"Liêm chính" là cụm từ "khó thực hiện nhất"?

(Dân trí) - "Ngay từ khi Chính phủ đưa ra hành động này tôi cũng cho là liêm chính là khó nhất vì với chế độ đãi ngộ hiện nay yêu cầu công chức hoàn toàn liêm chính là khó", TS Trần Du Lịch bình luận.

Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, đây là voting cực kỳ hay, đưa ra cảnh báo phải cải cách đồng bộ.
Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, đây là voting cực kỳ hay, đưa ra cảnh báo phải cải cách đồng bộ.

Một khảo sát nhanh thực hiện với những khách mời tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam thường niên lần thứ 10 do Thời Báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng qua (20/3), về câu hỏi về 5 cặp từ trong phương châm hoạt động của Chính phủ năm 2018, 54% khách mời tại hội thảo cho rằng "liêm chính" là cặp từ "khó thực hiện nhất".

Ngay sau kết quả khảo sát nhanh cho thấy cặp từ "liêm chính" sẽ là thách thức lớn nhất với Chính phủ đương nhiệm trong năm 2018, TS. Võ Trí Thành nhắc lại một kết quả khảo sát với câu hỏi tương tự trong một diễn đàn kinh tế cũng do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức cách đây 6 tháng với sự tham dự của gần 1.000 doanh nghiệp. Khi đó, hai từ "hành động" đã được đa số lựa chọn.

"Có lẽ khi đó doanh nghiệp cần Chính phủ hành động mạnh mẽ, còn bây giờ cần liêm chính nhiều hơn. Đây là lời nhắc nhở sự trong sáng của Chính phủ là rất cần", ông Thành nhấn mạnh.

Bình luận về kết quả voting với 54% cho rằng "liêm chính" là cặp từ khó thực hiện nhất trong 5 cặp từ trong phương châm hành động của Chính phủ, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng kết quả voting này hoàn toàn không bất ngờ.

"Ngay từ khi Chính phủ đưa ra hành động này tôi cũng cho là liêm chính là khó nhất vì với chế độ đãi ngộ hiện nay yêu cầu công chức hoàn toàn liêm chính là khó. Nếu không cải cách chế độ tiền lương, có trình độ đại học đi làm lương hơn 3 triệu tháng thì hoàn toàn liêm chính mẫn cán công vụ kiểu gì đây? Đây là vấn đề đã đặt ra nhiều năm nhưng không cải cách, đây là voting cực kỳ hay, đưa ra cảnh báo phải cải cách đồng bộ", ông Lịch bình luận.

Cũng tại hội thảo lần này, TS. Vũ Viết Ngoạn, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, nếu chỉ dùng 1 từ để nói về kinh tế Việt Nam 2017 thì ông lựa chọn từ khóa "Chính phủ đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư". Vị chuyên gia cũng dự báo, năm 2018 sẽ có cả cơ hội và thách thức đan xen.

Theo ông Ngoạn, về cơ hội, năm 2018, kinh tế thế giới chuyển động tích cực hơn năm 2017. Trong năm 2017, lòng tin của nhà đầu tư trong nước rất tích cực và tiếp tục được củng cố trong năm 2018. Dự báo tăng trưởng năm 2018 là tích cực.

Trong khi đó, lạm phát năm 2018 có thể tăng hơn năm 2017 nhưng vẫn ở trong phạm vi kiểm soát tốt. Vì giá cả thế giới sẽ tăng cao hơn năm 2017, nhưng theo đánh giá của tôi vẫn trong phạm vi tăng thấp. Nguyên nhân giá dầu lửa sẽ quanh mức 60 USD, thấp hơn mức trước đó là 65 USD. Tiếp đến là yếu tố công nghệ sẽ tác động đến sự giảm giá, điều này cũng giúp việc giá dầu đá phiến đang thấp. Mỹ đã tuyên bố không còn tích lũy đầu lửa như trước và trở thành nước xuất khẩu dầu.

"Năm 2018 Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tốt. Đây là năm có nhiều tín hiệu tích cực hơn năm 2017. Lo lắng trung hạn, nhất là năm 2019 nhiều dự báo kinh tế thế giới sẽ xuống đáy và sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng ta phải chuẩn bị chung cho trung hạn", ông nói.

Phương Dung

"Liêm chính" là cụm từ "khó thực hiện nhất"? - 2