỗ, nợ nần là cả một thách thức với nữ đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh
Việc vực dậy Thuận Thảo từ trong thua lỗ, nợ nần là cả một thách thức với nữ đại gia Phú Yên Võ Thị Thanh

Giảm lỗ nhờ bán tài sản

Báo cáo tài chính quý III/2018 của Công ty CP Thuận Thảo (mã GTT) cho thấy, trong kỳ vừa rồi, doanh thu của Thuận Thảo bị giảm mạnh tới gần 19% tương ứng giảm gần 2,4 tỷ đồng so với cùng kỳ, chỉ đạt 10,3 tỷ đồng. Theo giải trình của bà Võ Thị Thanh thì nguyên nhân chủ yếu là trong kỳ này, công ty có thắt chặt các mảng kinh doanh không hiệu quả.

Theo đó, tổng chi phí kinh doanh (bao gồm cả giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp) cũng được tiết giảm 2,78% (tương ứng giảm gần 1,5 tỷ đồng).

Dù vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý III/2018 của Thuận Thảo vẫn tiếp tục ghi nhận âm 41,95 tỷ đồng, tăng lỗ so với quý III/2017 tới 903,7 triệu đồng, tương ứng tăng lỗ 2,2%.

Nhờ phát sinh thanh lý tài sản cố định nên Thuận Thảo có khoản thu nhập khác trị giá hơn 5 tỷ đồng. Vì có thêm phần giá trị còn lại của tài sản cố định thanh lý nên chi phí khác trong quý III cũng tăng lên 4,82 tỷ đồng, tăng 3,46 tỷ đồng so với quý III/2017.

Tình trạng này dẫn đến việc Thuận Thảo tiếp tục báo lỗ 41,7 tỷ đồng, dù con số lỗ đã được giảm nhẹ 1,51% tương ứng giảm hơn 641 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, đẩy lỗ lũy kế đến 30/9/2018 lên 1.201,1 tỷ đồng.

Thừa nhận sai lầm

Trong văn bản giải trình, bà Võ Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty này cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do các tài sản của Thuận Thảo đã hoạt động nhiều năm, xuống cấp, trong khi đó công ty lại khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để có nguồn đầu tư nâng cấp, đầu tư bổ sung để phát huy hiệu quả kinh doanh.

“Việc đầu tư của dự án Khu du lịch Sinh thái dàn trải, dịch vụ trùng lắp, cơ sở hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Dự án khách sạn đầu tư với tiêu chuẩn quá tầm so với thị trường địa phương, lượng khách ngoài tỉnh hạn chế do hạn chế sản phẩm du lịch của tỉnh, các dự án đầu tư tại tỉnh Phú Yên chậm hoặc không triển khai nên việc khai thác không hiệu quả”, bà Thanh thừa nhận sai lầm của mình trong kinh doanh.

Ngoài ra, “bông hồng vàng” một thời cũng cho biết, Thuận Thảo chưa khai thác hết lợi thế về thương hiệu, trong khi ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh với lợi thế kinh doanh mới và hiện đại.

Dù đã nỗ lực trong công tác thu hồi công nợ từ những năm trước, nhưng theo bà Thanh, việc thu hồi không được nên ảnh hưởng đến nguồn vốn, dẫn đến tình hình tài chính khó khăn. Công ty lại không còn vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, không cân đối được nguồn vốn trả nợ thuế, ngân hàng… dẫn đến phát sinh chi phí chậm nộp thuế, lãi vay.

Việc tái cấu trúc của Thuận Thảo, theo thừa nhận của “nữ tướng” Võ Thị Thanh cũng chưa thật sự mang lại hiệu quả trong khi công ty vẫn chịu các khoản chi phí bất biến như chi phí tiền lương, chi phí khấu hao, chi phí quản lý doanh nghiệp và đặc biệt là chi phí tài chính, chi phí chậm nộp thuế.

Để xử lý những khó khăn về tài chính, nữ đại gia Phú Yên cho biết sẽ thanh lý, chuyển nhượng tài sản của các dự án, chuyển nhượng một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ cá nhân, đồng thời xử lý các tài sản thế chấp hiện đang vay vốn tại các ngân hàng theo đúng luật định, có nguồn vốn để tái cấu trúc, đầu tư sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp các lĩnh vực còn lại tạo sự ổn định trong sản xuất kinh doanh.

Công ty cũng có kế hoạch tập trung thu hồi các công nợ để có vốn đầu tư, ưu tiên thực hiện nghĩa vụ thuế và các chính sách cho người lao động, BHXH. Tìm nhà đầu tư, hợp tác liên doanh – liên kết để huy động nguồn vốn tiến hành hợp tác kinh doanh…

Theo dữ liệu tại báo cáo tài chính, đến 30/9, Thuận Thảo có 755,8 tỷ đồng tổng tài sản, giảm hơn 8% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả lại tăng lên 1.510,1 tỷ đồng, tăng 3,7%. Riêng nợ ngắn hạn đã là 1.393,76 tỷ đồng, chiếm tới 92,3% trong tổng nợ phải trả, gấp 107 lần tài sản ngắn hạn!

Khoản lỗ lũy kế vượt 1.200 tỷ đồng đã ăn mòn vốn chủ, khiến vốn chủ sở hữu của Thuận Thảo đến cuối quý III vừa qua bị âm tới 754,3 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, hiện cổ phiếu GTT của Thuận Thảo hiện chỉ có mức giá rất bèo bọt 300 đồng và thanh khoản hầu như “đóng băng” trong thời gian dài.

Mai Chi

“Bông hồng vàng Thuận Thảo”: Chìm trong nợ, thua lỗ đến âm cả vốn chủ sở hữu! - 2