1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Lệ phí trước bạ góp 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách

(Dân trí) - Khẳng định lệ phí trước bạ là khoản thu quan trọng của Ngân sách Nhà nước (NSNN), Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết giữ quy định về khoản này trong dự án Luật phí, lệ phí bất chấp nhiều ý kiến cho rằng, đây thực chất là một loại thuế tài sản, do đó đề nghị không quy định trong dự án Luật.

Đề nghị bỏ phí sử dụng đường bộ với xe máy

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Phí và lệ phí trước Quốc hội chiều 11/11, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy.

Về vấn đề này, UBTVQH cho rằng, phí sử dụng đường bộ là một khoản phí thuộc lĩnh vực giao thông nằm trong Danh mục kèm Dự thảo luật, áp dụng cho nhiều loại phương tiện tham gia lưu hành nhằm mục đích tạo nguồn thu phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong Dự thảo luật không ghi thành một danh mục riêng, việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể do Chính phủ quy định, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu của công tác quản lý theo từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quyết định thu hoặc dừng thu đối với từng loại phương tiện cụ thể.

Thực tế tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2015 của Chính phủ đã thống nhất dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy kể từ ngày 01/01/2016. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ như Dự thảo luật.

Một số ý kiến cho rằng, Lệ phí trước bạ thực chất là một loại thuế tài sản, do đó đề nghị không quy định trong Luật Phí và lệ phí.

Theo UBTVQH, lệ phí trước bạ là khoản thu liên quan đến quản lý tài sản, theo quy định pháp luật hiện hành, lệ phí trước bạ của Việt Nam được tính theo tỷ lệ % trên giá trị tài sản và là khoản thu quan trọng của Ngân sách Nhà nước (NSNN). Theo đó, số thu lệ phí trước bạ hàng năm đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.

Mặt khác, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều có khoản thu liên quan đến đăng ký tài sản nhưng mỗi nước thực hiện phương pháp thu khác nhau. Cụ thể, một số nước thực hiện thu thuế (Hàn Quốc là thuế đăng ký và cấp phép, Trung Quốc là thuế mua sắm phương tiện,...); một số nước thu lệ phí đăng ký (như Úc, Mỹ,...) mức thu tính theo mức cố định hoặc tỷ lệ %/giá trị tài sản.

Do đó, để đảm bảo nguồn thu NSNN và phù hợp với thông lệ quốc tế, UBTVQH đề nghị vẫn giữ quy định về lệ phí trước bạ như Dự thảo luật.

Đề nghị không thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố

Ngoài ra, về dự thảo Luật phí và Lệ phí, một số đại biểu đề nghị không thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Có ý kiến nhất trí cho phép thu nhưng đề nghị cần rà soát kỹ, quản lý chặt chẽ, tránh quy định không rõ ràng, dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông, gây thất thoát nguồn thu cho NSNN.

Theo đánh giá của UBTVQH, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè vào các mục đích khác như điểm đỗ xe ô tô, xe máy,... đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện khá tốt và là nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước.

Thực tế ở Việt Nam những năm gần đây cho thấy, nhu cầu sử dụng lòng đường, hè phố, nhất là tại các thành phố lớn nhằm phục vụ nhu cầu trông giữ xe máy, ô tô, trong khi ở các thành phố lớn các bãi trông giữ xe công cộng còn hạn chế.

Việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác đã được Luật Giao thông đường bộ quy định cụ thể: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do UBND tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.

Theo đó, thẩm quyền đã được giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc sử dụng lòng đường, hè phố phù hợp và phải đảm bảo trật tự và an toàn giao thông. Người được sử dụng lòng, hè đường phải nộp phí là đảm bảo công bằng trong việc sử dụng lòng đường, hè phố, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Do vậy, UBTVQH đề nghị giữ lại khoản phí này trong danh mục và yêu cầu các địa phương, nhất là ở các đô thị lớn cần tăng cường công tác quản lý, quy định cụ thể từng khu vực, từng tuyến phố được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Tuy nhiên, không được làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và tăng cường công tác quản lý khoản thu này bảo đảm công khai, minh bạch, tránh việc thu, sử dụng không đúng với quy định của pháp luật.

Nếu được thông qua, Dự án Luật phí, lệ phí sẽ có hiệu lực kể từ 1/1/2017.

Bích Diệp

 

 

Lệ phí trước bạ góp 15.000 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách - 2