1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lỗ 2 năm, “trảm” CEO là quá muộn

Quy định sa thải lãnh đạo nếu để DN thua lỗ 2 năm liền là không mới vì trước đây đã có nhưng không thực hiện được vì thiếu cơ chế.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thay thế Nghị định 101/2009/NĐ-CP. Một nội dung quan trọng của dự thảo nghị định có thể làm thay đổi đáng kể hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) là quy định tổng giám đốc (CEO) có thể bị sa thải nếu để DN lỗ 2 năm liền.

Vốn lớn, lỗ nhiều!

Sở dĩ Chính phủ tập trung sửa đổi hàng loạt cơ chế liên quan đến hoạt động của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước là do hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực được nắm giữ.

Tính đến hết năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011, trong đó tài sản cố định chiếm tỉ trọng bình quân 43,7%. Khu vực DN này hoạt động trong tất cả các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như dầu khí, viễn thông, GTVT, công nghiệp, nông nghiệp… Tuy nhiên, DNNN được rót vốn lớn nhưng lỗ cũng nhiều. Tính đến hết năm 2012, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước lỗ phát sinh khoảng 2.253 tỉ đồng, còn lỗ lũy kế của các năm cộng lại đã lên đến 17.730 tỉ đồng, trong đó có một số DN lỗ liên tiếp từ năm 2011-2012.

Lỗ 2 năm, “trảm” CEO là quá muộn
Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã lỗ tới 86.000 tỉ đồng. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN, dự thảo nghị định đã đưa ra cơ chế mới là CEO sẽ bị miễn nhiệm khi không đạt chỉ tiêu tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giao trong 2 năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được.

Theo dự thảo nghị định, điều lệ của công ty mẹ phải quy định nhiệm kỳ của CEO không quá 5 năm.

Vẫn theo tư duy cũ

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng quy định sa thải lãnh đạo nếu để DN thua lỗ 2 năm liền là không mới vì trước đây đã có nhưng không thực hiện được vì thiếu cơ chế. Trong dự thảo nghị định, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã đưa ra cơ chế đánh giá độc lập về kết quả thực hiện mục tiêu đầu ra, năng suất lao động và tiết giảm chi phí.
 
Trên cơ sở đó, chủ sở hữu có thể thuê một tổ chức độc lập đến “đo” các chỉ tiêu này để đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ của tổng giám đốc. Ý tưởng này là phù hợp với kiến nghị của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về quản trị công ty hiện đại. “Đây là một cách tiếp cận tốt hơn so với cơ chế hiện hành” - TS Doanh nhận định.
 
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng dự thảo này vẫn theo tư duy cũ, không có khả năng tạo sắc thái mới cho khu vực DNNN. “2 năm thua lỗ thì đã có thể phá sập công ty, lúc đó mới tính chuyện sa thải CEO là quá muộn” - TS Cung nói.
 
Đó là chưa kể đến tình huống hội đồng thành viên phải phân tích lỗ do khách quan hay chủ quan, nếu chứng minh được lỗ do khách quan thì mới được sa thải, như vậy là bước sang năm tài chính thứ 3 và trong thời gian này, DN không thể phát triển vì CEO cũ trong tâm trạng không làm gì, trong khi muốn cử người mới vào thay thế cũng không được.
 

Không dung dưỡng người thiếu năng động

Theo TS Nguyễn Đình Cung, phải coi CEO như người làm thuê, có thể bị sa thải bất cứ lúc nào, không nhất thiết khi có “tội” mới xử. Cần có quy định quyết liệt hơn, không dung dưỡng những người thiếu năng động, sáng tạo, còn trường hợp gây ra những cú sốc thì phải có sự can thiệp ngay. “DN xây dựng để sập nhà, cầu đang thi công như đã xảy ra trong thực tế mấy năm gần đây, gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan chủ quản có thể sa thải ngay CEO vì đã không duy trì được uy tín và làm hỏng hình ảnh DN” - ông Cung ví dụ.

 
Theo Tô Hà
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm