Lập lờ “phẩm cấp” sàn gỗ công nghiệp
(Dân trí) - Thị trường gỗ ván sàn lại “ấm” lên khi trời bắt đầu trở lạnh và mùa xây dựng cũng đang vào độ. Sàn gỗ công nghiệp “ghi điểm” liên tục và rất “đắt sô” với người tiêu dùng, tuy nhiên đây cũng là sản phẩm khiến khách hàng luôn chột dạ về vàng thau lẫn lộn.
“Thượng - hạ” tranh thị phần
Tại phố vật liệu xây dựng Cát Linh, Trường Chinh, các dòng gỗ ván sàn công nghiệp ngập tràn. Với những tính năng ưu việt so với các loại vật liệu lát sàn khác như gạch, đá, gốm, gỗ ván sàn đã trở thành sản phẩm thay thế hoàn hảo cho những khách hàng có túi tiền từ tầm trung trở lên.
Đứng ở “đẳng cấp trên”, ván sàn bằng gỗ tự nhiên kén khách hàng vì giá thành thượng lên tới tiền triệu cho mỗi m2 ốp lát. Tuy nhiên, loại gỗ sàn cao cấp này hiện cung vẫn không đủ cho cầu. Gỗ pơmu trước đây được coi là hạng sang giờ đã thành tụt cấp trong dòng gỗ tự nhiên với mức giá ở top dưới (450.000đ-500.000/m2) so với Giáng hương, Gõ đỏ… (trên dưới 1 triệu đồng/m2 hoàn thiện).
Vì nguồn gỗ tự nhiên ngày càng khan, giá thành vì thế cũng không ngừng đẩy lên. Nhiều “đại gia” xây nhà tiền tỷ cũng phải đắn đo nhiều với việc đầu tư gỗ lát sàn tới cả trăm triệu đồng.
Một chủ cửa hàng cung cấp gỗ lát sàn ở đường Trường Chinh nhăn nhó, lắc đầu quầy quậy, từ chối thẳng yêu cầu của khách hàng cần lượng ván gỗ Giáng hương vàng sáng lớn để lát khoảng 100m2 sàn.
Vị khách gần như không bàn đến yếu tố giá cả vì phải “nâng cấp” căn biệt thự gấp cho khách nước ngoài thuê trong tuần. Nhưng chủ hàng vẫn “làm cao” vì không thể có ngay lập tức lượng gỗ lớn, phải đặt trước ít nhất 1 tuần. Thêm nữa, việc lát gỗ tự nhiên cũng lâu công, phức tạp hơn gỗ công nghiệp.
Gỗ công nghiệp không được “tự nhiên” như gỗ... tự nhiên nhưng lại có nhiều ưu điểm chịu nhiệt, chịu ẩm tốt, hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, mẫu mã, màu sắc phong phú... đặc biệt, giá thành gỗ công nghiệp “dễ chịu” hơn nên được người tiêu dùng lựa chọn nhiều.
Đủ “chiêu”… lập lờ
Các chủ hàng sàn gỗ ở phố Cát Linh đều có chung nhận định: Hiện nay, hàng gỗ công nghiệp bán khá chạy vì giá thành được coi là hợp lý cho đa số khách hàng, từ tầm trung tới cao cấp. Ngoài ra, gỗ ván sàn cũng tỏ ra rất thích hợp trong các công trình xây dựng, cải tạo văn phòng làm việc, xây chung cư cao cấp.
Mùa xây dựng đang vào độ, cũng chớm tới đông, thị trường sàn gỗ công nghiệp lại “sôi” lên dịp cuối năm. Khách ra vào, chấm loại nọ, duyệt loại kia không ngớt ngay cả lúc giữa trưa.
Kiến trúc sư Lê Quang Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm khoa học công nghệ xây dựng và môi trường cho biết, hiện có gần 20 nhãn hiệu sàn gỗ công nghiệp khác nhau chủ yếu là hàng nhập khẩu từ châu Âu với những cái tên đã quen mặt như CLASSEN, WITEX, KRONOTEX (CHLB Đức), PERGO (Thụy Điển), ALSAPAN (Pháp), LASSI (Trung Quốc), GAGO (Hàn Quốc)...
Gần đây trên thị trường xuất hiện nhiều loại ván sàn “không tên” nhập từ Trung Quốc nhưng chất lượng trung bình, trong quá trình sử dụng dễ lỗi, phồng rộp tại các mỗi ghép, bề mặt không đủ độ cứng tiêu chuẩn, dễ phai màu…
Nhiều chủ hàng vẫn dùng “chiêu” lập lờ đánh lận con đen, “rút” hàng thật, thế bằng hàng nhái để… “tăng thu nhập”. Hiện, mức giá sàn gỗ công nghiệp trung bình khoảng 300.000đ/m2, thậm chí nhiều loại hàng nhập tính bằng Euro, giá tương đương như gỗ tự nhiên (600.000đ/m2), đương nhiên lời lãi “kiệm” hơn nhiều nên chủ đại lý vẫn nhập hàng ngoài và áp chiêu “tù mù” nhãn mác.
Lời khuyên của ông Tiến dành cho người tiêu dùng là khi chọn hàng cần quan tâm tới màu sắc, hình dạng, độ dày và đặc biệt là độ giả - thật của vân gỗ. Nên chọn sản phẩm chính hãng, tại các địa lý chính thức và sản phẩm có bảo hành dài hạn. Các nhà cung cấp ván sàn gỗ có uy tín đều có chế độ bảo hành 10-15 năm, thậm chí vĩnh viễn về màu sắc, độ cong vênh, co ngót, phòng rộp, chống xước.
P.Thảo