Lập ngân hàng mới: “Bánh” ngon không dễ “xơi"

Hoạt động kinh doanh ngân hàng được xem là lĩnh vực nóng nhất hiện nay bởi lợi nhuận của nó đem lại. Tuy nhiên, việc cho ra đời một ngân hàng mới trong thời điểm hiện nay không hề dễ dàng và miếng bánh ngon này thực tế không hề dễ xơi.

Cuộc đua mới

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện tại đã có 13 hồ sơ xin phép thành lập ngân hàng được trình lên. Trong số các hồ sơ đã trình, hầu hết các ngân hàng đang xin phép được thành lập đều đưa ra mức vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo đúng như quy chế cấp phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại cổ phần.

Thậm chí, có những hồ sơ đưa ra mức vốn điều lệ lên đến trên 3.000 tỷ đồng mặc dù theo quy định phải sau thời điểm 31/8/2008 trở đi số vốn đó mới là bắt buộc. Phía sau những hồ sơ đó là sự có mặt của các “ông lớn” là các tập đoàn, các tổng công ty và các định chế tài chính như: Dệt may, Bưu chính Viễn thông, Bảo Việt, Tổng công ty Sông Đà…

Không chỉ có các ngân hàng, hiện có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn cũng đang đẩy nhanh tiến độ để thành lập các công ty tài chính lớn như: Công ty Tài chính Sông Đà có số vốn điều lệ khoảng 1.500 tỷ đồng, Công ty Tài chính Vinalines có số vốn điều lệ dự kiến là 1.000 tỷ đồng và Công ty Tài chính Vinaconex với vốn điều lệ dự kiến là 1.000 tỷ đồng.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, cho rằng nhu cầu thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần là phù hợp với xu thế hiện nay. Thị trường tài chính ngân hàng ở Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, bởi khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng, các hoạt động đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp… tăng mạnh kéo theo những nhu cầu về vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Người dân Việt Nam đã dần quen với việc sử dụng các tiện ích do dịch vụ ngân hàng đem lại, như: thẻ ATM, vay tiêu dùng, thanh toán, mở tài khoản… Đặc biệt, trong khoảng 2-3 năm trở lại đây các chỉ số lợi nhuận của các ngân hàng luôn rất ấn tượng, tốc độ tăng trưởng về tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ… đều ở mức từ 40% trở lên.

Các ngân hàng đều tỏ ra rất nhanh chân khi liên tục mở rộng mạng lưới, gia tăng dịch vụ, hợp tác chiến lược… nhằm khẳng định vị trí, thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng nước ngoài cũng tăng cường thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.

Họ tìm cách mua cổ phần của các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước để trở thành đối tác chiến lược. Không chỉ có vậy, họ cũng đang tìm cách để thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Quy định “cứng”

Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi hồ sơ xin cấp phép ngân hàng được thông qua thì đang có rất nhiều động thái cho thấy Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền sẽ không dễ dãi trong việc cấp phép.

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã chỉ đạo Vụ Các ngân hàng phải khẩn trương rà soát các hồ sơ xin thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và dứt khoát chỉ xem xét những hồ sơ nào đầy đủ, bảo đảm tuân thủ các điều kiện quy định tại Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN.

Ngoài ra, Thống đốc cũng lưu ý Vụ Các ngân hàng cần đề xuất cách xử lý việc các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần tham gia thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới, đánh giá các rủi ro và đề xuất biện pháp giảm bớt rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống. Một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho rằng sẽ không để xảy ra tình trạng thành lập ngân hàng theo kiểu phong trào.

Có thể sẽ không có nhiều ngân hàng mới trong năm nay và dự kiến cũng chỉ khoảng 2-3 hồ sơ được chấp nhận. Những quy định chặt chẽ về vốn điều lệ, tỷ lệ góp vốn cổ đông… đã và sẽ được ban hành nhằm đảm bảo cho ra đời những ngân hàng đủ mạnh, năng lực hoạt động cao giúp cho hệ thống hoạt động an toàn và hiệu quả.

Các ngân hàng mới thành lập sẽ phải đối mặt với những thách thức như: an toàn hệ thống, quản trị điều hành, nhân lực, mạng lưới, công nghệ…

Theo ông Kiều Hữu Dũng, Vụ trưởng Vụ Các ngân hàng, thị trường vốn đã càng ngày càng trở nên “chật chội” với 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 35 ngân hàng thương mại cổ phần, 6 ngân hàng liên doanh. Do đó sự có mặt của các ngân hàng mới sẽ khiến sức ép cạnh tranh sẽ trở nên gay gắt hơn. Tuy nhiên đó là xu thế tất yếu, buộc những ai vào cuộc chơi đều phải chấp nhận.

Việc đua nhau xin thành lập ngân hàng cho thấy đây là một lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó có thể nhìn thấy động cơ lợi nhuận được xem là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng đó là điều không dễ dàng.

Theo VnEconomy/SGGP