"Liên hoàn cước" chống đô-la hóa của NH Nhà nước
Việc Ngân hàng Nhà nước đầu tháng 6 này đồng thời tung ra nhiều biện pháp nhằm loại bỏ tình trạng USD hóa trong nền kinh tế được giới chuyên gia đánh giá là rất chủ động, linh hoạt và triệt để.
Thưa ông, ông có đánh giá gì về những biện pháp mới ban hành đầu tháng 6 này của Ngân hàng Nhà nước?
Nếu như lộ trình cắt giảm đầu tư công của Chính phủ bị đánh giá là không ổn, lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì triển khai quá ì ạch và chậm chạp, thì lộ trình chống USD hóa lại rất được giới chuyên gia hoan nghênh và đang triển khai đúng hướng, linh động và kịp thời. Đặc biệt là những biện pháp mới được Ngân hàng Nhà nước tung ra đồng thời trong đầu tháng 6 này, bao gồm tăng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc tại các ngân hàng, và giảm trần lãi suất huy động USD.
Tôi cho rằng đây là một "đòn" rất hay của Chính phủ, có thể gọi là đòn liên hoàn cước khi tung ra nhiều đòn liên tục cùng một lúc, vừa ép cung vừa ép cầu lên tỷ giá USD. Mục đích của các giải pháp này là giải quyết triệt để việc găm giữ ngoại tệ và loại bỏ việc đầu cơ USD, bằng cách làm cho đồng USD ngày càng giảm tính hấp dẫn đi, để tiến tới mục đích cuối cùng là chống tình trạng USD hóa trên thị trường Việt Nam.
Ông có thể phân tích cụ thể hơn?
Với các giải pháp đồng thời trên, đồng USD ngay lập tức giảm hẳn tính hấp dẫn đối với cả phía doanh nghiệp, cá nhân và ngân hàng. Cụ thể, việc các tổ chức tín dụng phải nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc lên thêm 1% sẽ khiến phí vốn ngân hàng tăng, như vậy các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất cho vay USD lên để bù vào. Điều này sẽ khiến khách hàng muốn vay USD ngày càng chùn chân. Hơn nữa, ngân hàng huy động ngoại tệ càng nhiều thì dự trữ ngoại tệ càng lớn, mà số lượng ngoại tệ dự trữ này không mang lại đồng lãi nào cho ngân hàng, xem như là đồng tiền chết.
Như vậy, ngân hàng sẽ không mặn mà với việc huy động USD nữa. Còn về phía người gửi USD là các cá nhân và tổ chức, khi lãi suất đầu vào giảm mạnh thì không ai muốn găm giữ USD làm gì, nhiều người sẽ tính toán tới việc đổi sang VND để gửi nhà băng. Như vậy, với các biện pháp liên hoàn này, Ngân hàng Nhà nước đã đồng thời gây áp lực lên cả 2 phía cung và cầu ngoại tệ, đưa tỷ giá USD về tình thế cung và cầu gặp nhau, nên hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ và tâm lý ôm USD.
Theo ông, các biện pháp này sẽ tác động như thế nào tới tỷ giá USD thời gian tới, và tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu? Liệu giá USD giảm có khiến tình hình xuất khẩu gặp khó khăn?
Nên nhớ rằng các biện pháp trên là những bước đi nằm trong lộ trình chống USD hóa trong nền kinh tế của Chính phủ, thế nên mục đích cuối cùng là sự bình ổn của tỷ giá, chứ việc tỷ giá lên cao hay thấp không quan trọng. Tất nhiên tác động trước mắt là tỷ giá USD sẽ giảm dần, điển hình là tỷ giá USD liên ngân hàng hôm nay tiếp tục giảm xuống còn 20.633 đồng, mức thấp nhất kể từ ngày 11/2 (ngày thu hẹp biên độ từ +/-3% xuống +/-1% và tăng tỷ giá thêm 9,3%). Còn tỷ giá sẽ giảm về mức nào thì chưa nói trước được. Cái quan trọng ở đây là doanh nghiệp cần sự bình ổn của tỷ giá để yên tâm làm ăn.
Còn với các doanh nghiệp xuất khẩu, người ta cứ cho rằng USD giảm thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ "chết", nhưng thực tế rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu lại dùng nguyên liệu ngoại nhập. Theo một thống kê, hàng Việt Nam xuất khẩu sử dụng tới 80 - 90% là nguyên liệu ngoại nhập. Vậy nên nếu xuất khẩu tăng thì nhập siêu cũng tăng theo. Lịch sử điều hành kinh tế vĩ mô tại Việt Nam cho thấy, mỗi lần đẩy giá USD lên đều tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Vì vậy, tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng, nếu tỷ giá USD giảm thì từ nay đến cuối năm không xuất hàng được.
Tại sao tới lúc này, các biện pháp chống USD hóa trên mới được tung ra dồn dập, đồng thời và mạnh mẽ, mà không phải là ngay từ đầu năm, thưa ông?
Người ta hay nói, cái gì muốn nhanh thì phải từ từ. Theo tôi nghĩ, đưa ra các biện pháp trên cùng một lúc vào thời điểm này là rất hợp lý, vì bây giờ các điều kiện mới đủ chín muồi. Khi lượng đổi thì chất mới có thể thay đổi được. Cụ thể, tổng dự nợ cho vay ngoại tệ trong quý 1 tăng rất mạnh, trong khi quý trước đó thì vẫn không tăng. Vì tổng dư nợ cho vay ngoại tệ tăng nên mới phải tính đến chuyện nâng tỷ lệ dự trữ ngoại tệ bắt buộc tại các tổ chức tín dụng.
Còn trần lãi suất huy động USD vẫn được điều chỉnh theo xu hướng giảm suốt thời gian qua. Song phải giảm từ từ, chứ không thể ngay từ đầu năm, đùng một cái giảm xuống còn 2% một năm đối với khách hàng cá nhân và 0,5% một năm đối với khách hàng doanh nghiệp như hiện nay được. Nói chung, các công cụ trên được xem như kháng sinh liều cao, phải dùng đúc lúc và đúng nguyên nhân mới hiệu quả, chứ dùng tùy tiện thì chỉ hại thêm.
Đất Việt