Lào Cai: Doanh nghiệp kêu khổ vì "có mà không hưởng" chính sách thương mại biên giới

(Dân trí) - Cho rằng Chính phủ đã ban hành nhiều ưu đãi để thuận lợi thanh toán thương mại qua biên giới, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tại Lào Cai vẫn bị đẩy vào thế khó do một văn bản hướng dẫn thực hiện của Ngân hàng Nhà nước. Mới đây, cộng đồng các DN địa phương trên đã có kiến nghị gửi các cơ quan chức năng xem xét giải quyết vướng mắc.

Theo nguồn tin từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này vừa nhận được kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai về việc họ đang gặp khó khăn do không được hưởng chính sách thanh toán thương mại biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

Cụ thể, các doanh nghiệp (DN) Lào Cai cho biết, giữa tháng 2/2017, họ nhận được một văn bản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng dẫn về việc thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ban hành tháng 10/2015.

Các doanh nghiệp kêu khổ vì có chính sách nhưng không được thụ hưởng (ảnh xuất khẩu lợn sang Trung Quốc)
Các doanh nghiệp kêu khổ vì có chính sách nhưng không được thụ hưởng (ảnh xuất khẩu lợn sang Trung Quốc)

Theo các DN Lào Cai, trong Quyết định số 52/2015, Thủ tướng Chính phủ có quy định các phương thức thanh toán nhằm ưu tiên hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và các nước, như: Hoạt động thương mại biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới.

Phương thức thanh toán có thể qua các kênh như: Thanh toán qua ngân hàng (mở tờ khai, hoá đơn chứng từ qua ngân hàng); thanh toán trực tiếp vào tài khoản của thương nhân tại ngân hàng khu vực cửa khẩu, lối mở.

Thanh toán không dùng tiền mặt (trao đổi hàng và hàng với nhau, phần thừa hoặc thiếu hụt có thể được thanh toán qua ngân hàng) và thanh toán bằng tiền mặt giữa thương nhân với nhau bằng các đồng tiền tự do chuyển đổi được thừa nhận.

Tuy nhiên, theo các DN Lào Cai, trong công văn của NHNN hướng dẫn các DN thực hiện Quyết định 52 của Thủ tướng, mọi quy định vẫn áp dụng như thương mại quốc tế (từ mở tờ khai đến các phương thức thanh toán được phép trong thương mại biên giới...). Chính vì điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN xuất nhập khẩu, đẩy DN vào môi trường kinh doanh mất an toàn, dẫn đến ùn ứ hàng xuất khẩu tại cửa khẩu, nhiều DN phải dừng hoạt động kinh doanh thương mại biên giới.

Các DN này nêu vấn đề: Chính phủ đã có những giải pháp, chiến lược cho xuất nhập khẩu, lập Ban Chỉ đạo thương mại biên giới Trung ương và các địa phương có biên giới để xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề đặc thù, tham mưu cho Chính phủ những quyết sách điều hành thương mại biên giới có tính chủ động, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhưng "với quan điểm của NHNN tại Tờ trình số 182, NHNN coi hoạt động biên giới là hoạt động xuất nhập khẩu thông thường và tham chiếu cơ sở pháp lý, một số đến nay đã hết hiệu lực. Nếu chính sách thanh toán thương mại biên giới không bắt kịp được với thực tiễn thì các DN có nỗ lực đến đâu cũng không thể hoạt động được", Hiệp hội DN Lào Cai cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Lào Cai, hoạt động thương mại biên giới và hoạt động thương mại chính thống có những điểm khác biệt nên cần tách bạch cơ chế quản lý điều hành để vừa quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vừa đảm bảo sự linh hoạt đặc thù của hoạt động thương mại biên giới.

Đại diện của Hiệp hội DN Lào Cai kiến nghị, các bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan đến Quyết định trên, sớm đưa ra các chính sách phù hợp, hỗ trợ DN trong lĩnh vực xuất nhập khẩu qua biên giới tăng năng lực xuất khẩu sản phẩm trong nước sang các thị trường. Đồng thời các cơ quan chức năng xây dựng chính sách đặc thù đối với thương mại biên giới, thực hiện theo đúng với tinh thần của Quyết định trước đó của Thủ tướng đã đưa ra. Việc này nhằm giúp các DN giảm bớt khó khăn và vướng mắc từ thủ tục hành chính. Đặc biệt vấn đề thanh toán theo diện thương mại biên giới cần có sự đặc thù khác với thương mại thông thường, theo đúng với tinh thần của Chính phủ đã đề ra.

An Linh