Lật tẩy chiêu gắn “mác” Hàn Quốc tại nhiều cửa hàng mỹ phẩm

(Dân trí) - Nhiều hệ thống siêu thị mini tại TPHCM đang có cách bán hàng theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Mặc dù là thương hiệu của Việt Nam, hàng sản xuất ở Trung Quốc nhưng cửa hàng lại “đậm chất” Hàn Quốc.

Chúng tôi đã có dịp theo chân Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) và Chi cục Quản lý thị trường TPHCM để kiểm tra hàng loạt cơ sở chuyên kinh doanh mỹ phẩm, hàng tiêu dùng tiện lợi.

Khi đoàn công tác bất ngờ “ập” vào cửa hàng tên Yoyoso trên đường Lê Văn Sỹ (phường 14, quận 3). Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều sản phẩm trong cửa hàng có tem nhãn phụ ghi không đúng theo quy định, gây khó hiểu cho người tiêu dùng.

Lực lượng chức năng bất ngờ “ập” vào kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phầm, hàng tiêu dùng tại TPHCM.
Lực lượng chức năng bất ngờ “ập” vào kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phầm, hàng tiêu dùng tại TPHCM.

Bà Bùi Thị Nhị, đại diện cửa hàng Yoyoso cho biết, đây là cửa hàng thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Mi – Tech có trụ sở tại quận Bình Tân, TPHCM do ông Nguyễn Việt Phương (ngụ TP Hà Nội) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đa số các sản phẩm bày bán trong cửa hàng được sản xuất tại Trung Quốc.

Thế nhưng, trên các sản phẩm lại không thể hiện được nơi sản xuất là Trung Quốc. Cụ thể, trên tem nhãn phụ của sản phẩm chỉ có dòng chữ “xuất xứ: PRC”.

Ngoài ra, bao bì của các sản phẩm cũng được thiết kế “đậm chất” Hàn Quốc với những dòng chữ lớn viết bằng tiếng Hàn xen kẽ với tiếng Anh rất chuyên nghiệp. Bên ngoài cửa hàng, các bảng hiệu, băng rôn cũng được thiết kế theo phong cách “xứ sở kim chi” với những dòng chữ tiếng Hàn Quốc rất lớn.

Theo một cán bộ của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM kiểm tra tại cửa hàng Yoyoso thì đây là “chiêu” đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người dân Việt Nam. Người tiêu dùng sẽ rất dễ “mắc bẫy” của các doanh nghiệp này.

“Nhìn bên ngoài thì ai cũng tưởng là cửa hàng của Hàn Quốc và bán các sản phẩm chất lượng của đất nước này. Thế nhưng, bên trong lại là những sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc với các loại tem nhãn không rõ ràng gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý trường hợp này”, vị cán bộ nói.

Đây không phải là lần đầu tiên kiểu bán hàng “treo đầu dê bán thịt chó” bị phát hiện. Trước đó, thương hiệu Mumuso cũng đã bị người tiêu dùng phản ứng gay gắt vì việc làm tương tự. Mumuso đăng ký thương hiệu tại Hàn Quốc nhưng không có bất cứ cửa hàng nào tại Hàn Quốc. Các sản phẩm của Mumuso đều được sản xuất tại Trung Quốc nhưng thương hiệu này lại có nhiều “chiêu” để gây nhầm lẫn cho khách hàng và nhiều người dân đã tin rằng, Mumuso là một thương hiệu Hàn Quốc thực thụ.

Một chai dầu xả phục hồi tóc hư tổn được sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại ghi là “xuất xứ: PRC” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Một chai dầu xả phục hồi tóc hư tổn được sản xuất ở Trung Quốc nhưng lại ghi là “xuất xứ: PRC” gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quản lý thị trường địa phương để tấn công hàng giả, hàng kém chất lượng trong ngành mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh. Trong đó, TPHCM là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ nên thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng càng có diễn biến phức tạp.

“Hôm nay, chúng tôi đã kiểm tra hàng loạt các cơ sở kinh doanh tại TPHCM và phát hiện ra rất nhiều cơ sở vi phạm. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thuốc chữa bệnh không có hóa đơn chứng từ; lập website bán hàng không thông báo với Bộ Công thương…”, ông Hùng nói.

Theo thống kê ban đầu của Tổ công tác 334 và Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM thì trong ngày 7/7, đoàn công tác đã kiểm tra tổng cộng 58 cơ sở kinh doanh tại thành phố, tạm giữ hơn 128.600 đơn vị sản phẩm các loại với giá trị khoảng 507 triệu đồng.

Một số cơ sở vi phạm điển hình như: cửa hàng Trường Tuệ (đường Nguyễn Trãi, quận 5) kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu với 2.446 đơn vị sản phẩm vi phạm, Công ty TNHH dược phẩm CTP – Nguyễn Thanh Tuấn (phường 15, quận 10) kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng từ với 30.900 đơn vị sản phẩm vi phạm, Công ty TNHH SX TM DV hóa mỹ phẩm Vạn Long Hưng (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu với 9.600 đơn vị sản phẩm vi phạm….

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận của Dân trí:

Cửa hàng Yoyoso trên đường Lê Văn Sỹ được thiết kế với bảng hiệu, băng rôn lớn có chữ Hàn Quốc. Quản lý thị trường phát hiện nhiều sản phẩm không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ trên tem nhãn phụ.
Cửa hàng Yoyoso trên đường Lê Văn Sỹ được thiết kế với bảng hiệu, băng rôn lớn có chữ Hàn Quốc. Quản lý thị trường phát hiện nhiều sản phẩm không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ trên tem nhãn phụ.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa tại các các cơ sở kinh doanh.
Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa tại các các cơ sở kinh doanh.
Những dòng chữ quảng cáo như thế này sẽ khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rằng đây là một cửa hàng mang thương hiệu Hàn Quốc
Những dòng chữ quảng cáo như thế này sẽ khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rằng đây là một cửa hàng mang thương hiệu Hàn Quốc
Lật tẩy chiêu gắn “mác” Hàn Quốc tại nhiều cửa hàng mỹ phẩm - 6
Quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tên Koala trên đường Trần Nhân Tôn (quận 10). Tại đây có gần 600 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn chứng từ.
Quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tên Koala trên đường Trần Nhân Tôn (quận 10). Tại đây có gần 600 đơn vị sản phẩm không có hóa đơn chứng từ.
Người tiêu dùng sẽ rất dễ nhầm lẫn nếu bước vào các cửa hàng kinh doanh kiểu “nhập nhằng” thương hiệu như thế này.
Người tiêu dùng sẽ rất dễ nhầm lẫn nếu bước vào các cửa hàng kinh doanh kiểu “nhập nhằng” thương hiệu như thế này.

Đại Việt – Công Quang