Lật tẩy chiêu trò lừa đảo của “tiền ảo” 3M

(Dân trí) - Khi thu tiền của khách, nhân viên bán “tiền ảo” 3M không lập hóa đơn, cũng không có địa chỉ liên lạc cũng như người đại diện pháp luật. Khi đến ngày trả lãi, khách liên hệ thì nhân viên liên tục báo hệ thống lỗi, “đầu nậu” thì từ chối nhận điện thoại của khách...

Nhận tiền rồi... biến mất

Dù được giới thiệu là hình thức đầu tư kinh doanh làm giàu nhanh nhất nhưng 3M không có trụ sở. Trên hệ thống website của 3M cũng không có địa chỉ và người đại diện pháp luật. Tại Việt Nam, các nhân viên tư vấn cũng chọn những quán cà phê để làm địa chỉ giao dịch. Sau khi "dụ" được "con mồi", các nhân viên 3M sẽ trực tiếp thu tiền mặt của khách để quy đổi ra BITCOIN và tiến hành trả thưởng cho khách.

Trao đổi với phóng viên, nhân viên V.A cho biết: "Mình làm việc tin nhau là chính anh ạ! Anh cứ đưa tiền tụi em sẽ nhờ người mua và chuyển vào Blockchain cho anh. Anh an tâm, tụi em làm ăn uy tín lắm, không lừa đảo như những hình thức đầu tư M5, M7, Swiscoin đâu ạ!".

Khi chúng tôi thắc mắc về tính pháp lý của 3M tại Việt Nam, trụ sở công ty, hoá đơn khi thu tiền... thì tư vấn tên Q. khẳng định: "Đây mình đầu tư thông qua đồng BITCOIN và mình đầu tư với quốc tế chứ có làm việc với Việt Nam đâu mà phạm pháp anh. Thời buổi bây giờ làm tài chính ai còn cần trụ sở công ty làm gì. Sau khi anh đầu tư 3M thì anh ở nhà anh nhận lãi suất hàng ngày chứ có cần phải lên công ty đâu mà mở công ty làm gì. Còn việc thu tiền mặt là để chúng em đi mua BITCOIN giùm anh. Anh em mình chỗ quen biết nhau anh cứ an tâm, tụi em không lừa anh đâu!".

3M vẫn ngang nhiên chiêu dụ khách hàng để lừa đảo
3M vẫn ngang nhiên chiêu dụ khách hàng để lừa đảo

Để tạo niềm tin cho các nhân viên 3M, chúng tôi đã đầu tư một gói đầu tư thấp nhất trị giá 0,05 BITCOIN (tương đương 1,4 triệu đồng). Ngay sau đó, chúng tôi nhận được một tài khoản để đăng nhập vào hệ thống của 3M. Tuy nhiên, đây chỉ là một trang web thông thường để khách hàng có thể theo dõi các giao dịch và sự lên xuống của đồng BITCOIN. Dù trong website có thể hiện những chỉ số mua và bán nhưng người chơi không thể thực hiện được giao dịch này. Tất cả đều do các "đầu nậu" của hệ thống điều khiển từ xa.

Sau khi đầu tư gói trên, chúng tôi được hứa hẹn mỗi ngày sẽ được nhận lãi 3% (tương đương 42.000 đồng) và mỗi tháng sẽ nhận được 1.260.000 đồng tiền lãi. Sau 50 ngày với lãi suất lên tới 150%, khách có thể rút lại vốn hoặc để đầu tư tiếp.

Tuy vậy, sau gần 3 ngày chuyển BITCOIN qua ví cho hệ thống 3M, chúng tôi không hề nhận được một đồng tiền lãi nào. Khi liên lạc với các nhân viên tư vấn trước đó thì đều nhận được những câu trả lời giống nhau như: "Anh đợi thêm vài ngày sẽ nhận được tiền thôi", hoặc "Do hệ thống đang bị lỗi nên chưa thể trả tiền". Tiếp đó, các "đầu nậu" cũng liên tục bấm máy bận khi chúng tôi liên hệ...


Chúng tôi tham gia 1 gói đầu tư 1,4 triệu đồng và bị mất trắng

Chúng tôi tham gia 1 gói đầu tư 1,4 triệu đồng và bị mất trắng

Không chỉ số tiền đầu tư mà toàn bộ BITCOIN trong ví của chúng tôi cũng biến mất và không thể đăng nhập
Không chỉ số tiền đầu tư mà toàn bộ BITCOIN trong ví của chúng tôi cũng biến mất và không thể đăng nhập

Rủi ro lớn và không được pháp luật bảo vệ

Hàng ngày, vẫn có hàng trăm nhân viên tư vấn đi khắp nơi để chiêu dụ khách hàng
Hàng ngày, vẫn có hàng trăm nhân viên tư vấn đi khắp nơi để "chiêu dụ" khách hàng

Để tìm hiểu tính pháp lý của hình thức kinh doanh trên, phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM. Ông Minh cho biết: “Sự xuất hiện của các đồng tiền ảo nói chung gây nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư!”.

Ông Minh cho rằng, khi đầu tư “tiền ảo” có thể gặp 4 rủi ro lớn. Thứ nhất là do đồng tiền BITCOIN mang tính ẩn danh rất cao nên nó dễ trở thành công cụ cho các bọn tội phạm rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế… Thứ 2, do đây là đồng tiền ảo được sử dụng dưới hình thức kỹ thuật số nên nó dễ bị tấn công, dễ bị ngừng giao dịch, đánh cắp dữ liệu. Thứ 3 là giá trị đồng tiền này biến động rất mạnh, rất phức tạp trong thời gian rất ngắn. Thứ 4 là nó không bị chi phối bởi một cơ quan quản lý Nhà nước nào nên người sở hữu nó sẽ phải chịu mọi rủi ro vì không có người bảo vệ.

Ông Hoàng Minh Minh nói: “Chúng tôi khẳng định rằng những đồng tiền này không phải là tiền tệ cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Thứ 2 là do nó không phải là phương tiện thanh toán nên không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ, mọi rủi ro nếu có thì nhà đầu tư phải chịu. Thứ 3 là chúng tôi yêu cầu các tổ chức tín dụng không được sử dụng các đồng tiền này để làm tiền tệ hay là phương tiện thanh toán khi đưa ra các sản phẩm, hay dịch vụ cho khách hàng”.

“Việc sử dụng rất rủi ro, chúng tôi với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tài chính, ngoại hối… đề nghị người dân, các doanh nghiệp không nên tham gia vào các hoạt động này”, ông Minh khuyến cáo người dân.

Xuân Hinh