1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính phủ quyết đưa tiền ảo vào khuôn khổ

(Dân trí) - Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.

00-1a915-1446612536439-1480899954544
(Ảnh minh hoạ).

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và thương mại điện tử, tài sản ảo, tiền điện tử ngày càng phổ biến và thu hút sự quan tâm của công chúng. Nhiều thứ “ảo” đã và đang dần trở nên “thật”, qua đó làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan.

Tiền ảo đang trở thành xu hướng mới trên thị trường tài chính thế giới, với 670 loại trên toàn cầu, ví dụ như Bitcoin. Giao dịch sử dụng tiền thật để mua bán tiền ảo, tài sản ảo ngày càng nhiều với giá trị lên tới hàng tỷ USD, chỉ riêng bitcoin - một loại tiền ảo phổ biến hiện nay, giá trị vốn hoá thị trường khoảng 10 tỷ USD.

Việc sử dụng tiền ảo mang lại nhiều tiện ích như tiết kiệm chi phí, giao dịch thuận tiện, nhanh chóng, khó bị làm giả… nên thu hút nhiều người tham gia đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, cùng với đó, tranh chấp dân sự, thương mại cũng như nhiều loại tội phạm như rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu… ngày càng phức tạp.

Theo bản đề án, tại Việt Nam, hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi mở rộng từ các thành phố lớn lan rộng tới các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…

Việc kinh doanh tiền ảo đa cấp đang hút đông đảo người tham gia đầu tư. Tuy nhiên, việc hiểu biết không đầy đủ về tiền ảo khiến những người tham gia chịu rủi ro lớn khi lao vào cuộc chơi này.

Trên thế giới, các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách để quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề là xây dựng khung pháp lý quản lý, ban hành chính sách thuế đối với đầu tư, kinh doanh tiền ảo, có chính sách bảo vệ quyền lợi cho người sở hữu tiền ảo, cấm các giao dịch tiền ảo do tư nhân phát hành.

Trong khi đó, Việt Nam đang rất thiếu các quy định pháp luật để điều chỉnh về tiền ảo, tiền điện tử, dẫn đến việc quản lý khó khăn do các giao dịch này chủ yếu thực hiện qua Internet gây thất thu ngân sách, trở thành công cụ cho trốn thuế, rửa tiền, hối lộ hay mua bán vũ khí. Cùng với đó còn có nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ.

Hồi tháng 3 năm nay, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) từng đưa ra cảnh báo, gần đây, một số website, diễn đàn và mạng xã hội phổ biến nhiều thông tin về các loại "tiền ảo", có tên Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin,... đi kèm với nhiều lời chào mời các nhà đầu tư tham gia mạng lưới "tiền ảo" để thu lãi “khủng”.

Cơ quan của Bộ Công Thương cho biết, tại Việt Nam, cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại “tiền ảo” tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng “tiền ảo” như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Từ thực tế đó, Chính phủ cho rằng cần phải có những biện pháp quản lý giao dịch tiền ảo để tránh hệ lụy phát sinh.

Theo Chính phủ, mục tiêu của xây dựng đề án là để đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý với tài sản ảo, tiền điện tử và tiền ảo ở Việt Nam. Xác định rõ vị trí, trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, chủ trì xây dựng, hoàn thiện pháp lý để giảm thiểu rủi ro hệ thống tài chính từ tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử.

Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12/2017.

Nghiên cứu lập 3 nghị định về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo trình Chính phủ trong năm 2018. Đồng thời, đề xuất các biện pháp thu thuế, xử phạt hình sự với các vi phạm liên quan đến các giao dịch này.

Đề án cũng nhấn mạnh việc học tập kinh nghiệm quản lý ở Mỹ, EU, Nhật Bản. Ngoài việc đưa tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử vào khung pháp lý nghị định, Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung luật quản lý với các phát sinh trong bối cảnh mới.

Phương Dung