Lễ trao giải cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"
(Dân trí) - Sau 3 tháng, cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Tổng Công ty Điện lực TPHCM phối hợp với báo Thanh niên tổ chức đã nhận hơn 500 bài viết. Trong đó, 60 bài hay nhất vào vòng chung khảo.
Ngày 25/10, tại hội trường của Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen".
Sau 3 tháng tổ chức (1/6-31/8), ban tổ chức đã nhận được 523 bài dự thi của độc giả từ khắp các tỉnh thành đất nước. Các tác giả cũng đa dạng độ tuổi, trong đó tác giả trẻ nhất chỉ mới 12 tuổi và tác giả lớn tuổi nhất là 86 tuổi. Ban tổ chức đã chọn ra 126 bài chất lượng cao để in báo giấy và báo điện tử, 100 bài xuất bản thành sách, lấy 60 bài hay nhất đưa vào chung khảo.
Thông qua cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen", ban tổ chức mong muốn tập hợp được nhiều câu chuyện hay, việc làm hiệu quả về tiết kiệm điện, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp,… để mọi người cùng tham khảo, học hỏi và lan tỏa.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), thành phố vừa đối diện với thời tiết nắng nóng kéo dài, khiến cho lượng điện tiêu thụ tăng cao.
"Thời gian qua, EVN rất chú trọng tuyên truyền người dân tiết kiệm điện trong mùa khô nói riêng và cả năm nói chung. Các bài thi trong cuộc thi viết đã góp phần nêu ra những ý tưởng tiết kiệm điện rất hay. Những sáng kiến này cũng được chia sẻ trong các hội nhóm và hưởng ứng tích cực", đại diện EVN nói.
Đối với giải viết về các tổ chức, doanh nghiệp, ban tổ chức ghi nhận giải Nhất thuộc về bài viết Học theo Bác, lính biên phòng "siêu" tiết kiệm điện của tác giả Nguyễn Văn Hội (Long An).
Giải Nhì thuộc về bài viết Tắt khi không sử dụng điện "mọi lúc mọi nơi" của tác giả Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp) và Lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất của tác giả Võ Gia Hân (TP Thủ Đức, TPHCM).
Giải Ba được trao cho tác giả Hoàng Hữu Hóa (Quảng Trị) về bài viết Người dân Quảng Trị chung tay tiết kiệm điện mùa nắng nóng, tác giả Đinh Thành Trung (Hà Nội) với Sáng kiến "nhỏ như con thỏ" nhưng hiệu quả lớn ở Hà Nội và tác phẩm Nhà nhà tiết kiệm điện ở quê tôi của tác giả Nguyễn Tuấn Anh (Quảng Ngãi).
Đối với giải viết về cá nhân sử dụng điện với mục đích sinh hoạt, ban tổ chức trao giải Nhất cho bài viết Cụ bà 81 tuổi ở Tiền Giang với sáng kiến tiết kiệm điện "không đụng hàng" của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Quốc Đạt (Tiền Giang).
Giải Nhì được trao cho bài Tiết kiệm điện cần chú ý ngay khâu mua sắm các thiết bị sử dụng, tác giả Nguyễn Hà Anh (TPHCM) và Thói quen tiết kiệm điện của bố tôi đã "ngấm vào máu" của tác giả Triệu Thị Tuyết Nhung (Phú Thọ).
Giải Ba gồm các bài "Một người khỏe", cả nhà vui của tác giả Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Tôi có bí quyết dạy con tiết kiệm điện bằng... thơ của tác giả Nguyễn Thị Mộng Huyền (Trà Vinh), Những "bí quyết" giúp nhà nông tiết kiệm điện tiền triệu của tác giả Nguyễn Thị Hồng (Đắk Lắk).
Tác giả Nguyễn Văn Hội (Long An), người đạt giải nhất viết về các tổ chức, doanh nghiệp, cho hay đơn vị nơi anh làm việc thuộc vùng sâu, vùng xa, có thiết bị rất lạc hậu. Anh nhận ra hệ thống điện cũ, không ứng dụng năng lượng mặt trời, thiết bị thông minh. Đó là động lực để tác giả này nảy ra nhiều sáng kiến sử dụng điện an toàn.
"Tiết kiệm điện là một trong những nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của đơn vị. Quá trình thực hiện, chúng tôi liên tục đề ra hàng loạt giải pháp, tuyên truyền sao cho hiểu rõ sự quan trọng của việc tiết kiệm điện. Trong đó, có việc hạn chế sử dụng thiết bị điện riêng gây lãng phí điện, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng…", tác giả Nguyễn Văn Hội chia sẻ.
Tác giả Lò Duy Bưu (Buôn Ma Thuột) cho biết hoàn cảnh sống ở địa phương đã giúp anh có nhiều ý tưởng, nguồn cảm hứng để nảy ra sáng kiến tiết kiệm điện. "Là một giáo viên ở trường nội trú, tôi thường xuyên tuyên truyền cho các em cách tiết kiệm điện đúng và hợp lý. Việc tắt điện khi ra khỏi lớp hoặc tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng điện là những điều nhỏ nhặt nhưng thời gian lâu dài lại giúp giảm hóa đơn điện hằng tháng rất tốt", anh Bưu nói.
Theo TS Nguyễn Công Tráng, giảng viên Khoa Điện, Điện tử, Trường đại học Tôn Đức Thắng, máy lạnh là thiết bị tiêu tốn điện nhiều nhất. Các trường có máy lạnh ở lớp học nên sử dụng máy lạnh lúc 9h và tắt máy lạnh sớm hơn 1 giờ trước khi tan trường.
"Đối với máy lạnh, phải cân nhắc thời gian bật, tắt hoặc có thể kết hợp với việc sử dụng quạt để hạn chế năng lượng điện cho máy lạnh. Chúng tôi luôn tuyên truyền về tiết kiệm điện để các cơ sở, doanh nghiệp, hộ gia đình để ý thức hơn trong việc tiết kiệm", ông Tráng cho hay.