1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Lỗ 1.809 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai bị kiểm toán “khui” hàng loạt vấn đề

(Dân trí) - Bên cạnh khoản lỗ tăng thêm 200 tỷ đồng sau kiểm toán, lên 1.809 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai còn bị chỉ ra hàng loạt vấn đề trên báo cáo tài chính, thậm chí bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã chứng khoán: HAG) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 được kiểm toán bởi Ernst & Young Việt Nam (E&Y) với kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh.

Cụ thể, trong năm vừa rồi, HAGL ghi nhận doanh thu giảm tới 61% so với năm 2018, đạt 2.075 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm tới 90%, đạt 228 tỷ đồng. Lỗ trước thuế sau khi kiểm toán là 1.905 tỷ đồng và lỗ sau thuế 1.809 tỷ đồng, lần lượt tăng lỗ so với báo cáo do doanh nghiệp này tự lập là 162 tỷ đồng và 200 tỷ đồng.

HAGL đã có báo cáo giải trình về sự chênh lệch này. Theo đó, lãnh đạo HAGL cho biết, nguyên nhân chủ yếu do kiểm toán viên đã đề nghị trích thêm chi phí dự phòng liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh của công ty con.

Lỗ 1.809 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai bị kiểm toán “khui” hàng loạt vấn đề - 1

Doanh nghiệp của bầu Đức vẫn đang gặp nhiều khó khăn

Tại báo cáo này, kiểm toán viên của E&Y còn nêu ra hàng loạt vấn đề đối với công ty do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cụ thể, nêu cơ sở ý kiến ngoại trừ đối với bản báo cáo tài chính, kiểm toán viên cho biết, vào ngày 31/12/2019, HAGL đã ghi nhận các khoản phải thu tồn đọng với gần 10.505 tỷ đồng, tăng so với mức 7.595 tỷ đồng cuối năm 2018.

Dựa trên các thông tin hiện có, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập đầy đủ bằng chứng để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng vào ngày 31/12/2019 gần 5.669 tỷ đồng trong tổng số dư nợ trên (con số ngày ngày 31/12/2018 là hơn 2.593 tỷ đồng). Do đó không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục này hay không và các ảnh hưởng nếu có trên báo cáo kết thúc 31/12/2019.

Ngoài ra, kiểm toán viên cũng chỉ ra HAGL đã giảm chi phí khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tính đến 31/12/2018 số tiền trên 335 tỷ đồng căn cứ theo Nghị định 20/2017. Song đến năm 2019, tập đoàn này lại không ghi nhận dự phòng thuế TNDN tương tự với số tiền ước tính hơn 147 tỷ đồng do việc HAGL đã áp dụng các nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20/2017 mặc dù dự thảo này chưa được phê duyệt chính thức.

Theo đó, kiểm toán E&Y cho rằng, nếu HAGL ghi nhận chi phí thuế TNDN theo quy định hiện hành cho năm 2019 và không hoàn nhập chi phí thuế TNDN đã ghi nhận các năm trước đó, thì chỉ tiêu “chi phí khác” sẽ tăng với số tiền trên 335 tỷ đồng, chỉ tiêu “chi phí thuế TNDN hiện hành” sẽ tăng trên 147 tỷ đồng, chỉ tiêu “lỗ trước thuế” và “lỗ sau thuế” sẽ tăng với số tiền lần lượt là hơn 335 tỷ đồng và gần 483 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu “lỗ lũy kế” và chỉ tiêu “thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” sẽ tăng cùng số tiền 483 tỷ đồng.

Ghi nhận trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2019, HAGL đã thoát lỗ luỹ kế với khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 291 tỷ đồng. Song nếu như hạch toán lại theo ý kiến nêu trên của kiểm toán viên thì HAGL vẫn đang lỗ luỹ kế 192 tỷ đồng.

Lỗ 1.809 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai bị kiểm toán “khui” hàng loạt vấn đề - 2

Tài sản ngắn hạn của HAGL đã tăng đáng kể so với 1 năm trước nhưng vẫn thấp hơn nợ ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng

Nếu ý kiến với báo cáo tài chính của HAGL, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến tình trạng nợ ngắn hạn của HAGL tại ngày 31/12/2019 đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 1.016 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ ngắn hạn của HAGL vào cuối năm 2019 là 8.090 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 13.137 tỷ đồng tại ngày 31/12/2018, tuy nhiên, vẫn rất lớn so với tài sản ngắn hạn là 7.074 tỷ đồng.

“Các điều kiện này cùng với những vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn” - kiểm toán E&Y cho biết.

Trong văn bản giải trình của HAGL, lãnh đạo tập đoàn này cũng lý giải, lỗ trước thuế năm 2019 của tập đoàn là 1.905 tỷ đồng, bao gồm lỗ kinh doanh 568 tỷ đồng và lỗ khác hơn 1.337 tỷ đồng. Đáng chú ý, một trong những yếu tố hình thành lỗ là chi phí tài chính lên tới 1.964 tỷ đồng.

Khoản lỗ khác do HAGL đã thực hiện đánh giá các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí đầu tư vườn cây cọ dầu, cao su vào chi phí do chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái.

Trong năm, HAGL bị sụt giảm khoảng 2.147 tỷ đồng lợi nhuận gộp do doanh thu từ trái cây giảm. Tập đoàn này đã không còn hợp nhất doanh thu trái câu từ nhóm Công ty Đông Dương, Công ty cổ phần Cao su Trung Nguyên và doanh thu cung cấp dịch vụ cho thuê và dịch vụ khác từ khu phức hợp HAGL - Myanmar.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm