1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Liệu Mỹ có dám đưa Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán đồng USD?

(Dân trí) - Một lo ngại mới bất ngờ nổi lên với Bắc Kinh là liệu Mỹ có lạm dụng sức mạnh của đồng USD để đả thương Trung Quốc sau kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông hay không?

Liệu Mỹ có dám đưa Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán đồng USD? - 1

Có mối lo ngại ở Bắc Kinh rằng, Mỹ có thể hành động đưa Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Mặc dù xác suất này để Trung Quốc bị đối xử như Nga hay Iran là rất thấp và Tổng thống Mỹ Trump không đề cập các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính Trung Quốc hay Hồng Kông, song rủi ro về một cuộc chiến tranh tài chính - bao gồm cả việc bị Mỹ cắt khỏi hệ thống thanh toán đồng USD – không còn là điều “không thể tưởng tượng” đối với Trung Quốc.

Theo các quan chức và các nhà phân tích, nếu Washington cắt hệ thống tài chính và doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la Mỹ, được củng cố bởi hạ tầng thanh toán quốc tế Swift và hệ thống thanh toán liên ngân hàng Chips, thì có thể gây ra một “cơn sóng thần tài chính” trên toàn cầu.

“Đây rõ ràng là giải pháp mang tính ‘hạt nhân’ của Mỹ”, một quan chức Trung Quốc nói tại cuộc hội thảo nội bộ về cách đối phó của Bắc Kinh đối với các phản ứng của Mỹ về việc áp Luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông. “Điều này sẽ làm tổn thương Trung Quốc, nhưng cũng có thể khiến Mỹ thiệt hại nặng hơn”.

Tuy nhiên, quan chức dấu tên này cho rằng, kịch bản này có xác suất thấp và là phương sách cuối cùng.

Giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ như một phương thức thanh toán cho hầu hết các hoạt động đầu tư, tài chính và thương mại quốc tế. Trong đó, các định chế tài chính tại Hồng Kông đóng vai trò cửa ngõ.

Ngược lại, việc sử dụng đồng đô la Mỹ của Trung Quốc đã giúp Mỹ duy trì vị thế và giá trị của đồng bạc xanh trên hệ thống thanh toán quốc tế.

Tuy vậy, quan điểm của Bắc Kinh về đồng đô la Mỹ rất phức tạp. Một mặt, hiện Trung Quốc đang sở hữu kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, trong đó một nửa là bằng đồng đô la Mỹ. Bắc Kinh cũng coi đồng đô la Mỹ như là một loại tài sản chiến lược. Mỗi người dân chỉ được đổi tối đa 50.000 USD/năm và kiểm soát chặt các doanh nghiệp chuyển đồng đô la Mỹ ra khỏi đất nước.

Mặt khác, trong thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn cố gắng để làm suy yếu đồng đô la Mỹ. Năm 2009, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đề xuất một loại tiền tệ mới để thay thế đồng đô la Mỹ.

Trung Quốc khuyến khích sử dụng đồng Nhân dân dân tệ trong các giao dịch thương mại như các giao dịch hợp đồng dầu thô ở thị trường Thượng Hải. Nước này cũng đã phát triển hệ thống thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ xuyên biên giới.

Tuy nhiên, những nỗ lực này chỉ đạt được một số thành công nhất định khi đồng đô la Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thương nhân, nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.

Việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế vẫn hạn chế so với đồng đô la Mỹ. Theo số liệu mới nhất từ hệ thống Swift, đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 1,66% trong các giao dịch thanh toán quốc tế, trong khi đồng USD là 43%.

Ngoài ra, hơn 70% đồng Nhân dân tệ sử dụng trong thanh toán quốc tế là diễn ra tại Hồng Kông, nơi có hệ thống tài chính và tiền tệ riêng biệt so với đại lục. Bởi đồng đô la Hồng Kông hiện đang được chốt bằng đô la Mỹ và có thể tự do chuyển đổi sang các loại tiền tệ khác, như một phương tiện để Trung Quốc tiếp cận vốn toàn cầu.

Vì vậy, Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ sẽ làm suy yếu hoặc thậm chí phá vỡ liên kết này, tước đi quyền tiếp cận vốn toàn cầu của Trung Quốc, khi làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính quốc tế của Hồng Kông.

Trước đó, Mỹ cũng đã áp lệnh trừng phạt tài chính đối với một số công ty và ngân hàng Trung Quốc. Trong đó công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - Zhuhai Zhenhua – đã bị trừng phạt vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Ngân hàng Kunlun cũng bị cắt khỏi hệ thống thanh toán của Mỹ. Tuy nhiên, những biên pháp trừng phạt này chỉ nhằm vào các doanh nghiệp đơn lẻ chứ chưa mang tính hệ thống.

Ông Francis Lui Ting-ming, giáo sư tại Đại học Khoa học Hồng Kông, cho rằng: Việc cắt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đô la sẽ gây tác dụng ngược, vì Washington vẫn cần Bắc Kinh tiếp tục mua nợ khi nợ quốc gia của Mỹ đang tăng nhanh.

Theo số liệu mới nhất của Kho bạc Mỹ, hiện Trung Quốc đang nắm 1.100 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, chiếm 4,4% tổng nợ quốc gia của Mỹ.

Do đó, nếu Mỹ cắt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đồng đô la Mỹ, Bắc Kinh sẽ tăng tốc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và đẩy nhanh nỗ lực tạo ra một hệ thống tiền tệ toàn cầu không phụ thuộc vào đồng bạc xanh của Mỹ.

“Mỹ có thể bắt nạt Iran và Venezuela khi họ không có sức mạnh tài chính và chính trị. Nhưng với quy mô và tiền tệ quá lớn của Trung Quốc, Mỹ sẽ không dám thực hiện các biện pháp cực đoan như vậy”, ông Lui nói.

Nhật Linh

Theo SCMP